Ngành bảo hiểm xã hội: Giải quyết kịp thời các chế độ cho người dân trong đại dịch Covid-19
6 tháng đầu năm 2021, trước diễn biến phức tạp của đại dịch Covid-19 trong bối cảnh nền kinh tế - xã hội và đời sống nhân dân bị ảnh hưởng, tác động sâu sắc bởi đại dịch, đại diện Bảo hiểm Xã hội (BHXH) Việt Nam cho biết, toàn ngành đã bám sát sự chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; đồng thời, chủ động phối hợp chặt chẽ với các Bộ, ngành, địa phương tiếp tục triển khai đồng bộ nhiều giải pháp nhằm hoàn thành tốt các nhiệm vụ được giao. Trong đó, ngành BHXH Việt Nam đã tập trung, quyết liệt triển khai thực hiện nhiều giải pháp phát triển người tham gia, giảm nợ đóng BHXH, bảo hiểm y tế (BHYT), bảo hiểm thất nghiệp (BHTN).
Dù có những khó khăn, song ngành BHXH quyết tâm thực hiện hiệu quả các chính sách an sinh |
Thông tin từ BHXH Việt Nam, đến hết tháng 6/2021, công tác thu, phát triển người tham gia BHXH, BHYT, BHTN đạt được những kết quả tích cực sau, cụ thể: Toàn quốc ước có 16,17 triệu người tham gia BHXH (đạt 32,49% lực lượng lao động), trong đó có: 15 triệu người tham gia BHXH bắt buộc, tăng 509.817 người so với cùng kỳ năm 2020 (tương ứng tăng 3,52%); 1,17 triệu người tham gia BHXH tự nguyện, tăng 466.586 người so với cùng kỳ năm 2020 (tăng 65,89%). Cả nước ước có 87,5 triệu người tham gia BHYT, tăng hơn 1,9 triệu người so với cùng kỳ năm 2020 (tăng 2,23%), đạt tỷ lệ 89,63% dân số.
Riêng công tác thu BHXH, BHYT, BHTN ước đạt 195.143 tỷ đồng, đạt 45,23% kế hoạch Chính phủ giao năm 2021. Nổi bật 10 địa phương có tỷ lệ % số thu so với kế hoạch được giao cao như: Tuyên Quang; Quảng Ngãi; Lai Châu; Đồng Tháp; Bình Phước; Thanh Hóa; Vĩnh Phúc; Nghệ An; Hưng Yên; Điện Biên. Tổng số nợ BHXH, BHYT, BHTN ước chiếm 5% so với số phải thu; giảm 0,3% so với tỷ lệ nợ cùng kỳ năm 2020.
Thành quả đáng khích lệ, theo BHXH Việt Nam, 6 tháng đầu năm 2021, công tác giải quyết chế độ BHXH, BHYT, BHTN tiếp tục được ngành này đảm bảo đầy đủ, kịp thời quyền lợi cho người tham gia theo đúng quy định. Theo đó, 6 tháng đầu năm 2021, toàn ngành đã giải quyết hưởng mới BHXH hằng tháng cho 38.410 người; 561.570 người hưởng BHXH một lần; hơn 3,5 triệu người hưởng chế độ ốm đau; 340.289 người hưởng mới BHTN.
Ngoài ra, toàn quốc có gần 76 triệu lượt người khám chữa bệnh (KCB) BHYT với số tiền thanh toán hơn 49.000 tỷ đồng, giảm gần 2 triệu người nhưng tăng 2.343 tỷ đồng (tăng 5%) so với cùng kỳ năm 2020. Các địa phương có tỷ lệ chi KCB BHYT so với kế hoạch cao như: Tây Ninh; Ninh Bình; Thanh Hóa; Quảng Bình; Nghệ An; Cần Thơ; Hà Tĩnh; Sơn La; Đồng Nai; Bắc Kạn.
