Trong giai đoạn 2011-2016, ngành Công Thương đã tổ chức kiểm tra, xử lý 55.580 vụ vi phạm hành chính trong lĩnh vực ATTP. |
Hoàn thiện khung khổ pháp lý, thực thi nghiêm túc trách nhiệm được giao
Tại phiên họp, báo cáo trước Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh cho biết, ngành Công Thương đã tổ chức kiểm tra, xử lý 55.580 vụ vi phạm hành chính trong lĩnh vực ATTP; tổng số tiền thu được từ việc xử phạt vi phạm hành chính là 143,445 tỷ đồng; trị giá hàng hóa là 90,084 tỷ đồng.
Bên cạnh đó, Bộ Công Thương đã xây dựng và kịp thời ban hành các văn bản triển khai thực hiện Luật An toàn thực phẩm nên đã không để xảy ra “khoảng trống” trong công tác quản lý nhà nước.
Bên cạnh đó, Bộ cũng thực hiện việc phân cấp quản lý ATTP tới Sở Công Thương các tỉnh, thành phố nên đã kịp thời tháo gỡ được nhiều khó khăn cho doanh nghiệp trong việc thực hiện các quy định của Luật ATTP.
Đặc biệt, bộ máy quản lý ATTP của Bộ Công Thương về cơ bản đã hoạt động đạt hiệu quả tốt, kịp thời giải quyết và tháo gỡ các khó khăn cho doanh nghiệp, không có cán bộ vi phạm các quy định pháp luật trong lĩnh vực ATTP.
Với thực phẩm nhập khẩu, Báo cáo của Bộ Công Thương cho biết, đến nay, Bộ đã chỉ định 9 đơn vị kiểm tra thực phẩm nhập khẩu thuộc phạm vi quản lý của Bộ Công Thương. Tính đến hết Quý III/2016, tổng số lô hàng nhập khẩu đã được kiểm tra là 45.089.
Về công tác quản lý ATTP trong sản xuất, kinh doanh thực phẩm, tại cơ quan Trung ương, Bộ Công Thương đã cấp Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện ATTP cho 334 lượt cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm.
Công tác quản lý ATTP tại các chợ, siêu thị cũng được ngành Công Thương thực hiện đạt hiệu quả cao. Theo đó, tại cơ quan Trung ương, Bộ Công Thương đã hỗ trợ xây dựng mô hình chợ thí điểm bảo đảm ATTP cho 32 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, chiếm hơn 50% số tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trong cả nước. Đến hết năm 2015, toàn quốc đã có 22 tỉnh triển khai mô hình trên thực tiễn. Còn tại các địa phương, hiện có 8.660 chợ (trong đó: 284 chợ hạng I, 924 chợ hạng II và 7.452 chợ hạng III). Đối với 967 siêu thị và Trung tâm thương mại trên toàn quốc thì trong đó có trên 60% siêu thị có kinh doanh thực phẩm và 100% số siêu thị này đã được cấp Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện kinh doanh thực phẩm theo quy định...
Làm rõ thêm những kiến nghị của Đoàn giám sát Quốc hội
Bên cạnh việc đánh giá cao những nỗ lực của các Bộ, ngành, trong đó có Bộ Công Thương trong công tác thực thi chính sách, pháp luật về quản lý ATTP giai đoạn 2011 - 2016, Đoàn giám sát của Quốc hội cũng nêu ra một số vấn đề và đề nghị Bộ Công Thương giải trình, làm rõ.
Đối với yêu cầu làm rõ nguồn kinh phí ngân sách nhà nước dành cho Bộ Công Thương để triển khai nhiệm vụ quản lý ATTP giai đoạn 2011-2016, Bộ Công Thương cho biết, tổng kinh phí từ Ngân sách Nhà nước cấp cho hoạt động bảo đảm ATTP của ngành Công Thương giai đoạn 2011-2016 là 108,420 tỷ đồng, trong đó, cấp cho các đơn vị thuộc Bộ Công Thương là 91,610 tỷ đồng; cấp cho một số Sở Công Thương là 16,810 tỷ.
