![]() |
Ảnh minh họa |
Bộ trưởng có thể đánh giá về những kết quả đã đạt được trong năm 2016, cũng như sau 3 năm thực hiện Đề án Tái cơ cấu ngành Nông nghiệp?
Sau hơn 3 năm thực hiện Đề án Tái cơ cấu ngành Nông nghiệp và đặc biệt trong năm 2016, ngành Nông nghiệp về tổng quan đã đạt được một số kết quả bước đầu hết sức quan trọng. Thứ nhất, một số ngành hàng của Việt Nam trong những năm qua đã đổi mới, tiếp cận được phương thức sản xuất của thế giới, ví dụ như ngành chăn nuôi. Thứ hai, đối với ngành hàng thủy sản, đặc biệt hai đối tượng chủ lực là tôm nước lợ và cá tra, Việt Nam đã đáp ứng được điều kiện, công nghệ cũng như quá trình tổ chức sản xuất của thế giới. Về ngành rau quả, chúng ta đã có những tiến bộ: Năm nay - lần đầu tiên nước ta cán đích XK 2,5 tỷ USD về rau, quả, cao hơn cả giá trị XK lúa gạo. Bên cạnh đó, đã có nhiều địa phương tập trung vào tái cơ cấu. Ví dụ, ở Đồng bằng sông Cửu Long có tỉnh Đồng Tháp, Tây Nguyên có Lâm Đồng, miền núi phía Bắc có Hà Giang đã tập trung vào những mũi nhọn sản phẩm mang tính lợi thế, bước đầu đem lại thu nhập khá cho người nông dân và đi đúng hướng của tái cơ cấu nông nghiệp là khai thác lợi thế. Đây là những kết quả bước đầu rất quan trọng.
|
Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) Nguyễn Xuân Cường |
Tuy nhiên, thực tế chúng ta phải khẳng định một điều, tái cơ cấu ngành Nông nghiệp là quá trình lâu dài, bền bỉ chứ không thể một số năm làm ngay được. Trên bình diện rộng, sản xuất nhỏ lẻ, manh mún, mà ở đó năng suất lao động, hiệu quả kinh tế, an toàn, chuỗi giá trị còn ở mức độ thấp. Đặc biệt, rủi ro về thị trường và những biến động thiên tai phải chịu tác động rất lớn. Đây là những tồn tại mang tính chất căn bản, mà thời gian tới phải tập trung nhiều giải pháp để thúc đẩy sản xuất nhanh hơn, nhiều hơn và quy mô sản xuất nhỏ dần phải co lại, khi đó tái cơ cấu nông nghiệp mới thành công.
Trong bối cảnh đất nước hội nhập, sự cạnh tranh ngày càng cao hơn, để giúp bà con nông dân cũng như doanh nghiệp (DN) sản xuất đẩy mạnh khai thác tiềm năng từng thị trường, Bộ NN&PTNT sẽ có những chính sách nào, thưa Bộ trưởng?
Liên quan đến vấn đề thị trường, về tổng quan, tôi khẳng định, chủ trương mở thị trường là tốt và rất chủ động. Đến nay, chúng ta đã chủ động hội nhập với nhiều hiệp định thương mại tự do đã và đang được ký kết.
Trên thực tiễn, năm 2016 là năm hết sức khó khăn cho ngành Nông nghiệp, thiên tai diễn ra từ đầu năm trên 7 vùng kinh tế - xã hội cả nước. Tuy nhiên, năm nay, tổng giá trị XK nông sản ước đạt trên 31 tỷ USD - mức cao nhất và trong đó thặng dư tuyệt đối có khả năng vượt trên 7 tỷ USD. Điều này cho thấy khai thác thị trường - doanh nghiệp Việt Nam đã làm khá tốt dù vẫn đòi hỏi cố gắng nhiều hơn nữa. Như đối với thị trường nhập khẩu, phải thiết kế những giải pháp kỹ thuật mang tính phù hợp với hội nhập, phù hợp với WTO, nhưng đảm bảo thị trường nội địa với hơn 90 triệu dân một cách hợp pháp. Trên cơ sở đó, thúc đẩy sản xuất trong nước.
Trên thực tế, mở thị trường trong các hiệp định thương mại tự do đã tốt, nhưng khai thác từng nhóm thị trường thì chưa hết tiềm năng và chưa đúng giá trị. Ví dụ như mặt hàng thịt lợn, sữa, rau quả, nếu như có hợp đồng cấp nhà nước thì Trung Quốc vẫn là thị trường rất rộng, chúng ta có thể tăng nhanh tổng sản lượng XK. Thậm chí những thị trường khó tính như Mỹ, châu Âu, Nhật Bản và một số thị trường khác tiềm năng để hàng nông sản XK với số lượng lớn hoàn toàn có thể.
Bộ NN&PTNT đang phối hợp chặt chẽ với Bộ Công Thương, các địa phương, ban, ngành tập trung phát triển thị trường cho hàng nông sản. Cụ thể, Bộ NN&PTNT đã làm việc với Australia và bước đầu được thị trường này chấp nhận cho XK tôm nguyên con. Nếu mở được thị trường này, tiêu thụ sản phẩm tôm sẽ mở rộng hơn, tạo tiền đề tốt cho nông sản của Việt Nam xuất khẩu ra nhiều quốc gia khó tính trên thị trường thế giới.
Bên cạnh đó, Bộ cũng đang phối hợp với Hiệp hội Cá tra tiếp tục có biện pháp đấu tranh pháp lý với những thị trường thường xuyên gây khó khăn cho như Hoa Kỳ - thị trường đang chiếm tỷ trọng về thủy sản lớn, phù hợp với thông lệ của Hiệp ước Thương mại tự do. Tôi hy vọng, Việt Nam đã mở thị trường tốt thì phải khai thác từng nhóm thị trường với từng nhóm mặt hàng tiềm lực tốt hơn.
Năm 2017 đã đến, Bộ trưởng có điều gì muốn chia sẻ với bà con nông dân và cộng đồng DN?
Có thể coi 2016 là một năm khó khăn, vất vả nhất đối với nông nghiệp và bà con nông dân . Tuy nhiên, chúng ta đã có một năm rất đồng lòng, tập trung các giải pháp khắc phục và đã có nhiều điểm sáng về xuất khẩu nông sản.
Năm 2016, với Chính phủ mới - chính phủ kiến tạo, niềm tin đối với các DN, các thành phần kinh tế, bà con nông dân được củng cố ở một bước đáng kể. Với niềm tin này, với những điều kiện thuận lợi và cố gắng, hy vọng 2017 sẽ là một năm thắng lợi cho bà con nông dân và ngành Nông nghiệp.
Trân trọng cảm ơn Bộ trưởng!