Sáng 28/12, tại Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia - Khu công nghệ cao Hòa Lạc – thành phố Hà Nội, Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức Hội nghị trực tiếp và trực tuyến tổng kết công tác năm 2024 và triển khai nhiệm vụ năm 2025 của ngành Kế hoạch và Đầu tư.
Tại điểm cầu Hà Nội, sự kiện có sự tham dự của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên; Bộ trưởng Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh; Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Lê Quang Tùng, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội Lê Quang Mạnh; lãnh đạo các bộ, ban, ngành cơ quan Trung ương và địa phương.
Thủ tướng Chính phủ tham dự Hội nghị Tổng kết công tác năm 2024 và triển khai nhiệm vụ năm 2025 của ngành Kế hoạch và Đầu tư. Ảnh: CP |
Theo báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, năm 2024 là năm tăng tốc, bứt phá, có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong việc thực hiện thắng lợi Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021 - 2025, thực hiện các Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Kết luận của Trung ương, Bộ Chính trị, Nghị quyết của Quốc hội và Chiến lược phát triển KTXH 2021 - 2030.
Cũng theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Việt Nam bước vào thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội trong bối cảnh tình hình thế giới, khu vực tiếp tục diễn biến nhanh, mạnh, phức tạp, khó lường, thuận lợi, thời cơ và khó khăn, thách thức đan xen nhưng khó khăn, thách thức nhiều hơn; nhiều yếu tố rủi ro, bất định, diễn biến mới phát sinh vượt ngoài khả năng dự báo của các nước, các tổ chức quốc tế.
Các điểm nóng, xung đột, căng thẳng trên thế giới tiếp tục diễn biến phức tạp, tiềm ẩn nguy cơ lan rộng; bất ổn chính trị, xã hội leo thang tại một số quốc gia, khu vực. Kinh tế thế giới phục hồi chậm, thiếu vững chắc, nhiều rủi ro. Thị trường tài chính, tiền tệ, giá vàng, xăng dầu, nguyên vật liệu, hàng hóa, vận tải thế giới biến động mạnh... các vấn đề an ninh truyền thống và phi truyền thống, an ninh năng lượng, an ninh lương thực, an ninh mạng… ngày càng phức tạp, khó lường hơn.
Mặc dù trong bối cảnh khó khăn nhiều hơn thuận lợi, nhưng nền kinh tế Việt Nam vẫn khẳng định sự phục hồi mạnh mẽ, đạt nhiều kết quả tích cực, rõ nét, tháng sau tích cực hơn tháng trước, quý sau tốt hơn quý trước.
Tốc độ tăng trưởng kinh tế ước cả năm ước đạt khoảng 6,8-7%, vượt mục tiêu Quốc hội đề ra (6-6,5%), thuộc nhóm ít các nước tăng trưởng cao trong khu vực, thế giới và được các tổ chức quốc tế đánh giá cao. Kinh tế vĩ mô duy trì ổn định, lạm phát được kiểm soát, các cân đối lớn của nền kinh tế được bảo đảm; niềm tin của doanh nghiệp, nhà đầu tư, người dân được củng cố. Việt Nam tiếp tục là điểm sáng trong bức tranh không mấy sáng sủa của nền kinh tế thế giới.
Để đạt được những kết quả đáng khích lệ kể trên là nhờ sự lãnh đạo của Đảng, đứng đầu là Tổng Bí thư; sự ủng hộ, đồng hành của Quốc hội; sự chỉ đạo, điều hành quyết liệt, kịp thời, chính xác của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; sự vào cuộc của các bộ, cơ quan, địa phương và cả hệ thống chính trị, trong đó có sự đóng góp quan trọng của Bộ Kế hoạch và Đầu tư.
Năm 2024, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã làm tốt công tác tham mưu cho Chính phủ các định hướng, giải pháp cụ thể phù hợp với tình hình mới; phối hợp cùng với các bộ, cơ quan trung ương và địa phương thực hiện các mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ đã đề ra. |