Giải trình về nguyên nhân của việc cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện ATTP trong sản xuất, kinh doanh thực phẩm của các địa phương đạt tỷ lệ chưa cao (khoảng trên 60% đối với đối tượng thuộc diện phải cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện ATTP và trên 20% đối với đối tượng sản xuất, kinh doanh nhỏ lẻ), Bộ Công Thương nêu rõ, cả 2 đối tượng trên thuộc thẩm quyền quản lý nhà nước về ATTP của UBND các cấp (theo quy định tại Điều 65 của Luật ATTP). Theo đó, đối với đối tượng thuộc diện phải cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện ATTP trong sản xuất, kinh doanh thực phẩm (tỷ lệ đã cấp đạt trên 60%), nguyên nhân chính là do nhiều cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm chưa đáp ứng các yêu cầu về điều kiện cơ sở vật chất, thiết bị và người lao động trực tiếp… theo quy định nên chưa chủ động đăng ký với cấp có thẩm quyền tại địa phương để thẩm định thực tế và cấp Giấy chứng nhận.
Bên cạnh đó, một số cơ sở chưa được cơ quan có thẩm quyền cấp do kết quả thẩm định thực tế được đánh giá “không đạt” theo quy định. Nhiều địa phương có địa bàn rộng, việc phân cấp quản lý ATTP của UBND các cấp còn chậm trong khi số lượng cán bộ quản lý ATTP lại thiếu (chỉ có ở tuyến tỉnh, không có ở tuyến huyện) nên đã hạn chế tỷ lệ cấp Giấy chứng nhận cho các đối tượng thuộc diện phải cấp theo quy định.
Riêng đối với việc thực hiện ký Giấy cam kết thực hiện các quy định về ATTP (áp dụng cho đối tượng sản xuất, kinh doanh nhỏ lẻ) tại các tỉnh và thành phố chỉ đạt khoảng 20% là do các cơ sở này là các đối tượng nhỏ, lẻ, hộ gia đình, thuộc đối tượng chỉ thực hiện ký cam kết bảo đảm ATTP với chính quyền địa phương theo phân cấp quản lý của UBND tỉnh.
Tuy nhiên, việc phân cấp quản lý ATTP đối với đối tượng này tại nhiều địa phương còn rất chậm, một số địa phương còn thiếu kinh nghiệm quản lý đối tượng này trong khi số lượng các đối tượng sản xuất, kinh doanh nhỏ lẻ tại các địa phương là rất lớn nên việc thực thi và xử lý vi phạm các quy định về ATTP còn gặp nhiều khó khăn. Kể từ ngày 01/01/2017, các cơ sở sản xuất kinh doanh thuộc đối tượng này sẽ thực hiện theo quy định của Nghị định số 77/2016/NĐ-CP của Chính phủ.
Về một số khó khăn trong khi thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật về ATTP, cụ thể như quy định “Sản xuất ban đầu” và “Sản xuất ban đầu nhỏ lẻ” tại Điều 2 khoản 15 của Luật ATTP, việc giải thích từ ngữ “Sản xuất ban đầu” có thể áp dụng cho lĩnh vực nông nghiệp vì được hiểu chỉ là khâu sơ chế để miễn cho các cơ sở này không bắt buộc phải cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện ATTP nhưng không phù hợp khi áp dụng chung cho lĩnh vực sản xuất, chế biến thực phẩm (chế biến bột, tinh bột, bánh kẹo, cơ sở kinh doanh hộ gia đình…) thuộc quản lý của ngành Công thương do vậy rất khó thực hiện khi áp dụng cho đối tượng “Sản xuất ban đầu nhỏ lẻ” (theo quy định tại Điều 12 khoản 1 điểm a của Nghị định số 38/2012/NĐ-CP).
Bên cạnh đó, quy định quản lý ATTP tại chợ, siêu thị (Tại Điều 64 khoản 4 Luật An toàn thực phẩm) quy định Bộ Công Thương chịu trách nhiệm “…quy định điều kiện kinh doanh thực phẩm tại chợ, siêu thị” nhưng Điều 22 khoản 5 Nghị định số 38/2012/NĐ-CP giao Bộ Công Thương “Quản lý ATTP đối với các chợ, siêu thị,….” trùng với Điều 65 khoản 2 cũng quy định UBND tỉnh chịu trách nhiệm “…quản lý ATTP tại các chợ trên địa bàn…” nên gây khó khăn trong công tác quản lý của trung ương và địa phương.
Ngoài ra, chưa có quy định về quản lý ATTP đối với một doanh nghiệp có cả 2 loại hình sản xuất và kinh doanh thực phẩm tại chợ và siêu thị....