Thứ ba 29/04/2025 03:20

Vốn cho đồng bằng sông Cửu Long: Nếu ngân hàng thương mại không đủ, Ngân hàng Nhà nước sẽ tái cấp vốn

Phó Thống đốc Đào Minh Tú khẳng định, không thiếu vốn dành cho đồng bằng sông Cửu Long, nếu ngân hàng thương mại không đủ, Ngân hàng Nhà nước sẽ tái cấp vốn.

Đây là khẳng định Phó Thống đốc Thường trực Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú tại hội thảo “Thúc đẩy tín dụng cho ngành hàng nông sản chủ lực, đưa đồng bằng sông Cửu Long phát triển nhanh, bền vững” do Báo Đại biểu Nhân dân tổ chức ngày 18/11 tại Cần Thơ.

Số vốn cho vay tại Đồng bằng sông Cửu Long đạt gần 1,2 triệu tỷ đồng

Theo Phó Thống đốc Đào Minh Tú, đồng bằng sông Cửu Long có nhiều lợi thế, nhiều tiềm năng và sự quan tâm chỉ đạo của Đảng, Nhà nước đối khu vực, nhất là trong những năm vừa qua. Bám vào những chủ trương của Đảng và Nhà nước, ngành ngân hàng đã có rất nhiều cơ chế, chính sách riêng cho khu vực này.

Lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước khẳng định, nguồn vốn ngân hàng dành cho đồng bằng sông Cửu Long từ trước đến nay không bao giờ thiếu. Trên thực tế, đến tháng 9/2024, kết quả vốn huy động trên địa bàn các tỉnh, thành phố vùng đồng bằng sông Cửu Long đạt khoảng 840 nghìn tỷ đồng, nhưng cho vay gần 1,2 triệu tỷ đồng. “Số thiếu khoảng 350 nghìn tỷ đồng phải đưa từ trung ương về, huy động tại chỗ là không đủ” - ông Tú nói.

Phó Thống đốc Thường trực Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Đào Minh Tú phát biểu tại phiên tham luận tại hội thảo “Thúc đẩy tín dụng cho ngành hàng nông sản chủ lực, đưa đồng bằng sông Cửu Long phát triển nhanh, bền vững”. Ảnh: Lâm Hiển

Phó Thống đốc Đào Minh Tú cho biết, nhiều đại biểu đặt vấn đề, doanh nghiệp nói khó tiếp cận vốn tín dụng, trong khi ngân hàng nói thừa tiền. Vậy nguyên nhân do đâu 2 bên chưa gặp nhau? “Ngân hàng Nhà nước đặt mục tiêu tăng trưởng tín dụng hằng năm trên 15%. Năm 2023, dư nợ cho vay toàn nền kinh tế đạt 13,5 triệu tỷ đồng; năm 2024, tín dụng tăng 15% thì sẽ có hơn 1,5 triệu tỷ đồng được đưa vào nền kinh tế. Quy mô dư nợ tín dụng trên GDP hiện khoảng 130%, cao hơn nhiều quốc gia trên thế giới” - Lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước thông tin.

Cũng theo Phó Thống đốc, vốn cho lĩnh vực lúa gạo, thủy sản, trái cây - 3 thế mạnh của đồng bằng sông Cửu Long hiện rất cao, luôn chiếm tỷ trọng cao hơn trong cả nước. Còn về cơ chế chính sách ưu đãi, có 12 văn bản đang hiệu lực ở khu vực này với ưu đãi về vốn, thời hạn, lãi suất, kể cả điều kiện tín dụng. Cụ thể, Nghị định số 55/2015/NĐ-CP ngày 9/6/2015 của Chính phủ về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn, sau này sửa đổi ở Nghị định số 116/2018/NĐ-CP, có rất nhiều nội dung ưu đãi: Nâng mức vay không cần tài sản thế chấp, lãi suất cho vay đối tượng ưu tiên chỉ 4% cho khu vực này…

Dù khẳng định không thiếu vốn cho khu vực này, song Phó Thống đốc Đào Minh Tú cũng nhìn nhận, về thời hạn vay vốn, vốn trung và dài hạn đúng là vấn đề khó, vì người gửi tiền tiết kiệm thường chỉ gửi 1 năm, nếu ngân hàng cho doanh nghiệp vay với thời hạn 10 - 15 năm thì đây là cả vấn đề.

