Ngành Công Thương Cao Bằng: Khai thác hiệu quả tiềm năng, thế mạnh địa phương
Là địa phương miền núi còn nhiều khó khăn, những năm vừa qua, Cao Bằng chắt chiu cơ hội phát triển kinh tế từ tiềm năng khoáng sản, nông sản, từ đường biên giới thuận lợi cho hoạt động giao thương. Sở Công Thương Cao Bằng cũng tích cực xây dựng các văn bản pháp lý, trình UBND tỉnh ban hành nhằm tạo thuận lợi cho sự phát triển công nghiệp, thương mại địa phương.
Đến nay, công nghiệp địa phương phát triển đúng hướng, khai thác được tiềm năng thế mạnh. Cụ thể, công nghiệp khai thác chế biến khoáng sản theo hướng chế biến sâu, sử dụng công nghệ cao, tận thu tiết kiệm tài nguyên thân thiện với môi trường; phát triển tiềm năng thủy điện, chế biến nông, lâm sản, thực phẩm góp phần thúc đẩy tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới.
Hoạt động sản xuất công nghiệp đã thu hút được nhiều thành phần kinh tế tham gia như đầu tư phát triển thủy điện. Giai đoạn từ năm 2016 đến nay đã đầu tư hoàn thành, đưa vào hoạt động 9 nhà máy thủy điện, nâng tổng số nhà máy thủy điện đang hoạt động trên địa bàn tỉnh lên 20 nhà máy… Một số sản phẩm công nghiệp có chất lượng, giá trị cao, có sức cạnh tranh trên thị trường như Fêrômangan các loại, phôi thép, chiếu trúc, miến dong...
Mặc dù còn nhiều khó khăn trong hoạt động sản xuất, kinh doanh nhưng các doanh nghiệp công nghiệp trên địa bàn tỉnh vẫn duy trì sản xuất ổn định, có mức tăng trưởng ấn tượng. Chỉ số sản xuất công nghiệp năm 2020 tăng 4,77% so với cùng kỳ năm 2019. Tốc độ tăng trưởng của công nghiệp trong GRDP năm 2020 tăng 12,68% so với cùng kỳ năm trước. Trong điều kiện dịch bệnh Covid-19 nhưng sản xuất công nghiệp vẫn duy trì ổn định góp phần vào tốc độ tăng trưởng bình quân giai đoạn 2015 - 2020 đạt 25,3%/năm.
Ông Nhan Viết Thái - Phó giám đốc phụ trách Sở Công Thương Cao Bằng - nêu rõ, để đảm bảo đời sống cho người dân, hoạt động thương mại nội địa được ngành Công Thương Cao Bằng luôn nỗ lực thúc đẩy. Nhờ đó, nguồn cung hàng hóa dồi dào , giá cả ổn định, đáp ứng đủ nhu cầu sản xuất, tiêu dùng của người dân, đặc biệt là các mặt hàng thiết yếu. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng thực hiện năm 2020 là 8.980,02 tỷ đồng, vượt chỉ tiêu kế hoạch tăng 1,68%, tăng 7,24% so với cùng kỳ năm 2019. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ giai đoạn 2016-2020 tăng bình quân 8,3%/năm.
Riêng về thương mại quốc tế, với đường biên giới dài trên 300 km tiếp giáp với Trung Quốc, Cao Bằng hiện có 2 cửa khẩu Quốc tế (Cửa khẩu Tà Lùng, Trà Lĩnh); 2 cửa khẩu chính (Sóc Giang và Lý Vạn); 2 cửa khẩu phụ (Cửa khẩu Hạ Lang, Pò Peo); lối mở Nà Lạn và một số điểm thông quan… Đây là điều kiện thuận lợi để phát triển kinh tế cửa khẩu, thương mại biên giới, nhất là các hoạt động kinh doanh xuất nhập khẩu hàng hóa qua biên giới với tỉnh Quảng Tây (Trung Quốc) phát triển tương đối nhanh, hàng hóa xuất nhập khẩu đa dạng phong phú về chủng loại, số lượng các doanh nghiệp tham gia xuất nhập khẩu qua địa bàn tỉnh ngày càng tăng, kim ngạch xuất nhập khẩu năm sau cao hơn năm trước.
