Ngân hàng Nhà nước quyết liệt, đồng bộ các giải pháp điều hành lãi suất, tỷ giá, vàng
Điều hành tăng trưởng tín dụng hiệu quả gắn với ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát
Ngày 23/5, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã có Văn bản số 4317/NHNN-VP về việc triển khai Chỉ thị 14/CT-TTg (Chỉ thị 14) của Thủ tướng Chính phủ. Theo đó, về nhiệm vụ chung, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước yêu cầu thủ trưởng các đơn vị trong toàn ngành ngân hàng phổ biến, quán triệt sâu sắc phương châm “5 tăng, 5 giảm, 5 tăng tốc, bứt phá” để cụ thể hóa thành các chương trình, kế hoạch, công việc triển khai cụ thể, phù hợp với đặc điểm hoạt động và chức năng, nhiệm vụ được giao của từng đơn vị; triển khai đầy đủ, hiệu quả các giải pháp, nhiệm vụ theo các Nghị quyết, Kết luận của Trung ương, Bộ Chính trị, các Nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ, các chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, lãnh đạo Chính phủ về điều hành chính sách tiền tệ, tín dụng, lãi suất, thị trường vàng…
This browser does not support the video element.
Về nhiệm vụ cụ thể, đối với các Vụ, Cục, đơn vị, Ngân hàng Nhà nước Trung ương, Thống đốc yêu cầu Vụ Chính sách tiền tệ đầu mối phối hợp với Vụ Dự báo, thống kê, các đơn vị liên quan tiếp tục theo dõi sát tình hình thế giới, trong nước để dự báo và điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, kịp thời, hiệu quả, nhất là điều hành hài hòa, hợp lý giữa lãi suất và tỷ giá. Điều hành tăng trưởng tín dụng hiệu quả gắn với ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, đảm bảo an toàn hoạt động ngân hàng và hệ thống các tổ chức tín dụng.
Ngành Ngân hàng sẽ tăng cường kiểm tra hoạt động kinh doanh vàng để kịp thời chấn chỉnh, xử lý các sai phạm |
Vụ Quản lý ngoại hối phải thường xuyên theo dõi, nắm bắt, tổng hợp tình hình thanh toán quốc tế, chuyển tiền ra nước ngoài, hoạt động kinh doanh vàng và các hoạt động ngoại hối khác để phân tích, đánh giá, đề xuất sửa đổi, bổ sung các quy định hiện hành và các giải pháp quản lý phù hợp. Tăng cường kiểm tra, đặc biệt là kiểm tra hoạt động kinh doanh vàng để kịp thời chấn chỉnh, xử lý các sai phạm và các vấn đề phát sinh…
Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng đầu mối phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức thực hiện Kế hoạch thanh tra năm 2024 đảm bảo đúng tiến độ và chất lượng yêu cầu; tiếp tục tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, kiểm soát và giám sát chặt chẽ tình hình hoạt động của các tổ chức tín dụng, đặc biệt là tình hình cấp tín dụng cho các doanh nghiệp cùng hệ sinh thái, lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro, xác định các giao dịch đáng ngờ..; thực hiện ngay công tác thanh tra đối với thị trường vàng, hoạt động của các doanh nghiệp kinh doanh vàng, các cửa hàng, đại lý phân phối và mua bán vàng miếng; kiện toàn hệ thống thanh tra, kiểm tra, đảm bảo thông suốt, gắn kết từ Trung ương đến địa phương, hiệu lực, hiệu quả…
Vụ Tín dụng các ngành kinh tế, chủ trì, phối hợp với đơn vị chức năng của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các bộ, ngành có liên quan đánh giá kết quả thực hiện và đề xuất sửa đổi, bổ sung Nghị định số 55/2022/NĐ-CP ngày 9/6/2015 và Nghị định số 116/2018/NĐ-CP ngày 7/9/2018 của Chính phủ về chính sách tín dụng phát triển nông nghiệp, nông thôn phù hợp với thực tế, đáp ứng yêu cầu phát triển nông nghiệp, nông thôn bền vững;
Triển khai các công việc liên quan để sớm thực hiện sửa đổi, bổ sung Thông tư 02/2023/TT-NHNN ngày 23/4/2023 về cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ; phối hợp với đơn vị chức năng của Bộ Xây dựng và các bộ, ngành liên quan trong quá trình xây dựng, đề xuất các giải pháp thiết thực, hiệu quả triển khai Đề án xây dựng một triệu căn nhà ở xã hội; triển khai quyết liệt, hiệu quả Nghị quyết số 33/NQ-CP ngày 11/3/2023;
Tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, thúc đẩy giải ngân gói tín dụng 120 nghìn tỷ đồng; tiếp tục đẩy mạnh triển khai các nhiệm vụ của ngành ngân hàng tại các chương trình mục tiêu quốc gia và đầu mối, phối hợp các đơn vị liên quan xây dựng kế hoạch triển khai chương trình công tác của lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước tại các địa phương về công tác tín dụng năm 2024 (nhất là các địa phương tăng trưởng tín dụng thấp); chỉ đạo đẩy mạnh triển khai kết nối ngân hàng - doanh nghiệp dưới các hình thức phù hợp…
Phấn đấu giảm mặt bằng lãi suất cho vay
Đối với các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, Thống đốc yêu cầu triển khai tích cực các giải pháp tăng trưởng tín dụng an toàn, hiệu quả, hướng tín dụng vào sản xuất, kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên và các động lực tăng trưởng; kiểm soát chặt chẽ tín dụng đối với các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro, đảm bảo an toàn, hiệu quả và kiểm soát rủi ro thanh khoản; tiếp tục tiết giảm chi phí, phấn đấu giảm mặt bằng lãi suất cho vay ở mức hợp lý; thực hiện nghiêm túc việc công bố công khai, minh bạch lãi suất cho vay bình quân để doanh nghiệp, người dân thuận lợi trong việc lựa chọn ngân hàng cho vay có lãi suất thấp, phù hợp với yêu cầu vốn tín dụng.
