Thứ năm 28/11/2024 01:43

Ngành điện TP. Hồ Chí Minh: Nâng cao năng suất lao động nhờ phát triển lưới điện thông minh, chuyển đổi số

Nhờ phát triển lưới điện thông minh và chuyển đổi số toàn diện, ngành điện TP. Hồ Chí Minh đạt được nhiều kết quả nổi bật trong tất cả các mặt hoạt động.

Chiều ngày 14/11/2024, tại Diễn đàn Quốc gia phát triển kinh tế số và xã hội số lần thứ II, ông Luân Quốc Hưng - Phó Tổng giám đốc Tổng công ty Điện lực TP. Hồ Chí Minh (EVNHCMC) đã trình bày tham luận “Phát triển lưới điện thông minh và thực hiện chuyển đổi số để nâng cao chất lượng dịch vụ phân phối điện và năng suất lao động tại EVNHCMC”.

Ông Luân Quốc Hưng - Phó Tổng giám đốc Tổng công ty Điện lực TP. Hồ Chí Minh.

Báo cáo tham luận đã điểm qua quá trình triển khai ứng dụng khoa học công nghệ, phát triển lưới điện thông minh và chuyển đổi số toàn diện tại Tổng công ty Điện lực TP. Hồ Chí Minh. Chỉ trong thời gian 5 năm, Tổng công ty đã đạt được nhiều kết quả nổi bật trong tất cả các mặt hoạt động.

Đáng chú ý, trong lĩnh vực quản lý vận hành, Tổng công ty Điện lực TP. Hồ Chí Minh đã tự động hóa 100% lưới điện thành phố với 2 Trung tâm điều khiển hệ thống điện, 100% trạm 110 kV vận hành ở chế độ không người trực, 100% lưới trung thế được điều khiển từ xa và vận hành tự động hoàn toàn, các phần mềm quản lý vận hành lưới điện SCADA/DMS, quản lý mất điện trực tuyến OMS, bản đồ mất điện trên nền thông tin địa lý. Đồng thời đã triển khai ứng dụng có hiệu quả các công nghệ cao như sửa chữa điện nóng, rửa sứ online, sửa chữa bảo dưỡng tiên tiến, giúp giảm tối đa thời gian và số lần mất điện do công tác và do sự cố.

Trong lĩnh vực Quản lý tài sản, Tổng công ty Điện lực TP. Hồ Chí Minh đã sử dụng hàng loạt phần mềm như PMIS, GIS, CBM để quản lý các thông tin thiết bị như thông số kỹ thuật, lịch sử bảo dưỡng, thử nghiệm; quản lý lưới điện với 100% dữ liệu lưới cao/trung/hạ thế và điện kế; chẩn đoán, bảo trì các thiết bị quan trọng cao/trung thế theo điều kiện vận hành. Nhờ đó đã tăng cường hiệu suất và độ tin cậy của thiết bị, tăng tuổi thọ của tài sản, tiết kiệm nhân lực và chi phí quản lý vận hành, đảm bảo an toàn cho hệ thống và quản lý rủi ro tốt hơn.

Đại biểu tham dự Diễn đàn Quốc gia phát triển kinh tế số và xã hội số lần thứ II tại tỉnh Bình Dương.

Trong lĩnh vực quản lý công việc, Tổng công ty cũng đưa vào sử dụng các ứng dụng số như văn phòng điện tử (Digital Office), quản lý nhân sự HRMS, đào tạo bồi huấn điện tử E-leaning, báo cáo thông minh BI, giám sát an toàn trực tuyến (Livestream). EVNHCMC cũng đang triển khai Ứng dụng (App) Quản lý công trường, camera AI để giám sát, quản lý 24/7 lực lượng thi công ngoài công trường (công nhân, phương tiện thi công, máy phát, trạm lưu động,…), sử dụng thiết bị bay để kiểm tra lưới điện. Từ đó rút ngắn quá trình xử lý văn bản; phát huy tối ưu các nguồn lực về con người, phương tiện, thiết bị; nâng cao an toàn cho người lao động.

