Cặp vợ chồng trẻ sáng kiến làm buồng khử khuẩn di động chống Covid-19 Kỷ niệm đẹp của cặp vợ chồng văn công từng gặp Bác Hồ |
Đúng như tên gọi, xã Trường Sinh thuộc huyện Sơn Dương (Tuyên Quang) có rất nhiều người tuổi cao mà vẫn khỏe mạnh và minh mẫn. Trường Sinh ở ven sông Lô. Xã có 11 thôn với hơn 1.100 hộ và gần 5.000 nhân khẩu.
Một góc xã Trường Sinh |
Ấn tượng đầu tiên khi chúng tôi đến thăm Trường Sinh vào dịp đầu Xuân mới Giáp Thìn là đường đi lối lại trong xã đều rất sạch sẽ. Bà con trong xã cho biết, môi trường trong sạch là nguyên nhân chính dẫn đến tuổi thọ của người dân được nâng cao. Trường Sinh đã được công nhận là xã nông thôn mới từ năm 2021.
Được dự lễ mừng thọ tròn 100 tuổi của cụ Đỗ Văn Nhận và cụ Trần Thị Ngâu ở thôn Thái Thịnh, chúng tôi thực sự bất ngờ khi nghe cụ ông đọc thơ và cụ bà phát biểu giọng vẫn còn sang sảng.
Cụ Trần Thị Ngâu phát biểu tại lễ mừng thọ |
Cụ Đỗ Văn Nhận kể rằng: Cụ và vợ đều sinh năm 1924. Quê của hai cụ ở bãi Soi, xã Vĩnh Phú (nay là xã Bình Phú) thuộc huyện Phù Ninh, tỉnh Phú Thọ. Năm 1960, hưởng ứng lời kêu gọi của Đảng và Nhà nước, đảng viên trẻ Đỗ Văn Nhận đưa vợ con lên huyện miền núi Sơn Dương (Tuyên Quang) xây dựng kinh tế mới và gắn chặt với vùng đất này cho đến nay. Hai cụ sinh được 7 người con. Các con của cụ sinh được 24 cháu. Tổng số chắt, chút của hai cụ là hơn 100 người.
Khi hỏi về bí quyết trường thọ, cụ Trần Thị Ngâu chỉ cười “làm gì có bí quyết gì đâu. Hai vợ chồng cùng tuổi, cùng quê, cùng sở thích nên hòa hợp thôi. “Vợ, chồng cùng tuổi nằm duỗi mà ăn” mà”.
Còn cụ Đỗ Văn Nhẫn thì khẳng định: “Tôi sống vui sống khỏe là do thích làm thơ. Mấy năm trước, mắt còn sáng, tôi còn viết được. Gần đây, mắt bị lòa, tôi làm thơ, nhờ các con cháu chép lại”. Năm nay, nhân kỷ niệm 100 năm ngày sinh và 78 năm ngày cưới, cụ Nhẫn đã có bài thơ dài tặng vợ và các con, cháu, chắt. Bài thơ có đoạn: “Con trưởng thành cũng là khi cha, mẹ / Bắt đầu tàn theo quy luật nhân sinh / Mong cháu, con sống có nghĩa, có tình / Cha mẹ chẳng ước cho mình chi cả / Với cha mẹ, cháu con là vô giá… Còn phút giây sống ở trên đời / Là ước mong cả gia đình hạnh phúc / Tuổi đã cao nên lắm khi nhiều lúc / Ăn nói linh tinh gây phiền phức cháu con…”.
Vợ chồng cụ Đỗ Văn Nhận cùng các cháu, chắt trong lễ mừng thọ hai cụ tròn 100 tuổi |
Ông Đỗ Văn Thọ, con trai trưởng của cụ Đỗ Văn Nhận cho biết, từ trước đến nay ông chưa hề thấy cha mẹ mình “to tiếng” với nhau. Trong những năm kháng chiến chống Pháp, cả hai cụ Nhận và Ngâu đều tham gia du kích. Trong thời kỳ chống Mỹ, cả hai cụ đều là dân quân. Cụ Nhận có thời gian dài là cán bộ xã, cùng với vợ nuôi dạy 7 người con trưởng thành trong đó hai người là cán bộ quân đội. Trong giai đoạn kinh tế đất nước khó khăn và giờ đây khi cuộc sống đã đủ đầy, cả hai cụ đều rất tiết kiệm. Vào những năm 70, 80 của thế kỷ trước, hai cụ thường chỉ ăn sắn, nhường cơm cho con, cháu.
Theo ông Thọ, bí quyết để bố, mẹ ông trường thọ chính là sự hăng say lao động và cuộc sống vui vẻ, thoải mái, chân thật, hòa nhã, biết kính trên nhường dưới, quan tâm lẫn nhau. Môi trường trong sạch cũng là yếu tố tạo nên sự trường thọ bởi gia đình ông luôn bảo đảm vệ sinh cả trong nhà, ngoài vườn, ngoài ngõ xóm.