Thị trường thực phẩm chay dịp lễ Phật Đản đa dạng, hút khách Cần Thơ: Tổ chức Đại lễ Phật Đản tại Thiền viện Trúc Lâm Phương Nam Chi tiết các hoạt động Đại lễ Vesak 2025 tại Việt Nam |
Thực phẩm, gia vị chay đắt khách
Theo khảo sát của phóng viên Báo Công Thương, sáng ngày 12/5 (tức rằm tháng Tư âm lịch - Lễ Phật Đản), tại các chợ dân sinh trên địa bàn thành phố Hà Nội, thực phẩm chay trở thành mặt hàng hút khách nhất. Tại các chợ lớn như Kim Liên, Nghĩa Tân, Đồng Xuân,... các mặt hàng chay được bày bán phong phú, từ thực phẩm tươi sống đến chế biến sẵn.
Những nguyên liệu thiết yếu cho mâm cơm chay truyền thống là những mặt hàng đắt khách nhất. Nấm các loại như nấm rơm, nấm bào ngư, nấm đông cô tươi và nấm kim châm luôn là lựa chọn hàng đầu cho các món xào, lẩu chay hoặc canh thanh đạm.
![]() |
Thị trường thực phẩm chay giá ổn định do ngày càng nhiều người tiêu dùng sử dụng |
Đáng chú ý, giá nấm rơm năm nay tăng mạnh lên đến 150.000 đồng/kg, do thời tiết nắng nóng kéo dài khiến sản lượng sụt giảm, nguồn cung hạn chế. Bên cạnh đó, các sản phẩm chế biến đơn giản như đậu phụ, chao, tàu hũ non hay đậu hũ chiên sả ớt cũng bán rất chạy, với giá dao động từ 8.000 - 15.000 đồng mỗi miếng, hoặc từ 40.000 - 60.000 đồng/kg phù hợp với mọi phân khúc người tiêu dùng.
Bà Nguyễn Thị Thanh Thúy, tiểu thương chợ Nghĩa Tân (quận Cầu Giấy, Hà Nội) chia sẻ: "Các loại nấm mình bán nhiều hơn so với ngày thường. Mình lấy một số loại nấm từ công ty nên giá ổn định. Còn như nấm rơm, nấm bào ngư mua ngoài thị trường nên giá lên xuống thất thường, chênh lệch khoảng 10.000 đồng".
![]() |
Tại các chợ dân sinh, xôi, chè, bánh bao chay cũng rất đắt khách |
Chị Nguyễn Thị Thu Hương, tiểu thương tại chợ Lĩnh Nam (quận Hoàng Mai, Hà Nội) chia sẻ: "Tôi bán thực phẩm chay đã gần 10 năm, nhưng chưa năm nào thấy sức mua tăng đều như năm nay. Có lẽ do ngày càng nhiều người quan tâm đến sức khỏe, ăn chay để thanh lọc cơ thể, không còn mang tính tín ngưỡng đơn thuần. Chỉ riêng tuần qua, tôi đã bán hết hơn 60kg giò chay các loại".
Ngoài ra, các sản phẩm như đậu hũ chiên sả, chả chay làm từ đậu nành cũng được người tiêu dùng ưa chuộng vì tính tiện lợi và dễ chế biến.
Chợ mạng “vào mùa”, mâm cỗ chay chế biến sẵn lên ngôi
Không chỉ sôi động tại các chợ truyền thống, mùa Phật Đản năm nay còn chứng kiến sự bùng nổ của thị trường thực phẩm chay trên các nền tảng trực tuyến. Từ các nhóm chợ Facebook, sàn thương mại điện tử đến các ứng dụng giao đồ ăn, hàng trăm gian hàng “thời vụ” đồng loạt treo bảng “nhận đặt mâm cỗ chay” hoặc “combo đồ chay cúng Phật Đản”.
Ghi nhận trên các nhóm chợ online, hàng loạt món chay chế biến sẵn xuất hiện với hình thức đóng gói bắt mắt, rõ nguồn gốc và cam kết an toàn vệ sinh thực phẩm. Các mặt hàng phổ biến bao gồm: Cơm chiên ngũ sắc, bì cuốn chay, bánh ít trần, nem chay, gỏi nấm, cà ri chay, bánh xèo chay, lẩu nấm rong biển, thịt heo quay chay… được niêm yết sẵn giá và giao tận nơi trong vòng 2 giờ đồng hồ.
