Nhiều sự cố nghiêm trọng, ngành hàng không bị chấn chỉnh Nâng cao nhân lực ngành hàng không là nhu cầu cấp thiết |
Góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội
Sau khi Việt Nam từng bước mở cửa thị trường hàng không sau đại dịch Covid-19 vào đầu năm 2022, cùng với việc phục hồi thị trường này, số vụ vi phạm an ninh hàng không cũng tăng mạnh.
Ông Đinh Việt Thắng - Cục trưởng Cục Hàng không (thứ 2 từ phải sang) tại Hội nghị toàn cầu về an toàn và khai thác hàng không năm 2023. Ảnh: VNA |
Bảo đảm an ninh, an toàn tuyệt đối cho toàn bộ các chuyến bay đi và đến Việt Nam, hoạt động của các sân bay, cảng hàng không dân dụng và công trình, mục tiêu quan trọng của lĩnh vực hàng không dân dụng là vấn đề có ý nghĩa quan trọng để hàng không dân dụng Việt Nam phát triển nhanh và bền vững, góp phần giữ vững an ninh quốc gia, trật tự, an toàn và thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển.
Theo thống kê của Cục Hàng không Việt Nam, sản lượng hàng hóa vận chuyển qua đường hàng không trong năm 2022 ước đạt 1,25 triệu tấn. Con số này bằng 95% so với năm 2021 và tương đương năm 2019. Trong khi đó, thị trường vận tải hàng không đạt khoảng 55 triệu khách, tăng 3,7 lần so với năm 2021 và bằng 69,6% so với năm 2019.
6 tháng đầu năm 2023, tổng thị trường hành khách ước đạt 34,7 triệu khách, tăng 49,6% so với cùng kỳ 2022. Tổng thị trường hàng hóa ước đạt 483 nghìn tấn, giảm 26% so với cùng kỳ 2022, mặc dù các chỉ số giảm nhẹ so với cùng kỳ năm 2022 nhưng ngành hàng không vẫn đang là ngành có nhiều đóng góp cho phát triển kinh tế- xã hội
Ông Đinh Việt Thắng – Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam - cho biết: Ngành hàng không ngày càng chứng tỏ vai trò quan trọng, đóng góp lớn cho ngân sách nhà nước, góp phần mạnh mẽ vào quá trình tăng trưởng kinh tế, phát triển nhanh chóng về giá trị tài sản, số lượng tàu bay, sản lượng vận chuyển hành khách và hàng hóa, tạo việc làm cho hàng ngàn người; đóng góp lớn trong bảo đảm an ninh, quốc phòng cũng như nâng cao vị trí, vai trò của đất nước trên trường quốc tế.
Triển khai đồng bộ các giải pháp đảm bảo an toàn hàng không
Cùng với sự phục hồi các hoạt động kinh tế sau đại dịch Covid-19, ngành hàng không đã có sự tăng trưởng "nóng" do nhu cầu đi lại tăng cao đột biến. Điều này cũng dẫn đến nhiều vụ vi phạm an ninh, an toàn hàng không.
Trước thực trạng trên, nhiều giải pháp nhằm bảo đảm an ninh, an toàn hàng không đã được Cục Hàng không Việt Nam triển khai như: Tăng cường phối hợp giữa các bộ, ngành, địa phương, giữa các lực lượng an ninh; tổ chức lại lực lượng kiểm soát an ninh hàng không; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, xây dựng văn hóa an toàn hàng không cho người dân.
Cũng theo ông Đinh Việt Thắng, công tác đảm bảo an ninh, an toàn hàng không, đặc biệt là các chuyến bay là vấn đề quan trọng được đặt lên hàng đầu, qua đó nhằm kịp thời phát hiện, xử lý các vụ việc vi phạm, đảm bảo chất lượng dịch vụ hàng không.
