Ngày Gia đình Việt Nam 28/6: Tôn vinh những giá trị văn hóa truyền thống
Ngày 28/6/2000, Bộ Chính trị đã ban hành Chỉ thị 55-CT/TW năm 2000 nhằm bảo đảm cho thế hệ trẻ Việt Nam được phát triển toàn diện, giữ vững và phát huy truyền thống tốt đẹp của dân tộc, đồng thời tiếp thu được những tinh hoa của thế giới, đáp ứng được yêu cầu của sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước; chủ động phòng ngừa, khắc phục những tác động tiêu cực mới đối với trẻ em.
Ngày Gia đình Việt Nam là dịp để các gia đình gắn kết, chia sẻ, yêu thương. Ảnh: MH |
Một trong các nhiệm vụ cần phải thực hiện theo Chỉ thị 55-CT/TW năm 2000 là hàng năm phải tổ chức "Ngày gia đình" trong tháng hành động vì trẻ em (từ 15/5-30/6), nhằm thúc đẩy phong trào toàn xã hội xây dựng gia đình bền vững, hạnh phúc, nuôi dạy con tốt. Đến ngày 4/5/2021, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định 72/2001/QĐ-TTg năm 2001, lấy ngày 28/6 hàng năm làm "Ngày Gia đình Việt Nam".
Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Trịnh Thị Thủy chia sẻ, Ngày Gia đình Việt Nam là dịp để các gia đình gắn kết, chia sẻ, yêu thương; những người con đất Việt hướng về nguồn cội, về người thân, qua đó nuôi dưỡng những tình cảm tốt đẹp, giá trị văn hóa cao quý của dân tộc. Cho dù có đi đâu, làm gì, thì gia đình vẫn là tổ ấm yêu thương, là nơi bình yên để mỗi người tìm về.
Chào mừng Ngày Gia đình Việt Nam, năm nay, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch giao Trung tâm Triển lãm văn hóa nghệ thuật Việt Nam chủ trì, phối hợp với Sở Văn hóa và Thể thao Thành phố Hải Phòng và các đơn vị có liên quan tổ chức “Ngày hội Gia đình Việt Nam năm 2024”.
Với chủ đề “Gia đình hạnh phúc - Quốc gia thịnh vượng”, Ngày hội Gia đình Việt Nam góp phần nâng cao nhận thức của các ngành, các cấp và toàn xã hội về vai trò, vị trí của công tác gia đình đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Đây cũng là dịp để các địa phương giao lưu, chia sẻ kinh nghiệm trong công tác gia đình, hướng tới sự phát triển bền vững của gia đình trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế.
Đồng thời, tôn vinh giá trị truyền thống nhân văn sâu sắc của gia đình; khuyến khích, động viên các gia đình rèn luyện, học tập góp phần xây dựng gia đình văn hóa, xã hội văn minh. Ngày hội là dịp để các gia đình, địa phương chia sẻ kinh nghiệm trong xây dựng tổ ấm, nuôi dạy, chăm sóc, giáo dục con trẻ, góp phần xây dựng, hoàn thiện “hệ giá trị văn hóa, hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị gia đình và hệ giá trị con người Việt Nam trong tình hình mới”.
Ngày hội Gia đình Việt Nam tại thành phố Hải Phòng với sự tham dự của các địa phương, gồm: Hải Phòng, Sơn La, Yên Bái, Vĩnh Phúc, Thanh Hóa, Bình Định, Đắk Lắk, An Giang, Hậu Giang, Bạc Liêu… Chương trình có nhiều hoạt động, như: Triển lãm, trưng bày chuyên đề “Truyền thống văn hóa gia đình trong cộng đồng các dân tộc Việt Nam”; liên hoan nghệ thuật với chủ đề “Niềm vui gia đình”; giao lưu “Thể thao trong gia đình Việt”…
Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Trịnh Thị Thủy đánh giá, Ngày hội Gia đình Việt Nam 2024 hướng đến việc tăng cường sự giao lưu, học hỏi, chia sẻ và hợp tác giữa các địa phương, gia đình trong việc xây dựng gia đình hạnh phúc, gia đình văn hóa, hướng tới sự phát triển bền vững của gia đình trong thời kỳ mới.
Từ trung ương tới địa phương đang triển khai nhiều hoạt động thiết thực kỷ niệm Ngày Gia đình Việt Nam, như: Tôn vinh các gia đình tiêu biểu; hội thi giao lưu sáng kiến truyền thông “Gia đình có sức khỏe - Không khói thuốc; tổ chức Ngày hội Gia đình Việt Nam...
"Các hoạt động tôn vinh giá trị truyền thống nhân văn sâu sắc của gia đình; khuyến khích, động viên các gia đình rèn luyện, học tập góp phần xây dựng gia đình văn hóa, xã hội văn minh, đồng thời góp phần lan tỏa tình yêu thương và trách nhiệm trong mỗi gia đình", Thứ trưởng Trịnh Thị Thủy bày tỏ.