Ngành Công Thương khu vực phía Nam: Kỳ vọng tăng tốc phát triển trong giai đoạn mới
Tại Hội nghị ngành Công Thương khu vực phía Nam lần thứ X, năm 2024, tổ chức sáng ngày 11/10 tại tỉnh Kiên Giang, đại diện các Bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp đã đánh giá khách quan kết quả đạt được, khó khăn tồn tại và đưa ra nhiều đề xuất giúp ngành Công Thương khu vực giữ vững vai trò đầu tàu kinh tế.
Các đại biểu tham dự Hội nghị. Ảnh: Trần Đình |
Công nghiệp, thương mại tăng trưởng ổn định
Bộ Công Thương thông tin, 9 tháng năm 2024, mặc dù tình hình thị trường thế giới và trong nước có nhiều biến động nhưng ngành Công Thương khu vực phía Nam vẫn tăng trưởng ổn định .
Về chỉ số sản xuất công nghiệp, có 6/20 tỉnh, thành có mức tăng cao hơn mức tăng bình quân của khu vực (tăng 10,73%). Một số sản phẩm công nghiệp vẫn duy trì được hoạt động sản xuất và có mức sản lượng tăng khá so cùng kỳ, góp phần lớn vào sự tăng trưởng chung của ngành công nghiệp khu vực như: May mặc, giày dép, túi xách, thủy sản đông lạnh, xay xát, lau bóng gạo, xi măng...
Hội nghị thu hút đông đảo đại diện các Bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp. Ảnh: Trần Đình |
Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ khu vực 9 tháng đạt 2.442,330 nghìn tỷ đồng, tăng 12,47% so với cùng kỳ năm 2023; có 12/20 tỉnh, thành tăng trưởng cao và cao hơn mức tăng trưởng bình quân của khu vực.
Về xuất khẩu, tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của khu vực phía Nam thực hiện ước đạt 108,427 tỷ USD, tăng 10,41% so với cùng kỳ, có 19/20 tỉnh, thành phố tiếp tục duy trì tốc độ tăng trưởng. Các mặt hàng xuất khẩu chủ yếu có mức tăng trưởng so cùng kỳ như: Gạo, thủy sản, rau quả, hàng dệt may, giày dép, sắt thép, máy vi tính sản phẩm điện tử và linh kiện.
Để đạt được kết quả trên, ngành Công Thương khu vực phía Nam đã nỗ lực triển khai nhiệm vụ thuộc lĩnh vực quản lý của ngành. Đặc biệt, một số địa phương đã có những mô hình, cách làm hay, sáng tạo. Trong đó, tỉnh Đồng Tháp đã ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý mạng lưới bán buôn, bán lẻ; mô hình số hoá dữ liệu bản đồ quy hoạch khu công nghiệp, cụm công nghiệp. Cần Thơ tổ chức Chương trình hợp tác phát triển kinh tế - xã hội giữa thành phố và tỉnh Quảng Ninh, đồng thời với việc khai trương đường bay Cần Thơ - Vân Đồn.
Chung tay vượt qua thách thức, hoàn thành kế hoạch năm
Dù đạt được kết quả khả quan, nhưng tại hội nghị, các đại biểu cũng nhận diện nhiều khó khăn trong triển khai nhiệm vụ và phát triển ngành. Trong đó, sản xuất công nghiệp của một số địa phương có mức tăng trưởng chậm, không đều, sản phẩm công nghiệp còn đơn điệu.
Việc mở cửa hoàn toàn thị trường bán lẻ cho nhà đầu tư nước là thách thức lớn cho hàng hóa trong nước cạnh tranh với hàng hóa nhập khẩu, đặc biệt là sản phẩm đến từ các quốc gia có nền công nghiệp phát triển. Giá cả nhiều mặt hàng nông sản luôn biến động làm cho thu nhập người dân không ổn định, ảnh hưởng đến sức mua của thị trường; khả năng tiếp cận vốn vay của các doanh nghiệp vẫn tiếp tục khó khăn.
