Ngày 6/7, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) tổ chức Hội nghị trực tuyến “Giải pháp phát triển ngành tôm năm 2021 và triển khai Quyết định số 339/QĐ-TTg ngày 11/3/2021 của Thủ tướng Chính phủ về việc Phê duyệt Chiến lược phát triển thủy sản Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn 2045”.
Số lô tôm xuất khẩu bị cảnh báo chất lượng giảm 11%
Theo báo cáo của Tổng cục Thủy sản, 6 tháng đầu năm 2021, sản lượng tôm nước lợ đạt 371 nghìn tấn (tăng 12% so với cùng kỳ năm 2020), trong đó sản lượng tôm sú đạt 113 nghìn tấn và tôm thẻ chân trắng đạt 258 nghìn tấn. Ước kim ngạch xuất khẩu tôm sáu tháng đầu năm đạt 1,5 tỷ USD (trong đó, tôm sú đạt 200 triệu USD, tôm thẻ chân trắng đạt 1,3 tỷ USD). Hiện, giá tôm nguyên liệu tại đồng bằng sông Cửu Long hiện giảm do nguồn cung dồi dào và do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 nên khó khăn trong thu mua, vận chuyển. Tại Bạc Liêu, giá tôm sú ướp đá cỡ 20 con/kg giảm 15.000 đồng/kg so với tháng trước xuống còn 250.000 đồng/kg.
Hội nghị trực tuyến “Giải pháp phát triển ngành tôm năm 2021 và triển khai Quyết định số 399/QĐ-TTg ngày 11/3/2021 của Thủ tướng Chính phủ về việc Phê duyệt Chiến lược phát triển thủy sản Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn 2045” |
Đáng chú ý, theo ông Lê Bá Anh – Phó Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng nông sản và thủy sản, trong 5 tháng đầu năm 2021, có 15 lô hàng tôm bị cơ quan có thẩm quyền nước nhập khẩu cảnh báo (giảm 11% so với cùng kỳ năm 2020), trong đó đáng chú ý là cảnh báo về các chỉ tiêu dịch bệnh (5 lô), tồn dư hóa chất, kháng sinh cấm 4 lô; vi sinh 5 lô.
Còn tại trong nước, Cục đã thực hiện lấy 537 mẫu tôm nuôi (thẻ, sú) tại 76 vùng nuôi tôm tập trung để phân tích dư lượng hóa chất, kháng sinh tại vùng nuôi. Kết quả, đã phát hiện 6 mẫu vi phạm. Các trường hợp phát hiện vi phạm đều được điều tra, xử lý theo đúng quy định tại Thông tư 31/2015/TT-BNNPTNT ngày 6/10/2015 của Bộ NN&PTNT quy định về giám sát dư lượng các chất độc hại trong động vật và sản phẩm động vật thủy sản nuôi. Cũng trong 5 tháng đầu năm nay, 4 tỉnh trọng điểm là Cà Mau, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Kiên Giang đã tổ chức thanh tra, kiểm tra việc chấp hành quy định phòng, chống tạp chất trong tôm. Kết quả, phát hiện 36 cơ sở vi phạm với tổng số tiền xử phạt là 455 triệu đồng.
Tuy nhiên, ngành nuôi tôm vẫn gặp một số tồn tại, khó khăn, đặc biệt là việc cấp mã số xác nhận đăng ký cơ sở nuôi đạt kết quả chưa cao. Giá thành sản xuất tôm ở nước ta vẫn còn cao hơn so với các nước trong khu vực. Nguyên nhân là do thức ăn nuôi tôm vẫn đang chiếm lỷ lệ cao trong giá thành sản xuất (khoảng 65% giá thành nuôi tôm công nghiệp).
Ngoài ra, còn một số thách thức mới về xuất khẩu như sự thay đổi quy định kiểm dịch đối với sản phẩm nhập khẩu ở nhiều quốc gia, những cảnh báo về an toàn thực phẩm. Một số thị trường nhập khẩu chính thủy sản của Việt Nam đã có những thay đổi trong chứng nhận an toàn thực phẩm, như Hàn Quốc, sản phẩm tôm phải đáp ứng quy định về xử lý nhiệt (tôm nấu chín) mới được miễn kiểm dịch. Tuy nhiên, thời gian xử lý nhiệt theo quy định của Hàn Quốc dài, ảnh hưởng không nhỏ đến màu sắc, mùi vị... của sản phẩm. Còn thị trường Brazil quy định chế độ xử lý nhiệt khắt khe hơn rất nhiều so với hướng dẫn của Tổ chức Thú y thế giới.