Trong lĩnh vực quản lý năng lượng, Tổng công ty Điện lực TP. Hồ Chí Minh đã sử dụng các phần mềm để quản lý hơn 14.000 hệ thống điện mặt trời mái nhà với tổng công suất 365 MWp. Đồng thời đã triển khai hoàn tất dự án thí điểm hệ thống lưới điện thông minh siêu nhỏ Microgrid (có tích hợp điện lưới, năng lượng tái tạo, máy phát và hệ thống pin tích trữ năng lượng) đầu tiên tại Việt Nam; triển khai chương trình tiết kiệm điện; đảm bảo hạ tầng cho xe điện tại TP.HCM (240 trạm sạc với tổng số 790 cổng sạc xe ô tô điện của Vinfast), từ đó thúc đẩy sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả (sản lượng điện tiết kiệm đạt 2,22%; cắt giảm đỉnh phụ tải giờ cao điểm trưa khoảng 200 MW), góp phần chủ động và tích cực thực hiện mục tiêu Netzero vào 2050.

Trong lĩnh vực dịch vụ khách hàng, Tổng công ty Điện lực TP. Hồ Chí Minh đã sớm hoàn thành lắp đặt công tơ thông minh cho 100% khách hàng sử dụng điện; 100% các dịch vụ khách hàng được cung cấp trực tuyến; xấp xỉ 100% thanh toán tiền điện bằng hình thức điện tử.

Đồng thời, đưa vào vận hành: tổng đài đa kênh và web 360 để nâng cao trải nghiệm khách hàng (khách hàng có thể tự lựa chọn loại hình dịch vụ và người phục vụ thông qua chỉ số đánh giá năng lực của từng nhân viên); ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong khảo sát chất lượng cuộc gọi; robot tự động nghe gọi (callbot) và chat với khách hàng (chatbot). Bên cạnh đó, 100% các công việc hiện trường được thực hiện trên thiết bị di động, cập nhật trực tuyến về hệ thống quản trị điều hành tập trung.

Đánh giá về kết quả của quá trình ứng dụng khoa học công nghệ để hiện đại hóa lưới điện, phát triển lưới điện thông minh và chuyển đổi số của Tổng công ty Điện lực TP. Hồ Chí Minh, ông Luân Quốc Hưng cho biết: Các chỉ số về chất lượng điện năng, dịch vụ khách hàng và quản trị doanh nghiệp cho thấy việc phát triển lưới điện thông minh và chuyển đổi số toàn điện đã đem lại lợi ích không chỉ cho doanh nghiệp mà cho cả khách hàng sử dụng điện. Điển hình như độ tin cậy cung cấp điện trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh liên tục được nâng cao, thể hiện qua chỉ số về số lần mất điện trung bình mỗi khách hàng (SAIFI) và thời gian mất điện trung bình mỗi khách hàng (SAIDI) trong năm đều giảm. SAIDI giảm từ 124,0 phút năm 2018 xuống 15,2 phút năm 2023, tương ứng giảm trung bình 34,0%/năm. SAIFI giảm từ 1,57 lần năm 2018 xuống 0,18 lần năm 2023, tương ứng giảm trung bình 35,1%/năm. Năng suất lao động tính theo sản lượng điện thương phẩm tăng từ 4,14 triệu kWh/lao động năm 2018 lên đến 5,22 triệu kWh/lao động năm 2023, tương ứng tăng trung bình 4,75%/năm.

Có thể nói, nhờ nắm bắt đúng xu thế, chủ động đổi mới sáng tạo, phát huy năng lực của người lao động, xây dựng và quyết liệt triển khai chiến lược phát triển lưới điện thông minh và chuyển đổi số toàn diện, ngành điện TP, Hồ Chí Minh đã không ngừng nâng cao chất lượng cung cấp điện và dịch vụ khách hàng, nâng cao năng lực quản trị doanh nghiệp và năng suất lao động.

Kết quả phát triển lưới điện thông minh và chuyển đổi số của Tổng công ty Điện lực TP. Hồ Chí Minh được công nhận không chỉ trong nước và quốc tế, và góp phần quan trọng trong việc đảm bảo cung cấp điện đầy đủ, ổn định, chất lượng cao cho nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội và thu hút đầu tư của TP. Hồ Chí Minh.

