Năng suất lao động vẫn thấp
Năng suất lao động phản ánh năng lực tạo ra của cải, hiệu suất lao động cụ thể trong quá trình sản xuất, đo bằng số sản phẩm hay lượng giá trị tạo ra trong một đơn vị thời gian hay lượng thời gian lao động sử dụng để sản xuất ra một đơn vị sản phẩm.
Phát biểu tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho rằng, cải thiện và thúc đẩy tăng NSLĐ là 1 trong những vấn đề cốt lõi đối với nền kinh tế Việt Nam hiện nay. “Trong bối cảnh hội nhập quốc tế và cạnh tranh gay gắt, NSLĐ chính là yếu tố quyết định tới năng lực cạnh tranh của nền kinh tế và của từng doanh nghiệp. Nâng cao NSLĐ là vấn đề sống còn đối với tất cả các quốc gia đang phát triển, trong đó có Việt Nam vì nó đồng nghĩa với phát triển nhanh, bền vững, thoát khỏi bẫy thu nhập trung bình và đuổi kịp các quốc gia trong khu vực” - Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh.
Trong thời gian qua, NSLĐ của Việt Nam tiếp tục cải thiện đáng kể theo hướng tăng đều qua các năm, là quốc gia có tốc độ tăng NSLĐ cao trong khu vực ASEAN. Tính chung giai đoạn 2008 - 2017, năng suất lao động theo sức mua tương đương năm 2011 (PPP 2011) của Việt Nam tăng trung bình 4%/năm, cao hơn so với Singapore tăng 0,9%/năm; Malaysia (1,1%/năm); Thái Lan (2,6%/năm); Philippines (3,3%/năm); Indonesia (3,4%/năm).
Tuy nhiên, mức NSLĐ của Việt Nam hiện nay vẫn rất thấp so với các nước trong khu vực. Cụ thể, tính theo PPP 2011, NSLĐ của Việt Nam năm 2017 đạt 10.232 USD, chỉ bằng 7,2% của Singapore; 18,4% của Malaysia; 36,2% của Thái Lan; 43% của Indonesia và bằng 55% của Philippines. Đáng chú ý là chênh lệch về mức NSLĐ giữa Việt Nam với các nước vẫn tiếp tục gia tăng.
Trong khi đó, NSLĐ Việt Nam lại có sự khác biệt nhất định giữa các ngành kinh tế. Số liệu thống kê cho thấy, ngành khai khoáng có NSLĐ cao nhất, do đây là ngành có tính đặc thù, giá trị sản phẩm khoáng bao gồm cả giá trị tài nguyên thiên nhiên, tiếp đến là ngành sản xuất, phân phối điện, ga, nước nóng, khí đốt; hoạt động kinh doanh bất động sản; tài chính, ngân hàng, bảo hiểm… Các ngành xây dựng; công nghiệp chế biến, chế tạo; vận tải, kho bãi; bán buôn, bán lẻ; dịch vụ lưu trú ăn uống nhìn chung NSLĐ thấp. Nông, lâm nghiệp và thủy sản là ngành có NSLĐ thấp nhất trong các ngành kinh tế.
Ông Nguyễn Bích Lâm – Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) – đánh giá, quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động của Việt Nam trong những năm qua là một thành tựu đáng ghi nhận, nhưng chưa đủ để thu hẹp khoảng cách tuyệt đối về giá trị NSLĐ so với các nước trong khu vực do xuất phát điểm NSLĐ của Việt Nam thấp.
“Rõ ràng, chất lượng lao động thấp, cơ cấu lao động lạc hậu là 1 trong những nguyên nhân chính dẫn đến NSLĐ quốc gia còn thấp; trình độ lao động thấp sẽ rất khó dịch chuyển sang các ngành nghề có giá trị gia tăng cao để tăng NSLĐ” - đại diện Bộ Khoa học và Công nghệ lý giải thêm về nguyên nhân khiến mức NSLĐ của Việt Nam thấp hơn so với các nước trong khu vực.
Tuy nhiên, theo đại diện của Tổ chức UNDP, không phải ngành nào của Việt Nam NSLĐ cũng thấp mà tùy từng ngành. Hiện nay, Việt Nam đang bị tắc trong giai đoạn gia công cuối cùng, khiến cho NSLĐ thấp.
Phát động phong trào tăng năng suất
NSLĐ và việc làm là các yếu tố tác động đến tăng trưởng GDP. Tăng trưởng GDP dựa trên tăng việc làm giản đơn, không có trình độ công nghệ và tay nghề thường không cao và thiếu bền vững, trong khi tăng trưởng GDP theo hướng tăng NSLĐ tuy là 1 thách thức nhưng đầy tiềm năng để tạo ra tăng trưởng cao, bền vững và nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế.
Do đó, để thu hẹp về NSLĐ so với các nước, ông Nguyễn Bích Lâm cho rằng, Việt Nam cần phải nâng cao NSLĐ trong khu vực doanh nghiệp, tức là tăng năng suất nội ngành, thay vì tăng năng suất qua chuyển dịch cơ cấu lao động.
Ngoài ra, muốn tăng NSLĐ để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, thay vì kinh tế tăng trưởng phụ thuộc vào thâm dụng lao động, vốn, tài nguyên, trước mắt, Chính phủ sớm thành lập Ủy ban Năng suất Quốc gia, trong đó thiết lập một cơ quan thường trực, chuyên sâu về NSLĐ có nhiệm vụ phối hợp các động lực tăng năng suất quốc gia của Việt Nam như Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore… đã thực hiện. Bên cạnh đó, xây dựng và thực hiện thành công Chiến lược quốc gia về nâng cao NSLĐ với mục tiêu chung và cụ thể trong từng giai đoạn; phát động phong trào tăng năng suất trong tất cả các khu vực của nền kinh tế, trong đó chọn một số lĩnh vực sử dụng nhiều lao động như may mặc, sản xuất máy móc thiết bị, điện tử… và một số địa phương thực hiện thí điểm, từ đó nhân rộng ra toàn bộ nền kinh tế.
Đồng quan điểm, Đại sứ Nhật Bản tại Việt Nam Umeda Kunio cũng cho rằng, cần tuyên bố khởi xướng phong trào năng suất quốc gia. Bên cạnh đó, thành lập cơ quan thực thi hiệu quả, thiết lập mục tiêu năng suất và giám sát mục tiêu. Đặc biệt phải có chiến dịch nâng cao nhận thức về năng suất, sử dụng công cụ nâng cao năng suất…
Còn theo ông Đào Hữu Huyền - Chủ tịch Hội đồng quản trị, Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Tập đoàn Hóa chất Đức Giang - cho rằng, công nghệ và xây dựng thể chế chính là yếu tố cốt lõi tăng cao NSLĐ.
Còn đại diện Tập đoàn Viettel cho rằng, ngoài những yếu tố ứng dụng khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo, thì việc then chốt chính là cần phải quy hoạch lại ngành nghề, hợp với công nghệ thông tin, phần mềm, công nghệ sinh học, dịch vụ.
“Phải thúc đẩy cải cách thể chế để làm sao nguồn lực phải dồn chảy vào những khu vực có khả năng hiệu quả nhất. Thứ hai là tiếp tục thúc đẩy quá trình chuyển đổi cơ cấu kinh tế sang công nghiệp và dịch vụ. Chỉ có như thế mới nâng cao năng suất” - ông Vũ Tiến Lộc - Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam - nhấn mạnh thêm.