Doanh nghiệp chung tay xử lý rác thải nhựa, bảo vệ môi trường Người "nhốt’ rác thải nhựa vào bê tông |
Thị trường thương mại điện tử Việt Nam đã và đang tiếp tục phát triển mạnh mẽ. Dự báo, năm 2024, quy mô sẽ vượt mốc 25 tỷ USD.
Đáng chú ý, hoạt động thương mại điện tử xuyên biên giới hay xuất nhập khẩu trực tuyến (Cross Border Ecommerce) ngày càng phổ biến ở nước ta. Tuy nhiên, từ đại dịch Covid-19, hình thức giao dịch xuất khẩu trực tuyến giữa doanh nghiệp với doanh nghiệp (B2B) gặp nhiều khó khăn.
Trong khi đó, hình thức giao dịch xuất khẩu trực tuyến giữa doanh nghiệp với người tiêu dùng (B2C) lại tăng trưởng mạnh. Dự báo, xuất khẩu trực tuyến của nước ta có thể đạt tới 13 tỷ USD vào năm 2027.
Với sự hỗ trợ đắc lực từ thương mại điện tử, xuất khẩu trực tuyến Việt Nam sẽ bước từ giai đoạn “Khởi động” sang giai đoạn “Cất cánh”; mở ra một cơ hội lớn cho doanh nghiệp Việt.
Rác thải nhựa trong lĩnh vực thương mại điện tử cũng là một thách thức lớn. Ảnh: H.Ngân |
Tuy nhiên, sự phát triển nhanh chóng của thương mại điện tử, bao gồm lĩnh vực bán lẻ hàng hóa trực tuyến và gọi đồ ăn công nghệ trong những năm qua cũng gây thêm tác động tiêu cực tới môi trường, do sử dụng nhiều bao bì, vật liệu nhựa, song tỷ lệ thu gom, tái chế, tái sử dụng còn rất thấp.
Theo báo cáo của Tổ chức Quốc tế về bảo tồn thiên nhiên, năm 2023, thương mại điện tử ở Việt Nam sử dụng 332 nghìn tấn bao bì, trong đó, khối lượng bao bì nhựa các loại là 171 nghìn tấn. Tới năm 2030, khi quy mô thương mại điện tử nước ta đạt gần 100 tỷ USD, nếu không có các giải pháp mạnh mẽ về đóng gói hàng hóa, khi đó, lượng rác thải nhựa từ lĩnh vực này sẽ lên tới 800 nghìn tấn.
Báo cáo "Phát triển thương mại điện tử với bảo vệ môi trường" do Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam công bố, trong năm 2024, có tới 80% người tiêu dùng trực tuyến đánh giá thương mại điện tử gây ra tác động xấu hoặc rất xấu tới môi trường; 21% cho rằng thương mại điện tử gây ra tác động xấu tới môi trường hơn thương mại truyền thống. Nhiều khách hàng vẫn chưa chọn giải pháp thân thiện với môi trường được cung cấp trên các sàn thương mại điện tử hay website bán hàng vì phải trả thêm tiền.
Về giải pháp để thương mại điện tử thân thiện với môi trường, 79% khách hàng trực tuyến cho rằng, nhà nước cần nhanh chóng ban hành và phổ biến chính sách pháp luật về bảo vệ môi trường trong thương mại điện tử; 71% đề xuất doanh nghiệp và thương nhân bán hàng trực tuyến phải công bố lựa chọn thân thiện môi trường để khách hàng dễ dàng đưa ra quyết định; 61% người tiêu dùng gợi ý sự cần thiết của các hình thức tuyên truyền nâng cao ý thức bảo vệ môi trường của người mua sắm trực tuyến.