Dù vậy, năm 2020, do dịch bệnh Covid-19 và nước bạn Trung Quốc thay đổi chính sách biên mậu chuyển mạnh từ thương mại tiểu ngạch sang xuất nhập khẩu chính ngạch, ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa... nhưng hoạt động xuất nhập khẩu qua địa bàn vẫn được duy trì.
Đưa công nghiệp, thương mại phát triển bền vững
Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Cao Bằng lần thứ XIX, nhiệm kỳ 2020 - 2025 đã xác định ba nội dung đột phá và 3 chương trình trọng tâm. Trong đó: "Phát triển kinh tế cửa khẩu, nhằm xây dựng kết cấu hạ tầng Khu kinh tế cửa khẩu tỉnh đồng bộ, hiện đại, khai thác và phát huy tối đa lợi thế 333 km đường biên giới tiếp giáp với Trung Quốc, xây dựng Cao Bằng trở thành trung tâm trung chuyển hàng hóa từ các nước ASEAN sang thị trường Trung Quốc và ngược lại".
Phát triển nông nghiệp thông minh và nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa đặc hữu gắn với chế biến nhằm xây dựng thương hiệu, tăng sức cạnh tranh của các sản phẩm nông nghiệp, hướng đến xuất khẩu ra thị trường trong và ngoài nước; phát triển du lịch - dịch vụ bền vững, đưa du lịch - dịch vụ Cao Bằng trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, xây dựng Cao Bằng trở thành trung tâm du lịch của các tỉnh khu vực trung du, miền núi phía Bắc. Phấn đấu đạt tốc độ tăng GRDP bình quân cả giai đoạn từ 8% trở lên.
Để góp phần thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ, mục tiêu Nghị quyết Đại hội tỉnh Đảng bộ lần thứ XIX đề ra, phát huy những kết quả đạt được những năm vừa qua, ông Nhan Viết Thái cho hay, ngành Công Thương Cao Bằng đặt mục tiêu tăng trưởng ngành công nghiệp giai đoạn 2020-2025 đạt trên 11%/năm; tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng tăng 10%/năm; tổng kim ngạch xuất nhập khẩu qua địa bàn tỉnh tăng 10%/năm.
Để hoàn thành mục tiêu này, Sở Công Thương Cao Bằng sẽ phối hợp với các sở, ban, ngành UBND các huyện, thành phố tiếp tục tham mưu cho tỉnh để phát triển, khai thác thị trường xuất nhập khẩu hàng hóa sang Trung Quốc; phát huy tốt hơn vai trò vị trí địa kinh tế của tỉnh Cao Bằng giáp với Quảng Tây (Trung Quốc) trong việc phát triển kinh tế - xã hội của hai địa phương. Phấn đấu tổng kim ngạch xuất nhập khẩu sang thị trường Trung Quốc qua các cửa khẩu của tỉnh Cao Bằng giai đoạn 2020 - 2025 tăng bình quân 10%/năm.
Bên cạnh đó, phấn đấu hoàn thành và đưa vào hoạt động sản xuất một số dự án trọng điểm có tính chiến lược như tập trung đẩy nhanh tiến độ các nhà máy thủy điện đang thi công để hoàn thành theo kế hoạch đề ra và triển khai nhanh các dự án thủy điện đã được phê duyệt quy hoạch; thực hiện dự án đầu tư sản xuất thép cán xây dựng cung ứng cho thị trường quy mô 200 nghìn tấn, triển khai các dự án khai thác và tuyển quặng Niken - đồng, quặng Bauxit…; thành lập các cơ sở bảo quản, sơ chế và chế biến các sản phẩm nông nghiệp (đặc biệt là các cơ sở chế biến theo nhóm hàng gắn với Đề án nông nghiệp thông minh của tỉnh): Xây dựng nhà máy chế biến sữa công nghệ cao...
Đặc biệt, đảm bảo lưu thông hàng hóa thuận lợi, cung cấp đầy đủ hàng hóa đáp ứng nhu cầu sản xuất và tiêu dùng của nhân dân, nhất là cung cấp các mặt hàng thiết yếu phục vụ đồng bào vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới; không để xảy ra tình trạng khan hiếm hàng hóa, tăng giá đột biến. Tạo mọi điều kiện thuận lợi cho các thành phần kinh tế tham gia hoạt động xuất nhập khẩu qua địa bàn tỉnh đạt hiệu quả cao.