Ngân hàng ‘ồ ạt’ tăng vốn để nâng sức cạnh tranh
Vốn điều lệ cao sẽ là “bộ đệm” giúp cho các ngân hàng có thêm nguồn lực để chống chọi với những khó khăn, thách thức; đồng thời hỗ trợ doanh nghiệp nói riêng và nền kinh tế nói chung phục hồi hoạt động sản xuất - kinh doanh.
Theo báo cáo triển vọng ngành ngân hàng năm 2022 của Công ty CP Chứng khoán MBS, ước tính có khoảng 75% hoạt động tăng vốn đến từ chia tách cổ phiếu, 22% thông qua hoạt động phát hành riêng lẻ và phát hành quyền chọn mua cổ phiếu và khoảng 3% đến từ phát hành cổ phiếu cho người lao động.
Tăng vốn sẽ giúp ngân hàng tăng khả năng cung cấp tín dụng cho nền kinh tế, tạo cơ hội vay vốn cho doanh nghiệp. Ảnh: TTXVN.· |
Năm 2022, Vietcombank dự kiến phát hành gần 856,6 triệu cổ phiếu để trả cổ tức theo tỷ lệ 18,1% (cổ đông sở hữu 1.000 cổ phiếu được nhận thêm 181 cổ phiếu mới). Sau khi hoàn tất, vốn điều lệ của Vietcombank sẽ tăng thêm gần 8.566 tỷ đồng, lên 55.891 tỷ đồng. Tương tự, VietinBank muốn dùng toàn bộ lợi nhuận còn lại (9.624 tỷ đồng) chia cổ tức bằng cổ phiếu. Như vậy, vốn điều lệ ngân hàng sẽ tăng thêm khoảng 20%. Trước đó, vốn điều lệ của VietinBank đã được tăng từ 37.234 tỷ đồng lên 48.057 tỷ đồng trong năm 2021 nhờ chia cổ tức bằng cổ phiếu.
Chủ tịch Hội đồng quản trị MB Lê Hữu Đức thông tin: MB cũng triển khai phương án tăng vốn điều lệ năm 2022 thêm 7.556 tỷ đồng thông qua phát hành 755,6 triệu cổ phiếu để trả cổ tức, tương đương tỷ lệ 20%. Tới đây, MB dự kiến sẽ chào bán thêm 65 triệu cổ phiếu riêng lẻ mới.
Năm 2022, LienVietPostBank đặt mục tiêu lợi nhuận trước thuế đạt 4.800 tỷ đồng, tăng 32% so với năm trước; đồng thời, sẽ tăng vốn điều lệ thêm hơn 6.200 tỷ đồng. Về kế hoạch tăng vốn điều lệ năm nay, Đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) thường niên năm 2022 của LienVietPostBank đã nhất trí phương án tăng vốn thêm 6.213 tỷ đồng thông qua việc chi trả cổ tức năm 2021 với tỷ lệ 15% và phát hành cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu, nhà đầu tư nước ngoài.
Theo đó, vốn điều lệ của LienVietPostBank sẽ tăng lên thành hơn 21.249 tỷ đồng. Điều này nhằm tiếp tục nâng cao tiềm lực tài chính, gia tăng lợi ích cho cổ đông, đồng thời tạo nền tảng giúp ngân hàng phát triển an toàn, hiệu quả, bền vững. Quý I/2022, lợi nhuận trước thuế của LienVietPostBank tăng 62% so với cùng kỳ, đạt hơn 1.795 tỷ đồng.
Chủ tịch HĐQT ABBank Ðào Mạnh Kháng cho biết: “Nhằm chuẩn bị nền tảng tài chính cho việc thực hiện các mục tiêu trung hạn giai đoạn 2021 - 2025, ABbank đã hoàn thành tăng vốn điều lệ lên gần 10.000 tỷ đồng, bổ sung vốn cho hoạt động kinh doanh và đầu tư. Sắp tới, ABBank dự kiến triển khai thêm đợt tăng vốn điều lệ mới thông qua việc sử dụng nguồn lợi nhuận sau thuế chưa phân phối để trả cổ tức bằng cổ phiếu cho cổ đông và phát hành cổ phiếu theo chương trình lựa chọn dành cho cán bộ, nhân viên (ESOP). Dự kiến hết năm 2022, vốn điều lệ của ABBank sẽ đạt hơn 10.400 tỷ đồng”.
Được sự chấp thuận của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Việt Nam, SeABank tăng vốn điều lệ lên 16.598 tỷ đồng thông qua việc chào bán cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu để nâng cao năng lực tài chính, bổ sung thêm nguồn vốn cho hoạt động kinh doanh nhằm thực hiện các mục tiêu tăng trưởng đã đề ra.
“Việc tăng vốn điều lệ là một dấu mốc quan trọng trong kế hoạch và định hướng, giúp ngân hàng có đủ tiềm lực để thực hiện các mục tiêu: Triển khai chiến lược hội tụ số, đầu tư mạnh mẽ cho công nghệ, số hóa toàn diện các quy trình vận hành trong hoạt động tín dụng, thanh toán, dịch vụ khách hàng, đa dạng hóa sản phẩm dịch vụ… qua đó mang lại hiệu quả hoạt động và giao dịch, gia tăng trải nghiệm và đáp ứng tốt hơn nữa nhu cầu của mọi khách hàng”, đại diện SeABank cho biết.
Ngân hàng cũng dự kiến phát hành 59.400.000 cổ phiếu cho cán bộ nhân viên theo phương án ESOP 2022; đồng thời, tùy theo điều kiện phù hợp với mục tiêu đề ra, SeABank dự kiến chào bán riêng lẻ cho nhà đầu tư nước ngoài hoặc chào bán cho cổ đông hiện hữu 228.700.000 cổ phiếu.