Để phù hợp với tình hình diễn biến dịch Covid-19, ngành BHXH Việt Nam đã tăng cường đẩy mạnh thanh tra, kiểm tra theo hình thức điện tử. Đến hết tháng 5/2021, đã tiến hành thanh tra, kiểm tra tại 2.641 đơn vị. Kết quả, qua công tác thanh tra chuyên ngành đã phát hiện 4.116 lao động thuộc đối tượng phải tham gia BHXH, BHTN, BHYT nhưng chưa tham gia hoặc đóng thiếu thời gian với số tiền phải truy đóng là hơn 23,86 tỷ đồng; 11.085 lao động đóng thiếu mức quy định với số tiền phải truy đóng là 16,61 tỷ đồng; tổng số tiền nợ đóng các đơn vị đã khắc phục là 451,82 tỷ đồng.
Bên cạnh đó, công tác cải cách thủ tục hành chính (TTHC), ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong các hoạt động tiếp tục được đẩy mạnh; phương thức hoạt động được đổi mới theo hướng phục vụ, nhanh chóng, kịp thời, bảo đảm quyền lợi cho người tham gia. Đáng chú ý, bộ TTHC của ngành BHXH Việt Nam tiếp tục được cắt giảm từ 27 thủ tục (năm 2020), xuống còn 25 thủ tục; 25/25 thủ tục của BHXH Việt Nam đã được cung cấp trực tuyến mức độ 4 trên Cổng Dịch vụ công (DVC) của ngành; tích hợp, liên thông với Cổng DVC Quốc gia (hoàn thành mục tiêu đề ra tại Nghị quyết số 28-NQ/TW); chính thức triển khai, sử dụng hình ảnh thẻ BHYT trên ứng dụng VssID khi đi KCB BHYT trên phạm vi toàn quốc từ ngày 01/6/2021, đến nay đã có khoảng trên 11,2 triệu người cài đặt và sử dụng ứng dụng.
Tại Hội nghị trực tuyến sơ kết công tác 6 tháng, ghi nhận những kết quả đạt được, tuy nhiên, Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Nguyễn Thế Mạnh chỉ ra rằng, công tác phát triển người tham gia BHXH, BHYT, BHTN có tăng nhưng chưa bền vững và chưa đạt hiệu quả như mong muốn.
Do đó, trước tình hình khó khăn hiện nay, Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam đã nêu rõ các yêu cầu cần triển khai quyết liệt trong 6 tháng cuối năm 2021. Theo đó, toàn ngành này cần tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các Bộ, ngành tham gia xây dựng, hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật BHXH, BHYT, BHTN; BHXH các tỉnh, thành phố phải nhanh chóng tham mưu với chính quyền địa phương để kiện toàn, thành lập Ban Chỉ đạo cấp tỉnh, cấp huyện về triển khai thực hiện chính sách BHXH, BHYT, xây dựng “bức tranh” về người có tiềm năng nhưng chưa tham gia BHXH, BHYT trên địa bàn để có kế hoạch tuyền thông, vận động hiệu quả.
Ngoài ra, Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam - đề nghị, toàn ngành đẩy mạnh việc chi trả không dùng tiền mặt; thực hiện đồng bộ các giải pháp để vừa đảm bảo quyền lợi người tham gia, vừa kiểm soát chặt chẽ, hiệu quả quỹ BHYT, thực hiện đúng dự toán được Chính phủ giao năm 2021. Đặc biệt, tiếp tục rà soát, cắt giảm, đơn giản hóa các TTHC; mở rộng cung cấp các DVC trực tuyến mức độ 4; tích hợp, cung cấp thêm các DVC của Ngành trên Cổng DVC Quốc gia theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Hoàn thiện, bổ sung các tính năng, tiện ích, dịch vụ trên ứng dụng VssID; đẩy mạnh giao dịch điện tử, ứng dụng VssID nhằm giảm thiểu sự tiếp xúc trực tiếp, góp phần cùng cả hệ thống chính trị phòng chống dịch Covid-19.