Bên cạnh đó, dù lãi suất cho vay chỉ 3% hay 5% thì vẫn khó khăn với doanh nghiệp do tỷ lệ đi vay quá nhiều, vốn tự có không có mấy. “Trong gần 1,2 triệu tỷ đồng dư nợ của đồng bằng sông Cửu Long, vốn tự có chỉ chiếm 18 - 20%; còn lại là vốn vay. Như vậy rõ ràng là khó cho doanh nghiệp. Nếu chỉ vay 30% như thông lệ các nước, thì doanh nghiệp không khó khăn” - ông Đào Minh Tú nhấn mạnh.

Từ góc độ vĩ mô, Lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước cũng nhìn nhận, với lượng dư nợ tín dụng lớn, tập trung vào lĩnh vực lúa gạo, thủy sản, trái cây - những lĩnh vực tiềm ẩn nhiều rủi ro. Ông Tú nêu ví dụ trận bão số 3 vừa qua khiến nhiều nông dân mất hết. Ngân hàng chỉ có giãn, hoãn nợ còn người dân vẫn phải trả món nợ đó. Nhưng khi đã mất sạch thì người dân lấy tiền đâu để trả. “Xóa nợ thì không thể vì luật pháp không cho phép; khoanh nợ thì phụ thuộc chính quyền địa phương - nhưng chưa địa phương nào công bố thiên tai trên diện rộng và làm chính sách khoanh nợ cho doanh nghiệp, vì khoanh nợ lại ảnh hưởng đến ngân sách địa phương. Cuối cùng ngân hàng lại phải gánh hết chuyện giãn, hoãn. Trong tuần tới, chúng tôi sẽ có thông tư về giãn, hoãn nợ sau đợt bão lũ này” - ông Tú nói.

Phó Thống đốc nêu thêm ví dụ, giống như đồng bằng sông Cửu Long trước đây, khi lúa gạo bị sâu bệnh, hạn hán, ngập mặn, ngành ngân hàng cũng phải xử lý theo cách đó; và để lại rất nhiều rủi ro cho ngân hàng phải trích lập dự phòng rủi ro lớn.

Phó Thống đốc Thường trực Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Đào Minh Tú phát biểu tại phiên thảo luận. Ảnh: Lâm Hiển

Theo ông Đào Minh Tú, với nông nghiệp, cụ thể là hợp tác xã và nông dân, hiện đã có rất nhiều chính sách của Trung ương và ngân hàng cho 2 nhóm đối tượng này tiếp cận các nguồn vốn. Vấn đề đặt ra với hợp tác xã là có phát triển bền vững không, hiệu quả không, lành mạnh không? Phải phát triển bền vững, mới là điều kiện để hợp tác xã tiếp cận vốn ngân hàng, bởi rủi ro với nông nghiệp rất lớn. Kế đến là hợp tác xã và nông dân phải có phương án sản xuất kinh doanh, năng lực quản trị của doanh nghiệp, khả năng trả nợ… “Ngân hàng cần quản lý được dòng tiền của mình nên cũng phải có các điều kiện cho vay để đảm bảo thu hồi được vốn đã cho vay” - Phó Thống đốc nhấn mạnh.

Một khó khăn khác mà lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước đề cập tới là vấn đề thiếu nguồn vốn tại chỗ và nguồn lực của doanh nghiệp, nhất là hợp tác xã và doanh nghiệp nhỏ. Ông Tú cho biết, Đề án “Phát triển bền vững 1 triệu ha lúa chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng Đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030” được triển khai mới đây, theo Đề án có 4 nguồn lực. Trong đó, “ngân sách hỗ trợ giao thông, thủy lợi, cải tạo đất đai; vốn vay của Ngân hàng Thế giới nhưng chưa xong thủ tục; vốn đầu tư trong nước và thu hút vốn đầu tư nước ngoài - chưa có; cuối cùng là vốn ngân hàng - chúng tôi đã hướng dẫn các ngân hàng thực hiện. Nói vậy để thấy, nguồn vốn cho đồng bằng sông Cửu Long vẫn chủ yếu dựa vào tín dụng nên rất mong có sự chia sẻ với ngành ngân hàng” - Phó Thống đốc bày tỏ.

