Ngành hải quan từ hoạt động quản lý và thực hiện các thủ tục hải quan thủ công truyền thống, chứng từ giấy mất nhiều thời gian, tốn kém chi phí cho cả người dân, doanh nghiệp cũng như cơ quan hải quan, trong những năm vừa qua, nhờ đẩy mạnh nghiên cứu và ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT), từng bước chuyển đổi rất thành công sang thực hiện mô hình hải quan điện tử. Đến nay, thủ tục khai báo, làm thủ tục hải quan đã được điện tử hóa có thể thực hiện ở mọi lúc, mọi nơi, việc xử lý thông quan hàng hóa cũng đã được tự động hóa trong cả 3 khâu trước, trong và sau thông quan đưa hàng hóa ra khỏi khu vực kiểm soát.
Trong giai đoạn 1995-2020, Tổng cục Hải quan đã đẩy mạnh việc nghiên cứu, triển khai nhiều ứng dụng CNTT hiện đại vào phục vụ hoạt động nghiệp vụ hải quan. Trong đó, đã có nhiều nghiệp vụ cốt lõi của cơ quan hải quan, chẳng hạn như công tác thu, nộp ngân sách nhà nước đã được điện tử hóa theo phương châm mọi lúc, mọi nơi, mọi phương tiện, qua đó rút ngắn được thời gian thông quan hàng hóa, tiết kiệm thời gian và chi phí cho doanh nghiệp, nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước, thúc đẩy tăng trưởng xuất nhập khẩu, đóng góp vào số thu ngân sách nhà nước từ hoạt động xuất nhập khẩu ngày càng tăng; công tác quản lý, giám sát hàng hóa xuất nhập khẩu tại cảng biển, cảng hàng không cũng đã được đổi mới nhờ ứng dụng CNTT, kết nối hệ thống giữa cơ quan hải quan với cơ quan quản lý cảng và doanh nghiệp; thủ tục hành chính hải quan đã được cắt giảm, đơn giản hóa, hiện đại hóa, với khoảng 90% thủ tục hải quan hiện nay đã được cung cấp theo hình thức dịch vụ công trực tuyến ở mức độ 4. Ngành hải quan cũng được đánh giá là một trong những đơn vị đi đầu trong việc kết nối cung cấp dịch vụ công trực tuyến lên Cổng Dịch vụ công quốc gia hiện nay.
Hệ thống hải quan điện tử tự động hoá đã được ngành hải quan ứng dụng thành công. Ảnh minh họa |
Ứng dụng CNTT trong công tác thống kê hải quan về hàng hóa xuất nhập khẩu cũng đã được ngành hải quan đẩy mạnh, thời gian xử lý dữ liệu, chất lượng số liệu ngày càng được nâng cao, các sản phẩm thống kê ngày càng phong phú và được phổ biến kịp thời, rộng rãi. Thông tin thống kê hải quan về xuất nhập khẩu hàng hóa đã không chỉ phục vụ hoạt động nghiệp vụ của cơ quan hải quan, mà còn là thông tin đầu vào quan trọng phục vụ công tác quản lý kinh tế vĩ mô, xây dựng chính sách, giám sát thị trường, đánh giá thực hiện các hiệp định thương mại tự do và giải quyết các tranh chấp trong thương mại quốc tế, hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp trong việc hoạch định kế hoạch sản xuất, xuất khẩu.
Để đáp ứng đòi hỏi của quá trình hội nhập quốc tế, ngành hải quan cũng đã đóng vai trò quan trọng trong quá trình triển khai Cơ chế một cửa quốc gia, Cơ chế một cửa ASEAN, tạo thuận lợi thương mại, thông qua việc đẩy mạnh ứng dụng CNTT hiện đại, trên cơ sở phối hợp chặt chẽ với các Bộ, ngành có liên quan. Tính đến ngày 31/7/2020, Cơ chế một cửa quốc gia đã có 200 thủ tục hành chính của 13 Bộ, ngành kết nối, với trên 3,2 triệu hồ sơ của trên 40.000 doanh nghiệp được xử lý theo phươg thức điện tử kết nối đồng bộ giữa các Bộ, ngành chức năng. Đối với Cơ chế một cửa ASEAN, tính đến ngày 31/7/2020, Việt Nam đã nhận từ các nước ASEAN tổng số khoảng 168.000 C/O, đồng thời gửi sang các nước ASEAN khoảng trên 251.000 C/O.
Trong xu thế CMCN 4.0 đang tiếp tục bùng nổ, lãnh đạo Tổng cục Hải quan cho biết, ngành hải quan sẽ tiếp tục nghiên cứu, xây dựng và tái thiết kế tổng thể các hệ thống CNTT trong ngành nhằm phục vụ tốt hơn yêu cầu của người dân và doanh nghiệp, đảm bảo công tác quản lý nhà nước hiệu quả hơn. Trong đó, sẽ hướng tới ứng dụng công nghệ Internet kết nối vạn vật (IoT) vào quản lý, giám sát hải quan như triển khai hệ thống định vị điện tử phục vụ công tác giám sát đối với hàng hóa xuất nhập khẩu, phương tiện vận tải quá cảnh…; ứng dụng công nghệ dữ liệu lớn (bigdata) trong quản lý rủi ro, thanh tra, kiểm tra và công tác điều tra phòng chống buôn lậu; ứng dụng công nghệ di động (mobility) và trí tuệ nhân tạo (AI) để nâng cao chất lượng dịch vụ công nhằm phục vụ tốt hơn cho người dân và doanh nghiệp. Công nghệ chuỗi khối (blockchain) cũng sẽ được Tổng cục Hải quan nghiên cứu, ứng dụng vào hiện đại hóa hạ tầng kỹ thuật CNTT nhằm đảm bảo an ninh, an toàn thông tin; tăng cường tích hợp, kết nối các hệ thống CNTT để phục vụ công tác quản lý trong toàn ngành.