Techcombank cũng có kế hoạch phát hành hơn 6,3 triệu cổ phiếu theo chương trình lựa chọn cho ESOP. Sau phát hành, vốn điều lệ của Techcombank dự kiến đạt hơn 35.172 tỷ đồng. Tổng Giám đốc Techcombank, ông Jens Lottner cho biết: Tổng thu nhập hoạt động quý 1/2022 của Techcombank tăng 13,2% so với cùng kỳ năm trước, lên 10,1 nghìn tỷ đồng, dẫn dắt bởi sự tăng trưởng mạnh mẽ ở cả thu nhập lãi và thu nhập ngoài lãi.
“Chi phí dự phòng giảm đáng kể, 74,3% so với cùng kỳ năm trước, do nhiều khách hàng tiếp tục phục hồi khi đại dịch COVID-19 được kiểm soát, dẫn đến việc trích lập dự phòng thấp hơn, hoặc một số khoản trích lập dự phòng trước đây được hoàn nhập”, ông Jens Lottner cho biết.
Theo Techcombank, trong quý đầu tiên, sự bùng phát của biến thể Omicron của COVID-19 đã gây ra sự gián đoạn cho một số doanh nghiệp, bao gồm cả của ngân hàng. Gần đây, động thái đúng đắn của các cơ quan quản lý nhằm lành mạnh hóa hoạt động trên thị trường trái phiếu và bất động sản đã tạo ra một số lo lắng nhất định trên thị trường tài chính.
Tương tự, VPBank cũng có kế hoạch tăng vốn thêm hai đợt trong năm nay. Ở đợt 1, ngân hàng sẽ phát hành gần 2,24 tỷ cổ phiếu để tăng vốn từ nguồn vốn chủ sở hữu (tỷ lệ 50%). Sau phát hành, vốn điều lệ của VPBank sẽ tăng từ 45.057 tỷ lên 67.434 tỷ đồng. Ở đợt 2, ngân hàng sẽ phát hành riêng lẻ cho nhà đầu tư nước ngoài tối đa 15% vốn điều lệ, nâng vốn điều lệ lên mức 79.334 tỷ đồng, trở thành ngân hàng có mức vốn điều lệ cao nhất hệ thống nếu hoàn tất hai đợt phát hành nêu trên.
SHB cũng vừa thông qua việc phát hành cổ phiếu cho nhà đầu tư nước ngoài và nhà đầu tư chiến lược nước ngoài với tỷ lệ dự kiến tối đa 20% vốn tăng thêm và dự kiến chào bán cổ phiếu cho người lao động với tỷ lệ 1,69%, tương đương 45,12 triệu cổ phiếu mới. Sau các giao dịch này, cùng với chi trả cổ tức năm 2021 bằng cổ phiếu tỷ lệ 15%, vốn điều lệ của SHB sẽ tăng lên mức 36.459 tỷ đồng.
Trước đó, ông Phan Đức Tú, Chủ tịch Hội đồng quản trị BIDV cho biết: Tăng năng lực tài chính là điều kiện tiên quyết đối với các tổ chức tín dụng để đáp ứng được các chỉ số an toàn và phát triển tín dụng phục vụ đất nước. Áp lực tăng vốn diễn ra trong bối cảnh các ngân hàng đang thực hiện theo chuẩn Basel 2 nâng cao, Basel 3 và đặc biệt trong giai đoạn 2022 - 2023, khi Chính phủ thực hiện chương trình phục hồi kinh tế, đòi hỏi duy trì mức tăng trưởng tín dụng cao.
"Đề nghị Quốc hội, Chính phủ, các bộ, ngành có kế hoạch tạo điều kiện tăng vốn điều lệ cho các ngân hàng thương mại Nhà nước, trước mắt thông qua hình thức phát hành cổ phiếu, tăng vốn điều lệ từ cổ tức, từ lợi nhuận còn lại, phát hành cổ phiếu cho cán bộ, nhân viên”, ông Phan Đức Tú cho biết.
Lý do các ngân hàng dồn dập tăng vốn cũng được PGS TS Ðinh Trọng Thịnh (Giảng viên Học viện Tài chính) nhìn nhận sẽ giúp củng cố sức khỏe tài chính của các ngân hàng, nhằm đáp ứng quy định các chỉ số an toàn. Bên cạnh đó, trong bối cảnh diễn biến phức tạp của dịch COVID-19, vốn điều lệ dày dặn sẽ là một trong những yếu tố giúp cho các ngân hàng có thêm nguồn lực để hỗ trợ doanh nghiệp nói riêng và nền kinh tế nói chung.
Theo một số chuyên gia kinh tế, mặc dù kinh tế còn nhiều khó khăn nhưng với sự chỉ đạo của Chính phủ, NHNN, hoạt động sản xuất hồi phục trở lại, hoạt động kinh doanh của hệ thống ngân hàng tiếp tục duy trì ổn định theo đúng định hướng, kế hoạch. Thị trường cũng đã chứng kiến dòng vốn đầu tư nước ngoài (FDI) vẫn tiếp tục đổ vào Việt Nam.
Các khu công nghiệp hiện nay có tốc độ lấp đầy rất cao. Việc các doanh nghiệp FDI lớn mạnh cũng sẽ thúc đẩy các doanh nghiệp vệ tinh hỗ trợ chuỗi cung ứng. Một số ngành nghề như ngành sản xuất kinh doanh sắt thép, dệt may, thủy sản... vẫn có sự tăng trưởng tốt. Ngân hàng được coi là huyết mạch nền kinh tế, khi nền kinh tế hồi phục ngành này sẽ được hưởng lợi. Do đó triển vọng kinh doanh ngân hàng vẫn tích cực.