Một số dấu ấn nổi bật của EVNHCMC về phát triển lưới điện thông minh và chuyển đổi số:

- Năm 2019, đạt giải thưởng Công nghệ thông tin - Truyền thông TP.HCM lần thứ 11 (Đơn vị có ứng dụng CNTT-TT tiêu biểu).

- Năm 2020, nhận giải “Doanh nghiệp chuyển đổi số xuất sắc” do Hội truyền thông số Việt Nam trao tặng.

- Năm 2021, nhận giải thưởng “Thương hiệu vàng” của TP. Hồ Chí Minh.

- Năm 2022, EVNHCMC trở thành doanh nghiệp Nhà nước đầu tiên được Bộ Thông tin và Truyền thông chứng nhận đạt mức độ chuyển đổi số cấp độ 3/5 (mức hình thành doanh nghiệp số). Đồng thời, được nhận giải thưởng Doanh nghiệp sáng tạo ASEAN năm 2022 do Diễn đàn kinh doanh IoT châu Á (AIBP) trao tặng.

- Năm 2023, được chứng nhận doanh nghiệp chuyển đổi số nâng cao (mức 4/5), được nhận Bằng khen của Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông về thành tích tiêu biểu xuất sắc đóng góp vào sự nghiệp phát triển của ngành Thông tin và Truyền thông Việt Nam. Đồng thời, được trao hạng Nhì - Giải thưởng VIFOTEC lần thứ 30 do Hội Liên hiệp Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ tổ chức và giải thưởng “Thương hiệu vàng” của TP, Hồ Chí Minh (lần 2).

- Năm 2024, được trao hạng Nhì - Giải thưởng VIFOTEC lần thứ 30 do Hội Liên hiệp Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ tổ chức. Đồng thời được nhận Giải thưởng hạng mục “Tự động hóa trong Lưới điện thông minh” của Tạp chí Power Magazine, Mỹ.

Minh Khuê
Bài viết cùng chủ đề: Điện lực TP. Hồ Chí Minh

Tin cùng chuyên mục

EVNCPC chủ động ứng phó với mưa lớn khu vực Trung Bộ

Nâng cao kỹ năng nghề truyền tải: Hiệu quả từ đường dây 500kV mạch 3

Lai Châu chấp thuận chủ trương đầu tư Trạm biến áp 220kV gần 430 tỷ đồng

Tổng Giám đốc EVNNPC làm việc với UBND tỉnh và PC Sơn La

Công ty Thủy điện Quảng Trị: Tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ trong chuyển đổi số

Quốc hội sẽ biểu quyết thông qua Luật Điện lực (sửa đổi) vào ngày 30/11

Bộ Công Thương phê duyệt Kế hoạch cung cấp điện quốc gia năm 2025

Bài 5: Kinh nghiệm quốc tế và kỳ vọng

Bài 4: Từ kết quả giám sát đến yêu cầu sửa đổi toàn diện Luật Điện lực

Bài 3: Các chuyên gia, nhà quản lý, đại biểu Quốc hội nói gì?

Đưa điện về khu tái định cư Kho Vàng, Nậm Tông vượt tiến độ 45 ngày

Bài 2: Sửa đổi Luật để tạo đột phá về thể chế

Ứng dụng UAV và công nghệ AI: Bước đột phá trong quản lý vận hành lưới điện truyền tải

PC Lào Cai: 'Thần tốc' đưa điện lưới quốc gia về khu tái định cư Làng Nủ

PC Đắk Nông: Cải thiện và nâng cao độ tin cậy cung cấp điện phục vụ phát triển kinh tế

Hiệu quả quản lý lưới truyền tải từ ứng dụng UAV và công nghệ Lidar

Nghệ An phê duyệt chủ trương đầu tư 2 dự án lưới điện truyền tải 220kV

Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên đề xuất 3 kịch bản cung ứng điện cho năm 2025

Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên: Nhiệm vụ hàng đầu là bảo đảm cung ứng điện trong mọi tình huống

EVNCPC triển khai nhiều hoạt động trong ‘Tháng tri ân khách hàng 2024’