Theo báo cáo của Sở Công Thương Thanh Hóa, bước vào thực hiện nhiệm vụ năm 2024, ngành Công Thương Thanh Hóa đã gặp nhiều khó khăn do tình hình kinh tế thế giới suy giảm, tỷ lệ lạm phát tăng cao. Riêng đối với lĩnh vực khuyến công, một số huyện chưa thật sự quan tâm đến hoạt động khuyến công; việc bố trí cán bộ phụ trách chuyên ngành công nghiệp - thương mại chưa được ổn định, nghiệp vụ chuyên môn cho hoạt động còn hạn chế...Tuy nhiên, với quyết tâm thúc đẩy chương trình khuyến công, từ đó tạo ra nhiều việc làm cho lao động, góp phần xóa đói giảm nghèo, nâng cao thu nhập cho người dân, Sở Công Thương Thanh Hóa đã luôn đoàn kết, nỗ lực vượt khó, phấn đấu thành tốt nhiệm vụ được giao.
Sở Công Thương Thanh Hóa hỗ trợ ứng dụng máy móc thiết bị tiên tiến cho Hợp tác xã nông nghiệp Quảng Phú, từ đó tạo ra nhiều việc làm, góp phần xóa đói giảm nghèo. Ảnh: Xuân Phong. |
Theo đó, trong 6 tháng đầu năm 2024, Sở Công Thương Thanh Hóa đã triển khai xong 02/08 đề án hỗ trợ ứng dụng MMTB tiên tiến vào sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp cho 02 cơ sở công nghiệp nông thôn với tổng kinh phí 600 triệu đồng. Tham gia chuỗi sự kiện ngành Công Thương 28 tỉnh, thành phố khu vực phía Bắc tại thành phố Hà Nội và tham gia Hội chợ Công Thương khu vực Tây Bắc tại tỉnh Điện Biên.
Đối với khuyến công quốc gia, Sở Công Thương Thanh Hóa đã phối hợp với Cục Công Thương địa phương (Bộ Công Thương) ký hợp đồng triển khai thực hiện chương trình khuyến công quốc gia năm 2024 (đợt 1) sau khi có quyết định phê duyệt của Bộ Công Thương; Sở cũng đã trình UBND tỉnh quyết định chủ trương đầu tư 07/10 dự án Tiết kiệm năng lượng năm 2023 (theo Quyết định số 3893/QĐ-UBND ngày 14/11/2022); trình phê duyệt dự toán chi tiết và kế hoạch lựa chọn nhà thầu gói thầu kiểm toán cho 03 đơn vị tiêu thụ năng lượng trọng điểm trên địa bàn tỉnh; trình phê duyệt dự toán chi tiết và kế hoạch lựa chọn nhà thầu gói thầu hỗ trợ hệ thống bioga đun nấu cho 03 trang trại trên địa bàn tỉnh.
Báo cáo của Sở Công Thương Thanh Hóa cho thấy, riêng trong 6 tháng cuối năm 2024 đã giải ngân 100% các đề án với tổng kinh phí là 3.277 triệu đồng. Trong đó, tiếp tục hỗ trợ 06/08 đề án ứng dụng MMTB tiên tiến vào sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp cho 06 cơ sở công nghiệp nông thôn; hỗ trợ các doanh nghiệp tham gia Hội chợ tại 07 tỉnh; phối hợp với UBND các huyện tổ chức 03 Phiên chợ kết nối cung - cầu về nông thôn năm 2024; xây dựng kế hoạch khuyến công địa phương năm 2025 trình UBND tỉnh phê duyệt.
Đối với khuyến công quốc gia, trong 6 tháng cuối năm 2024, Sở Công Thương Thanh Hóa đã ký hợp đồng với Cục Công Thương địa phương giải ngân 100% các đề án với tổng kinh là 2.950 triệu đồng; Xây dựng kế hoạch khuyến công quốc gia năm 2025 trình Bộ Công Thương phê duyệt.
Sở Công Thương Thanh Hóa hỗ trợ ứng dụng máy móc thiết bị tiên tiến, giúp các doanh nghiệp đẩy mạnh sản xuất, tạo nhiều việc làm, nâng cao thu nhập cho người lao động. Ảnh: Xuân Phong. |
Trao đổi với phóng viên Báo Công Thương, ông Lê Huy Tuấn, Trưởng phòng Kế hoạch tổng hợp Sở Công Thương Thanh Hóa cho biết: Chương trình khuyến công đã góp phần tác động tích cực đến phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh; tạo và giải quyết việc làm ổn định cho lực lượng lao động dư thừa trên địa bàn sinh sống của người dân, tạo nhiều việc làm mới trên địa bàn nông thôn; góp phần xóa đói giảm nghèo, giảm các tệ nạn xã hội, thúc đẩy quá trình đô thị hóa nông thôn; góp phần tích cực thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao của tỉnh.
Thông qua hoạt động khuyến công, đã tác động tích cực đến cơ sở công nghiệp nông thôn chủ động ứng dụng khoa học công nghệ, đầu tư dây chuyền máy móc thiết bị tiên tiến vào sản xuất để tăng năng suất chất lượng sản phẩm, hạ giá thành, giảm nhân công lao động, tiết kiệm nguyên liệu, giảm thiểu ô nhiễm môi trường; chú trọng, quan tâm hơn đến các hoạt động xúc tiến thương mại, liên kết tìm kiếm thị thường tiêu thụ. Từ đó xây dựng được nhiều mô hình sản xuất kinh doanh điển hình trong tỉnh để giới thiệu và nhân rộng.