Ngân hàng Nhà nước yêu cầu các tổ chức tín dụng phấn đấu giảm mặt bằng lãi suất cho vay, hướng dòng vốn vào sản xuất, kinh doanh, các động lực tăng trưởng |
Dành thời gian, công sức tập trung rà soát, phân loại các dự án bất động sản để kịp thời có giải pháp tín dụng phù hợp theo quy định pháp luật đối với từng doanh nghiệp, từng dự án đủ điều kiện; có giải pháp tín dụng phù hợp đối với các dự án BOT, BT giao thông khả thi, hiệu quả, lĩnh vực xăng dầu; tiếp tục triển khai có hiệu quả các chương trình tín dụng chính sách...
Tăng cường cho vay phục vụ đời sống, tiêu dùng, đẩy mạnh triển khai cho vay qua các hình thức điện tử, trực tuyến. Đa dạng hoá sản phẩm, dịch vụ tín dụng ngân hàng phù hợp từng phân đoạn khách hàng và thị trường, loại hình, nhu cầu sản xuất, kinh doanh của người dân, doanh nghiệp, hợp tác xã, nhất là nhu cầu vay vốn chính đáng, hợp pháp phục vụ đời sống, tiêu dùng của người dân. Đẩy mạnh triển khai các chương trình, đề án, chính sách tín dụng; tích cực, chủ động triển khai có hiệu quả, thiết thực Chương trình kết nối ngân hàng - doanh nghiệp bằng các hình thức phù hợp.
Tiếp tục triển khai chính sách cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ theo Thông tư số 02/2023/TT-NHNN ngày 23/4/2023, đảm bảo kịp thời hỗ trợ doanh nghiệp và người vay vốn gặp khó khăn, đồng thời, không trục lợi, thất thoát, vi phạm pháp luật…
Đối với Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh, thành phố, Thống đốc yêu cầu chỉ đạo các tổ chức tín dụng trên địa bàn quán triệt, thực hiện nghiêm túc các chỉ đạo có liên quan của Thủ tướng Chính phủ tại Chỉ thị 14 và văn bản chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước. Báo cáo, tham mưu, đề xuất với lãnh đạo UBND tỉnh, thành phố chỉ đạo triển khai các nhiệm vụ về tiền tệ, ngân hàng trên địa bàn theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Chỉ thị 14.
Các chi nhánh phải thường xuyên theo dõi sát tình hình tăng trưởng tín dụng của các tổ chức tín dụng trên địa bàn để kịp thời tổng hợp, xử lý theo thẩm quyền và báo cáo Ngân hàng Nhà nước Trung ương những vấn đề vượt thẩm quyền; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát chặt chẽ hoạt động của các tổ chức tín dụng trên địa bàn để kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý kịp thời các hành vi vi phạm, đảm bảo hoạt động của các tổ chức tín dụng lành mạnh; phối hợp với chính quyền địa phương có giải pháp ngăn chặn tình trạng sở hữu chéo, tín dụng đen... trên địa bàn quản lý; chủ động phối hợp với các đơn vị thuộc Ngân hàng Nhà nước Trung ương, các cơ quan chức năng địa phương tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra thị trường vàng và các chủ thể tham gia thị trường vàng trên địa bàn theo quy định; tích cực tham gia và triển khai có hiệu quả, thiết thực các chương trình kết nối ngân hàng - doanh nghiệp bằng các hình thức phù hợp và chủ động xử lý các kiến nghị đối với hoạt động ngân hàng.