Không thiếu vốn cho Đồng bằng sông Cửu Long

Trước những khó khăn đó, Lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước khẳng định, thời gian tới, quan điểm chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước là, về nguồn vốn, với cả nước có thể cần kiểm soát để kiểm soát lạm phát và bảo đảm an toàn hệ thống nhưng với nông nghiệp, nông thôn và đặc biệt đồng bằng sông Cửu Long là không thiếu vốn. “Nếu ngân hàng thương mại thiếu vốn thì Ngân hàng Nhà nước sẽ có biện pháp tái cấp vốn hoặc có hình thức cụ thể để hỗ trợ nguồn lực” - ông Tú khẳng định.

Về vấn đề doanh nghiệp mong muốn tăng cho vay trung và dài hạn, lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước nhấn mạnh, riêng đồng bằng sông Cửu Long với Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao ngành Ngân hàng sẽ quan tâm đến vốn trung và dài hạn. Ngân hàng Nhà nước đã chỉ đạo Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Agribank) và các ngân hàng thương mại yêu cầu chung tay, đồng tài trợ để chia sẻ rủi ro. “Tới đây, sẽ chỉ đạo thí điểm ở Công ty Trung An” - Phó Thống đốc tiết lộ.

Về lãi suất, hiện lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn đã có chính sách riêng, với Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao thì chính sách lại càng rõ ràng hơn. Về Quỹ Tín dụng nhân dân, quan điểm của Ngân hàng Nhà nước là sẽ củng cố hệ thống này nhưng không mở rộng quy mô và số lượng.

Đồng thời, thời gian tới, “chúng tôi sẽ tiếp tục chỉ đạo các tổ chức tín dụng rà soát, đơn giản hóa thủ tục, hồ sơ vay vốn, tài sản bảo đảm, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp và người dân tiếp cận vốn tín dụng ngân hàng; phát triển đa dạng sản phẩm tín dụng ngân hàng phù hợp đặc thù hoạt động của doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh lúa gạo, thủy sản, rau quả…” - Phó Thống đốc Đào Minh Tú khẳng định.

Theo thống kê của Ngân hàng Nhà nước, đến cuối tháng 9/2024, tổng dư nợ tín dụng tại khu vực đồng bằng sông Cửu Long đạt 1,18 triệu tỷ đồng, tăng 8% so với cuối năm 2023. Trong đó, dư nợ đối với lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn của vùng đạt khoảng 643 nghìn tỷ đồng, tăng 7% so với 2023, chiếm 54% tổng dư nợ trên địa bàn.
Ngân Thương
Bài viết cùng chủ đề: Đồng bằng sông Cửu Long

Tin cùng chuyên mục

Tăng tín dụng của nhiều ngân hàng cao hơn toàn hệ thống

Ba trường hợp sẽ bị tạm dừng lương hưu từ 1/7/2025

SeABank tăng 173 bậc trong bảng xếp hạng FAST500

VIB: Lợi nhuận quý 1/2025 đạt hơn 2.400 tỷ đồng, CASA tăng 17%, thực hiện chia cổ tức 21%

Hải quan thành lập tổ kiểm tra công vụ đột xuất

Rút ngắn thời gian, cắt giảm thủ tục trong đấu thầu

Đại hội cổ đông 2025: LPBank xác định tầm nhìn chiến lược trong kỷ nguyên số

TPBank – Uy tín vững chắc như 'vàng ròng' giữa biến động thị trường

Vì sao SHB ghi nhận tăng trưởng nhanh nhất về mức độ hài lòng của khách hàng?

Agribank trao giải chương trình tiết kiệm dự thưởng 'Xuân tích lũy - Quỹ đong đầy'

VietinBank Securities thăng hạng trong Top 500 Doanh nghiệp tăng trưởng nhanh nhất Việt Nam

Agribank – Điểm tựa vững vàng cho kinh tế tư nhân bứt phá

ĐHĐCĐ Vietcombank 2025 sẽ phát hành hơn 543 triệu cổ phiếu riêng lẻ, kiện toàn nhân sự cấp cao

Cổ tức nghìn tỷ, lợi nhuận kỷ lục - nhưng Techcombank chưa dừng lại!

MB lập ngân hàng con tại Lào, mở rộng ra châu Á

Bảo hiểm PVI đặt mục tiêu doanh thu tỷ USD năm 2025

SeABank tổ chức thành công Đại hội đồng cổ đông 2025

Sau 9 năm, Sacombank chia cổ tức cho cổ đông

Thị trường nội địa: 'Bệ đỡ' cho mục tiêu tăng trưởng 8%

Chiến lược 'chiêu mộ người Việt toàn cầu' của Techcombank: Dẫn dắt làn sóng trở về, kiến tạo hệ sinh thái 'make in Vietnam'