Ngày kỷ lục đón nguồn điện vô tận: Chuyện chưa từng có trong lịch sử
Nóng rực điện mặt trời
Ông Nguyễn Đức Ninh, Phó Giám đốc Trung tâm Điều độ Hệ thống điện Quốc gia (A0) cho biết: Các dự án điện mặt trời đóng điện lần đầu trong các tháng 4,5,6 năm 2019 là 88 nhà máy điện.
“Đây là một kỷ lục trong suốt lịch sử ngành điện lực Việt Nam về số lượng các nhà máy điện mới đóng điện hòa lưới lần đầu tập trung trong một khoảng thời gian ngắn (chỉ 3 tháng)”, ông Ninh chia sẻ.
Ngày 23/4 chỉ có 4 nhà máy điện mặt trời với tổng công suất nhỏ hơn 150 MW vận hành. Nhưng từ 23/4 đến ngày 17/5 đã đóng điện 27 nhà máy với công suất tăng vọt lên trên 1.400 MW. Trong đó chủ yếu ở miền Nam và miền Trung.
Điện mặt trời đã ở giai đoạn bùng nổ. Ảnh: Lương Bằng |
“Số lượng từ nay đến tháng 6 phải đóng điện trên 50 nhà máy nữa. Như vậy bây giờ mới đóng điện được 30%, còn hơn 1 tháng nữa là đến deadline. Đó là thách thức rất lớn”, ông Nguyễn Đức Ninh nói.
“Deadline” mà đại diện A0 đề cập chính là việc các nhà máy điện mặt trời vận hành trước tháng 7/2019 được bán với giá ưu đãi lên tới 2.086 đồng/kWh. Đây là mức giá rất cao, trong khi giá bán lẻ điện bình quân mới chỉ là 1.864 đồng/kWh.
“Khối lượng công việc còn lại là rất lớn, trung bình 10 nhà máy/tuần. EVN và Điều độ quốc gia sẽ quyết tâm nỗ lực hỗ trợ các chủ đầu tư đóng điện thành công”, đại diện A0 cam kết.
Để “tải” được khối lượng công việc khổng lồ đó, A0 và EVN đã phải căng mình hỗ trợ các nhà máy đóng điện. Ông Nguyễn Đức Ninh cho hay: A0 phải tăng cường thời gian làm việc (bao gồm cuối tuần, ngày lễ), đặc biệt đối với các công việc có thể thực hiện khi nhà máy không phát điện; triển khai thực hiện song song các hạng mục công việc; điều chuyển nhân lực để hỗ trợ các bộ phận có khối lượng công việc tăng cao như Điều động miền Nam và miền Trung.
Đáng chú ý là, tình thế căng thẳng đến mức A0 phải ký cả hợp đồng ngắn hạn với các nhân lực đã nghỉ chế độ.
“Ban Giám đốc trực tiếp chỉ đạo công tác đóng điện, thử nghiệm thông qua sử dụng ứng dụng Group chat. Kịp thời xử lý các khó khăn vướng mắc giữa chủ đầu tư và các bộ phận công việc chuyên môn”, đại diện A0 nói.
Hệ thống truyền tải gặp nhiều thách thức khi điện mặt trời ồ ạt vào. Ảnh: Lương Bằng |
Căng thẳng đường dây truyền tải
Cơ chế khuyến khích điện mặt trời thời gian qua đã thu hút các nhà đầu tư trong và ngoài nước tham gia, chủ yếu tập trung tại khu vực miền Nam và Nam Trung Bộ, là khu vực có tỷ trọng phụ tải chiếm khoảng 50% so với toàn quốc. Vì vậy, việc đưa vào các dự án năng lượng tái tạo phần nào đó sẽ giảm bớt sự thiếu hụt về năng lượng tại miền Nam, qua đó tăng cường an ninh cung ứng điện và giảm căng thẳng trong công tác vận hành hệ thống điện.
Do sự hấp hẫn của cơ chế giá (2.086 đồng/kWh trong vòng 20 năm nếu vận hành trước tháng 7/2019-PV), đến thời điểm hiện tại đã có khoảng 15.000 MWp các dự án điện mặt trời được Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công Thương phê duyệt bổ sung quy hoạch. Các dự án tập trung tại khu vực miền Trung và miền Nam do thuận lợi về điều kiện bức xạ.
Tuy nhiên, cùng với điện gió, điều này đặt ra thách thức không nhỏ cho đường dây truyền tải, quá tải. Dự kiến 2019 này có 5 vùng và đến 2020 có 9 vùng quá tải ở lưới 110 kV, sau đó lan lên lưới 220kV, 500 kV.
Đến 30/6, tổng công suất điện mặt trời đưa vào vận hành là khoảng 2.500-3.000 MW, nhưng phần lớn tập trung ở 6 tỉnh Khánh Hòa, Phú Yên, Ninh Thuận, Bình Thuận, Gia Lai, An Giang. Trong khi đó, hệ thống truyền tải lại không thể tiếp nhận hết lượng điện mặt trời sản xuất ra. Có nghĩa, một lượng lớn điện mặt trời sẽ không thể phát lên lưới
Theo Trung tâm điều độ hệ thống điện quốc gia, với hiện trạng đầy, quá tải như vậy, các phần tử đường dây, máy biến áp sẽ liên tục bị vi phạm giới hạn vận hành, gây bất ổn hệ thống, nguy hiểm cho thiết bị; phát sinh một khối lượng công việc khổng lồ cần phải xử lý cho các cấp điều độ.
“Dự kiến tình trạng đầy, quá tải sẽ duy trì 3-5 năm tiếp theo cho đến khi các công trình lưới điện giải tỏa công suất được đưa vào đồng bộ”, Trung tâm điều độ hệ thống điện quốc gia cảnh báo.
Ông Ngô Sơn Hải, Phó tổng giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam, cho hay: Rõ ràng điện mặt trời được đưa vào với tốc độ nhanh, trong vòng 1-1,5 năm là chủ đầu tư đưa 1 nhà máy vào vận hành. Trong khi đó, để xây dựng lưới truyền tải lại mất nhiều thời gian hơn, từ bổ sung quy hoạch đến giải phóng mặt bằng, thi công, đưa vào vận hành mất từ 3-5 năm.
“EVN chủ động tính toán hệ thống và đề xuất Chính phủ bổ sung quy hoạch những đường dây nào chưa có trong quy hoạch để giải tỏa cho điện mặt trời. Đường dây nào đã có trong quy hoạch rồi thì chúng tôi chỉ đạo các đơn vị đẩy nhanh việc triển khai”, ông Ngô Sơn Hải cho hay và lưu ý rằng, không phải xây nhà máy ở tỉnh nào là xảy ra quá tải ở tỉnh đó, mà có thể là “đưa nhà máy ở tỉnh này vào nhưng quá tải ở tỉnh khác”.
Lương Bằng - Báo Vietnamnet.vn xuất bản ngày 18/05/2019