Chưa kịp vui mừng với những tín hiệu tốt trong dịp nghỉ lễ 30/4-1/5 khi lượng hành khách di chuyển trên các chuyến bay nội địa tăng cao, đồng thời, tháng 5 hằng năm thường là thời gian cao điểm, hành khách thường xuyên di chuyển đi du lịch, nghỉ dưỡng. Tuy nhiên, hiện nay hầu hết các sân bay vắng bóng người, các chuyến bay thưa thớt, hành khách trên chuyến bay cũng vắng vẻ.
Ngoài ra, do chưa được khai thác các đường bay thương mại quốc tế, nên hầu hết các hãng hàng không tiếp tục phải "đắp chiếu" nhiều máy bay hiện đại. Dù đã mạnh tay cắt giảm chi phí, nhưng nhiều hãng hàng không tiếp tục ghi nhận những khoản lỗ rất lớn.
Thống kê của Cục Hàng không Việt Nam cho thấy, nếu ngày 29/4, Vietjet Air khai thác 366 chuyến bay, vận chuyển hơn 60.000 khách thì đến 15/5 chỉ còn 61 chuyến bay, 8.000 khách. Vietnam Airlines khai thác hơn 420 chuyến bay và vận chuyển hơn 70.000 khách, đến ngày 15/5, con số này chỉ còn 45 chuyến bay, 6.000 khách. Các hãng khác như Bamboo Airway, Pacific Airlines, Vietravel Airlines và VASCO đều rơi vào tình trạng tương tự.
Cũng theo đại diện Cảng Hàng không quốc tế Nội Bài, từ ngày cao điểm 29/4-1/5, cảng phục vụ 540 lượt chuyến bay/ngày với 79.000 lượt hành khách/ngày. Chỉ trong 3 tuần sau đó, bình quân cảng chỉ còn phục vụ khoảng 150 lượt chuyến/ngày, sản lượng hành khách sụt giảm còn khoảng 8.500 lượt hành khách/ngày.
Thậm chí, có ngày thấp điểm, chỉ còn 120 lượt chuyến bay/ngày với 6.600 lượt hành khách. Để duy trì khai thác, cảng đã phải tạm điều chỉnh các chuyến bay đi/đến tại khu vực sảnh E sang khai thác tại sảnh A, B Nhà ga hành khách T1.
Mức lỗ của các hãng hàng không năm 2021 ước tính sẽ lên tới 95 tỷ USD |
Theo VABA, ngành hàng không đã chịu tác động nghiêm trọng từ 3 đợt bùng phát dịch bệnh Covid-19. Ước tính trong năm 2020, các hãng hàng không Việt Nam đã phải gánh khoản lỗ trên 18.000 tỷ đồng từ hoạt động vận tải hàng không và doanh thu giảm khoảng 100.000 tỷ đồng so với năm 2019. Mức lỗ của các hãng hàng không năm 2021 ước tính sẽ lên tới 95 tỷ USD, gần gấp đôi so dự báo hồi tháng 12/2020.
Hiệp hội Vận tải hàng không quốc tế (IATA) cũng dự báo, tổng thị trường hàng không thế giới đến năm 2024 mới có thể phục hồi quy mô tương đương năm 2019, đồng thời cho biết, trong ngắn hạn, triển vọng của ngành hàng không chưa mấy tươi sáng. Khả năng phục hồi phụ thuộc vào mức độ thành công trong việc triển khai tiêm vaccine ngừa Covid-19 của các nước.
Trước những khó khăn trên, Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) đã kiến nghị Chính phủ hỗ trợ các doanh nghiệp trong ngành như: Áp dụng chính sách ưu đãi vốn vay, giảm thuế phí, giãn thời hạn nộp thuế… Cụ thể, theo ông Trần Bảo Ngọc, Vụ trưởng Vụ Vận tải (Bộ GTVT), Bộ GTVT đã đề xuất một số chính sách hỗ trợ cho doanh nghiệp và đề nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư báo cáo Thủ tướng. Theo đó, đề xuất cho phép kéo dài chính sách giảm 50% giá dịch vụ hạ, cất cánh tàu bay đối với các chuyến bay nội địa. Hỗ trợ tín dụng, lãi suất ngân hàng, thời hạn thanh toán cho các doanh nghiệp.
Bộ GTVT cũng nhất trí với kiến nghị không thu phí đậu, đỗ, đón khách tại sân bay, nhà ga, bến cảng và giảm 50% giá dịch vụ qua bến.
Để tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp, ngay khi chịu tác động nặng nề của đại dịch, Chính phủ đã có chính sách giảm 50% giá cất - hạ cánh và giá dịch vụ điều hành bay đi/đến đối với các chuyến bay nội địa; giảm thuế bảo vệ môi trường đối với nhiên liệu bay và tiếp tục gia hạn đến năm 2021; áp dụng các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp cơ cấu lại thời hạn trả nợ vay, miễn giảm lãi phí vay, tháo gỡ các khó khăn về vốn...
Tuy nhiên, theo các chuyên gia, mặc dù các chính sách, giải pháp ngắn và trung hạn đã được Chính phủ đưa ra, giúp các hãng hàng không giảm chi phí sản xuất, kinh doanh thông qua các chương trình giảm thuế, phí hoặc hỗ trợ tài chính. Tuy nhiên, cần có những chính sách dài hạn để giúp các hãng tồn tại, phát triển ổn định, bền vững.
Chuyên gia kinh tế, PGS. TS. Ngô Trí Long nhấn mạnh, cần nhìn rõ cứu trợ không phải để cứu sống mà là đầu tư cho tương lai. Nếu được hỗ trợ từ Chính phủ, các hãng hàng không lớn của Việt Nam sẽ phục hồi mạnh mẽ và khẳng định vị thế trên thị trường quốc tế sau đại dịch.