Để tăng cường quản lý nhà nước trong lĩnh vực hàng không, Cục Hàng không Việt Nam đã ra thông báo công khai thông tin tiếp nhận, thu thập dữ liệu về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực hàng không như vi phạm quy định về hoạt động bay, vận chuyển hàng không và hoạt động hàng không chung; vi phạm quy định về an ninh hàng không; vi phạm quy định về quản lý an toàn hàng không… tại hộp thư điện tử: [email protected] và số điện thoại đường dây nóng: 0240 8272 288.
Để đảm bảo an toàn hàng không, cuối tháng 5/2023, Cục Hàng không đã ra quyết định phê duyệt “Mục tiêu an toàn năm 2023 của các cảng hàng không, sân bay”.
“Chúng tôi đã yêu cầu Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam chỉ đạo các cảng hàng không, sân bay xây dựng, triển khai kế hoạch hành động nhằm đạt được mục tiêu an toàn năm 2023 của từng chỉ số an toàn quốc gia lĩnh vực hàng không dân dụng (SSP) đã được phê duyệt. Các cảng hàng không, sân bay tổ chức kiểm tra, giám sát công tác bảo đảm an toàn, việc thực hiện mục tiêu an toàn, kịp thời đưa ra các giải pháp cải tiến kế hoạch hành động, trường hợp kế hoạch hành động đã được lập chưa hiệu quả”- Cục trưởng Đinh Việt Thắng chia sẻ.
Ngoài ra, để tăng cường kiểm soát vật thể lạ, vật ngoại lai trên đường cất - hạ cánh, đường lăn và sân đỗ tàu bay, Cục Hàng không Việt Nam đã có văn bản gửi Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam yêu cầu tăng cường kiểm soát vấn đề này.
Chuyển đổi số mạnh mẽ
Để bắt nhịp xu thế của thời đại, góp phần thực hiện cam kết giảm phát thải bằng không của Chính phủ Việt Nam tại COP26, ngành hàng không cũng đã ban hành Kế hoạch “Chuyển đổi số gắn với phát triển bền vững của ngành hàng không dân dụng Việt Nam giai đoạn 2024 – 2030”.
Tại kế hoạch này, Cục Hàng không đề ra mục tiêu ngành hàng không có năng lực cạnh tranh quốc tế thuộc nhóm hàng đầu ASEAN, với 3 trung tâm vận chuyển hành khách, hàng hóa ngang tầm khu vực...
Trong đó, ngành hàng không đặt ra các nhiệm vụ như: Phát triển bền vững và chống các tác động của biến đổi khí hậu, đặc biệt là cam kết của Chính phủ Việt Nam tại COP26; tuyên bố Glassgow của các nhà lãnh đạo về rừng và sử dụng đất; tuyên bố toàn cầu về chuyển đổi điện than sang năng lượng sạch; tham gia Liên minh hành động thích ứng toàn cầu… Thực hiện chương trình hành động về chuyển đổi năng lượng xanh, giảm phát thải khí carbon và khí metan của ngành giao thông vận tải được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Tìm kiếm các giải pháp tiếp cận, ứng dụng công nghệ tiên tiến, hiện đại, chuyển đổi từ sử dụng năng lượng hóa thạch sang các loại năng lượng xanh, giảm phát thải khí nhà kính trong hoạt động hàng không dân dụng; triển khai các tiêu chí về hệ thống sân bay sinh thái gắn với điều kiện thực tiễn tại Việt Nam.
Đồng thời, chuyển số cũng được gắn với các nhiệm vụ của ngành như: Điều hành, quản lý bay; xây dựng hệ thống cảng hàng không, sân bay an toàn, văn minh, lịch sự, hiện đại, thân thiện với môi trường; xây dựng và phát triển bền vững lực lượng vận tải hàng không đáp ứng nhu cầu thị trường, có năng lực cạnh tranh quốc tế thuộc nhóm hàng đầu ASEAN;.. đặc biệt là xây dựng nguồn nhân lực chất lượng cao - yếu tố quyết định để thực hiện thành công nhiệm vụ chuyển đổi số gắn với sự phát triển bền vững của ngành hàng không dân dụng Việt Nam.