Năm 2021, ngành tôm Việt Nam tiếp tục đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, tiềm ẩn rủi ro khi ngành tôm đang phát triển nóng, có thể dẫn đến lạm dụng trong sử dụng con giống, thức ăn, sản phẩm xử lý môi trường trong nuôi trồng thủy sản. Cộng với thời tiết khí hậu bất thường có nguy cơ phát sinh dịch bệnh. Ngoài ra, diễn biến dịch bệnh Covid-19 và cạnh tranh thương mại quốc tế khó lường khiến xuất khẩu tôm…
Nuôi thủy sản trên Vịnh Xuân Đài, Thị xã Sông Cầu, tỉnh Phú Yên |
Ông Nguyễn Hoài Nam- Phó Tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam- nhận định, trong 6 tháng đầu năm, mặt hàng tôm xuất khẩu tăng trưởng tốt. Trước tháng 6, các doanh nghiệp tại các vùng sản xuất, chế biến tôm chính của Việt Nam gần như chưa bị tác động nhiều dịch Covid-19 ở trong nước. Nhưng nay các doanh nghiệp rất lo lắng về tác động của dịch. Các tháng cuối năm 2021, dự báo nhu cầu nhập khẩu tôm của thế giới tăng trở lại, đặc biệt ở các thị trường lớn như EU, Hoa Kỳ, Nhật Bản, Trung Quốc và Hàn Quốc. Tuy nhiên, với tình hình dịch trong nước, đặc biệt đang diễn biến phức tạp tại các vùng trọng điểm nuôi, chế biến của cả cả nước thì việc tận dụng được cơ hội này đặt ra không ít thách thức. “Với kịch bản lạc quan nhất là sẽ kiểm soát được dịch Covid-19 (đối với vùng sản xuất tôm) trong 2 tháng tới thì mặt hàng tôm sẽ vẫn có cơ hội tăng trưởng 12% so với năm 2020. Nếu dịch còn kéo dài hơn thì sẽ tăng dưới 9%”, ông Nguyễn Hoài Nam cho biết.
Tăng năng suất, chất lượng
Theo ông Phùng Đức Tiến- Thứ trưởng Bộ NN&PTNT, Chính phủ đã giao cho Bộ NN&PTNT từ nay đến năm 2025 phải đạt kim ngạch xuất khẩu tôm 10 tỷ USD. Trong năm 2021, ngành tôm đặt mục tiêu xuất khẩu hơn 4 tỷ USD. Để đạt được mục tiêu đặt ra, cần triển khai quyết liệt các giải pháp.
Theo đó, lĩnh vực thủy sản cần giải quyết các bất cập của ngành tôm hiện nay về quy mô, sản lượng và giá thành; củng cố, phát triển ngành tôm, tạo đà phát triển, chuẩn bị những bước xa hơn, bứt phá nhanh hơn trong thời kỳ tới. Thống nhất hành động trong 3 trục (Chính phủ, doanh nghiệp, người dân) để quyết tâm xây dựng ngành tôm thành một ngành hàng lợi thế, mang lại giá trị cao nhất và có tính cạnh tranh trên thị trường quốc tế.
Riêng diện tích nuôi tôm của Việt Nam hiện nay khoảng 740.000 ha. Muốn tăng diện tích nuôi trồng để tăng sản lượng là rất khó. Thậm chí, theo báo cáo của Tổng cục Thủy sản, diện tích nuôi tôm năm nay giảm nhẹ so với cùng kỳ năm 2020. Như vậy, muốn tăng năng suất thì cần phải nâng cao chất lượng, hạ giá thành con giống, thức ăn, kiểm soát môi trường nuôi và thú y phòng bệnh, nâng cao chất lượng tôm tại khu vực nuôi. Đồng thời, cần đẩy mạnh chế biến với công nghệ cao, nhiều sản phẩm, nhiều thị trường thì chúng ta mới đạt được mục tiêu Chính phủ giao cho ngành NN&PTNT.
Hiện các thị trường đòi hòi quy chuẩn, ông Phùng Đức Tiến cũng đề nghị Cục Quản lý chất lượng nông sản và thủy sản kiểm soát tốt chất lượng an toàn thực phẩm nguyên liệu, kiểm soát tồn dư hóa chất, kháng sinh trong sản phẩm tôm nhằm nâng cao chất lượng. Đồng thời, cần khuyến cáo cho người sản xuất sản xuất theo yêu cầu của thị trường. Vụ Hợp tác Quốc tế thông tin kịp thời phối hợp xử lý các rào thị trường nhập khẩu tôm. "Bộ sẽ làm việc với Bộ Tài nguyên và Môi trường về thủ tục đất đai để làm căn cứ pháp lý cho cấp mã số vùng nuôi, đảm bảo cho truy xuất nguồn gốc. Bên cạnh đó, an toàn sinh học là yếu tố quan trọng của Tổ chức Thú y Thế giới để có thể xuất khẩu được tôm nguyên con sang các thị trường. Với sản xuất nhỏ lẻ, Bộ sẽ bàn với các địa phương tìm giải pháp căn cơ để đảm bảo an toàn sinh bệnh", ông Phùng Đức Tiến cho biết.