Ông Phạm Văn Trọng - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang. Ảnh: Trần Đình |
Cùng đó, giá trị gia tăng của hàng hóa xuất khẩu thấp do nguyên phụ liệu đầu vào chủ yếu là nhập khẩu; hạ tầng phục vụ cho dịch vụ xuất khẩu chưa được đầu tư đúng theo quy hoạch và thiếu đồng bộ như dịch vụ chuỗi cung ứng logictics, kho hàng, bến cảng... làm tăng chi phí, giá thành và giảm tính cạnh tranh của hàng hóa xuất khẩu.
Từ thực tế của địa phương, ông Phạm Văn Trọng - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang, cho hay, công nghiệp và thương mại của tỉnh 9 tháng tăng trưởng tốt với con số 11,7% và 6,78%. Để ngành có “lực” phát triển mạnh hơn nữa, lãnh đạo UBND tỉnh Tiền Giang đề nghị Bộ Công Thương tham mưu Chính phủ sửa đổi, bổ sung chế tài xử phạt đối với hành vi “kinh doanh thực phẩm có sử dụng phụ gia thực phẩm hoặc chất hỗ trợ chế biến thực phẩm cấm sử dụng hoặc ngoài danh mục được phép sử dụng". Hướng dẫn việc phân bổ công suất điện mặt trời mái nhà cho từng đối tượng, như: Doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh; các hộ gia đình; cơ quan công sở;
Ông Đặng Thành Sơn - Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Sóc Trăng. Ảnh: Trần Đình |
Chia sẻ về những khó khăn trong công tác quản lý chợ tại địa phương, ông Đặng Thành Sơn- Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Sóc Trăng, cho hay, việc chuyển đổi mô hình kinh doanh, khai thác chợ chưa thể triển khai do quy định phải có sự đồng thuận của ít nhất 2/3 người dân, hộ tiểu thương kinh doanh tại chợ, tuy nhiên khi tổ chức lấy ý kiến thì đa phần tiểu thương không đồng ý chuyển đổi do tâm lý ngại thay đổi.
Một số chợ xây dựng để đáp ứng tiêu chỉ hạ tầng thương mại trong Bộ tiêu chí xã nông thôn mới hoặc chợ do doanh nghiệp đầu tư, quản lý, hiệu quả chưa cao, địa điểm xây dựng không thuận lợi giao thương dẫn đến tình trạng chợ bị bỏ trống…
“Để khắc phục tình trạng này, Bộ Công Thương sớm tổ chức tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ về phát triển và quản lý chợ, tập huấn, hướng dẫn các địa phương trong việc tổ chức thực hiện các nội dung tại Nghị định số 60/2024/NĐ-CP. Các bộ, ngành sớm ban hành các quy định, hướng dẫn theo Điều 38 Nghị định số 60/2024/NĐ-CP để các địa phương áp dụng, nhất là việc thực hiện Chương IV của Nghị định hiện nay còn nhiều lúng túng”, đại diện tỉnh Sóc Trăng kiến nghị.
Tại hội nghị, đại diện các tỉnh, thành phố trong khu vực đề xuất Bộ Công Thương và các Bộ, ngành khác hàng năm bố trí nguồn ngân sách hỗ trợ các địa phương từ nguồn vốn đầu tư công trung hạn cho khu kinh tế, khu công nghiệp và cụm công nghiệp của các tỉnh có điều kiện kinh tế đặc biệt khó khăn để làm cơ sở mời gọi các nhà đầu tư thứ cấp; hướng dẫn xây dựng chính sách hỗ trợ nhà đầu tư hạ tầng cụm công nghiệp trên địa bàn các địa phương có điều kiện kinh tế đặc biệt khó khăn; hỗ trợ phát triển công nghiệp công nghệ cao, công nghiệp hỗ trợ…