Chấm dứt cuộc đua lãi suất
Tập trung tái cơ cấu và từng bước xử lý hiệu quả nợ xấu, quản lý thành công thị trường vàng và giảm đô la hóa nền kinh tế… là những điểm nhấn quan trọng của chính sách tiền tệ giai đoạn 2011-2015.
Theo Tiến sỹ Trương Văn Phước - Phó Chủ tịch Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gian, trong giai đoạn 2011-2015, chúng ta đã xử lý thành công vấn đề thanh khoản của hệ thống. Khắc phục gần như hoàn toàn trạng thái thiếu thanh khoản, các ngân hàng phải vay mượn lẫn nhau với lãi suất rất cao trên thị trường liên ngân hàng. Lãi suất được đưa về đúng theo quan hệ cung cầu tiền tệ, dựa trên nhu cầu thực của nền kinh tế chứ không xuất phát từ tình trạng chạy đua lãi suất huy động giữa các tổ chức tín dụng (TCTD). “Các TCTD yếu kém, mất thanh khoản đã được khu biệt lại và tái cấp vốn với lãi suất thấp, nhờ đó đã ngăn chặn nguy cơ đổ vỡ do mất thanh khoản. Chấm dứt tình trạng đua tranh lãi suất giữa các TCTD, thị trường tiền tệ lành mạnh trở lại, từ đó tác động tới thị trường tài chính và ổn định kinh tế vĩ mô” ông Phước nhận định.
TS. Lê Xuân Nghĩa - Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển kinh doanh BDI cho rằng: Ngân hàng Nhà nước đã rất quyết liệt tái cấu trúc các ngân hàng thương mại, đây là tiền đề quan trọng cho giai đoạn tiếp theo là hiện đại hóa hệ thống ngân hàng. Chính sách tiền tệ trong giai đoạn 2011-2015 là một thành công căn bản và chưa bao giờ Việt Nam có một chính sách thành công như vậy - nhận được sự đồng thuận cao kể cả các chuyên gia nước ngoài.
Đồng quan điểm này, Chuyên gia kinh tế TS. Cấn Văn Lực nhận xét: Chính sách tiền tệ thời gian qua là chủ động, linh hoạt, đồng bộ, tiến dần đến thông lệ quốc tế.
Thực tế cho thấy, trong năm năm qua, Ngân hàng Nhà nước đã quản lý thành công thị trường vàng và giảm tình trạng vàng hóa nền kinh tế và khắc phục tình trạng đô la hóa nền kinh tế. Điều chỉnh linh hoạt hạn mức tín dụng, điều hòa dòng vốn tín dụng phân bổ đúng hướng, tập trung vào khu vực sản xuất kinh doanh, tạo đà tăng trưởng kinh tế.
Ổn định thanh khoản
PGS. TS Đặng Ngọc Đức - Viện trưởng Viện Tài chính Ngân hàng - bày tỏ: Trong giai đoạn vừa qua, việc sử dụng và điều hành công cụ lãi suất đảm bảo theo đuổi mục tiêu bao trùm của công tác điều hành chính sách tiền tệ cũng như các mục tiêu vĩ mô khác trong từng năm cùng với các chế tài xử lý vi phạm quy định về lãi suất tiền gửi và cho vay đã mang lại những thành công nhất định trong công tác quản lý, điều hành của Ngân hàng Nhà nước.
“Những thay đổi trong điều hành lãi suất luôn tuân thủ nguyên tắc không được gây ra những cú sốc thị trường, đảm bảo tính ổn định và thực hiện các mục tiêu kiểm soát lạm phát, tăng trưởng kinh tế. Trên cơ sở đó, có thể nhận thấy Ngân hàng Nhà nước đã có những bước đánh giá, nhận diện chính xác tình hình để có được hướng điều hành hợp lý nhất” PGS. TS Đặng Ngọc Đức nhấn mạnh.
Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng chia sẻ: Nếu năm 2011 GDP tăng 6,2%, lạm phát 18,13% thì năm 2015, GDP đạt trên 6,5% và lạm phát ở mức thấp trong khi nhu cầu trong nước về tiêu dùng và đầu tư tăng lên. Đó là điểm sáng chính sách vĩ mô.
Giai đoạn trước, lãi suất 20-25% là khó khăn cho doanh nghiệp thì đến nay lãi suất ngắn hạn chỉ còn 6-9%, lãi suất trung và dài hạn là 11%, giúp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp. Đặc biệt, tín dụng trước đây tăng trưởng 30%/năm và là nguyên nhân tích tụ nợ xấu thì nay tín dụng đã được kiểm soát,
“Cuối năm 2011 có dấu hiệu căng thẳng thanh khoản và có nguy cơ đổ vỡ nhưng giờ đây nguy cơ đổ vỡ bị đẩy lùi. Thời điểm này những năm trước Ngân hàng Nhà nước phải rất vất vả trong hỗ trợ thanh khoản cho các ngân hàng thương mại thì mấy năm gần đây nhà quản lý đã không cần tái cấp vốn để hỗ trợ thanh khoản, thị trường và tính cạnh tranh, quản trị tại các ngân hàng tốt hơn” bà Hồng khẳng định.