![]() |
Thực phẩm chay chế biến sẵn với màu sắc bắt mắt |
Đặc biệt, các loại mâm cỗ chay được thiết kế sẵn theo combo 5-7 món hoặc 9-11 món, giá dao động từ 350.000 - 850.000 đồng/mâm tùy thành phần và hình thức trình bày. Nhiều đơn vị còn đưa ra gói “cúng gọn” dành cho hộ gia đình nhỏ, chỉ từ 200.000 - 250.000 đồng với 3-4 món cơ bản. Những người nội trợ bận rộn hoặc không tự tin nấu nướng là nhóm khách hàng chính của phân khúc này.
Chị Trần Thị Thanh Huyền, chủ một gian hàng chuyên bán thực phẩm chay trên Facebook với hơn 15.000 lượt theo dõi, cho biết: “Từ sau ngày mùng 1/4 âm lịch, đơn hàng tăng gấp 4-5 lần so với ngày thường. Trung bình mỗi ngày tôi bán được hơn 30 mâm cỗ chay, chưa kể các phần lẻ như nem cuốn, chả lụa, lẩu chay… Khách chủ yếu là người đi làm, không có thời gian, đặt về cúng tại nhà hoặc mang đến chùa”.
Theo chị Huyền, mặt hàng bán chạy nhất năm nay là mâm cỗ chay phong cách miền Nam, gồm các món như gỏi nấm bào ngư, cà ri khoai môn, thịt quay chay, chả giò, đậu hũ non sốt nấm và chè đậu xanh. Để đảm bảo chất lượng, chị bắt đầu sơ chế từ 4 giờ sáng và cam kết giao hàng nội thành trong vòng 3 giờ sau khi nấu xong.
Bên cạnh các hộ kinh doanh chuyên nghiệp, thị trường online còn chứng kiến sự góp mặt của nhiều cá nhân kinh doanh thời vụ. Họ tận dụng mùa lễ để nhận làm đồ chay tại nhà và rao bán trên mạng xã hội hoặc các hội nhóm “Bếp nhà làm”, “Chợ đồ chay”, “Thực phẩm sạch mùa lễ Vu Lan - Phật Đản”…
![]() |
Các mâm cỗ chay được rao bán trên các nhóm chợ online. Ảnh chụp màn hình |
Lễ Phật Đản năm nay, anh Nguyễn Văn Khang (quận Cầu Giấy, Hà Nội) quyết định nhập thêm thực phẩm, chế biến các món chay để bán tại nhóm chợ cư dân khu mình ở, anh Khang chia sẻ: “Tôi không phải dân kinh doanh chuyên nghiệp, nhưng dịp Phật Đản năm nay tôi làm một số món chay đơn giản như canh rong biển, tàu hũ ky kho, nấm xào chay để bán và không ngờ lợi nhuận thu về lại khá tốt. Tính trung bình, mỗi ngày lời khoảng 1-1,5 triệu đồng sau khi trừ chi phí nguyên liệu và giao hàng”.
Theo anh Khang, một lợi thế lớn của bán hàng online là không tốn chi phí mặt bằng. Hơn nữa, tâm lý khách hàng sẵn sàng trả giá cao hơn để tiết kiệm thời gian và đảm bảo đồ ăn được nấu tươi, không đóng gói công nghiệp.
Chị Trần Ngọc Bích (quận Hai Bà Trưng, Hà Nội), nhân viên văn phòng, chia sẻ: “Năm nay tôi không có thời gian nấu nướng nên đặt một mâm cỗ chay 5 món qua Facebook. Giá khoảng 550.000 đồng, bao gồm canh rong biển, nấm xào chay, chả lụa chay, cơm sen và chè đậu xanh. Nhận hàng xong, tôi thấy chất lượng ổn, món ăn vừa miệng, trình bày đẹp và có kèm theo hướng dẫn cúng lễ. Tôi rất hài lòng vì tiết kiệm được thời gian mà vẫn có mâm lễ chỉn chu, thành kính”.
Sự lên ngôi của thực phẩm chay trong mùa Phật Đản 2025 không chỉ phản ánh nhu cầu tâm linh truyền thống, mà còn cho thấy sự chuyển dịch trong thói quen tiêu dùng, nơi sức khỏe, tiện lợi và sự bền vững được đặt lên hàng đầu. Từ các chợ truyền thống đến nền tảng trực tuyến, cỗ chay ngày nay không còn đơn thuần là nghi lễ, mà đã trở thành biểu tượng của lối sống hiện đại, hài hòa giữa văn hóa và xu hướng tiêu dùng xanh.
Tại Việt Nam, những năm gần đây, ngày càng nhiều người chọn thực phẩm chay cho các bữa ăn thường nhật. Không chỉ người lớn tuổi mới lựa chọn ăn chay vì lý do tâm linh hay sức khỏe, nhiều người trẻ cũng hào hứng trải nghiệm ẩm thực chay như một phong cách sống hiện đại, vừa thanh lọc cơ thể, vừa góp phần bảo vệ môi trường. |