Thứ tư 13/11/2024 08:00

​​​​​​​Nắng nóng kéo dài: Hồ thuỷ điện lớn nhất Bắc miền Trung thiếu nước kỷ lục

Nắng nóng gay gắt, mưa ít khiến mực nước ở hồ thủy điện Bản Vẽ có thời điểm khô cạn, ảnh hưởng lớn đến việc vận hành, cung cấp điện và sinh kế của người dân.

Thủy điện Bản Vẽ được xây dựng trên sông Nậm Nơn (tỉnh Nghệ An). Đập chính ngăn sông đặt tại bản Vẽ, xã Yên Na, huyện Tương Dương. Từ thiết kế đập thuỷ điện đã hình thành hồ Bản Vẽ, diện tích mặt nước 8.700 km2, với dung tích 1,8 tỷ m3. Thủy điện lớn nhất Bắc miền Trung này với 2 tổ máy vận hành có công suất là 320MW, sản lượng điện hàng năm 1.084 triệu KWh.

Toàn cảnh vùng hạ lưu đập thuỷ điện Bản Vẽ nhìn từ trên cao

Trung tuần tháng 6, ghi nhận tại Nhà máy thủy điện Bản Vẽ, mực nước đã xuống rất thấp, theo người dân cho biết, mực nước trong hồ đã giảm sâu nhất từ trước đến nay.

Thời điểm này huyện Tương Dương, tỉnh Nghệ An nắng chói chang, nhiệt độ ngoài trời lên tới trên 40 độ C (nơi đây được ví chảo lửa Đông Dương). Từ đỉnh đập có thể thấy rõ mực nước hồ thủy điện Bản Vẽ xuống thấp hơn rất nhiều so với vạch mực nước dâng bình thường cho phép.

Những ngày qua, lượng nước về các hồ chứa thuỷ điện Bản Vẽ có tăng

Do hạn hán, mực nước lòng hồ thủy điện Bản Vẽ đã xuống mức báo động. Theo thông tin từ Công ty Thuỷ điện Bản Vẽ, vào đầu tháng 6 mực nước trong lòng hồ chỉ cao hơn mực nước chết tầm hơn 1m. Đây là mực nước thấp nhất từ khi vận hành nhà máy.

Trao đổi với phóng viên báo Công Thương, ông Tạ Hữu Hùng - Giám đốc Công ty Thủy điện Bản Vẽ cho biết: “Các năm trước nắng nóng muộn hơn, đỉnh điểm thường rơi vào đầu tháng 7, nhưng năm nay thời tiết thay đổi nắng nóng sớm, mưa ít, dẫn đến nước về hồ kém từ cuối tháng 5 đến nay. Dự báo tháng tiếp theo vẫn rất vất vả…”.

Nước hồ khô cạn đã lộ rừng cây chết đứng sau khi hồ thuỷ điện Bản Vẽ tích nước. Bà con bản địa cho rằng, ít khi nào nhìn thấy cảnh tượng như thế này

Theo người dân xã Hữu Khuông, khô hạn kéo dài đã khiến lòng hồ sông Nậm Nơn tại khu vực này cạn trơ sỏi đá khiến cho việc di chuyển đường thủy gặp rất nhiều khó khăn.

Mặt nước hồ thủy điện Bản Vẽ là tuyến đường thuỷ hàng ngày vận chuyển người và hàng hoá ra vào địa bàn một số xã phía trong lòng hồ, vì vậy những thân cây to cao thường bị tàu thuyền va quệt, tiềm ẩn rủi ro. Do đó, khi mực nước hồ xuống thấp, Công ty Thuỷ điện Bản Vẽ đã huy động nhân lực chặt hạ những thân cây cao, để khi mực nước lên cao, tàu thuyền đi lại thuận lợi hơn.

Nước hồ cạn, hàng loạt chiếc thuyền vận chuyển khách trên lòng hồ thuỷ điện Bản Vẽ đậu im lìm tại bến

Được biết, vừa qua Công ty Thuỷ điện Bản Vẽ đã hỗ trợ các xã vùng trong lòng hồ thuỷ điện 30 triệu đồng để mua ván làm cầu cho bà con lên xuống bến và hỗ trợ nhiều đèn pin, dép rọ... cho bà con đi lại vào thời điểm mực nước xuống thấp.

Tại khu vực bến thượng nguồn của hồ Thuỷ điện Bản Vẽ, do mực nước xuống sâu đã tạo dốc đứng, gây khó khăn cho người dân lên xuống và vận chuyển hàng hoá.

Theo người dân địa phương, hiếm khi lòng hồ thuỷ điện lại trơ đáy, người dân đi bộ trong lòng hồ như hiện nay

Ngược đập thủy điện Bản Vẽ chừng 25km, đi theo lòng hồ tới xã Hữu Khuông - điểm cuối của hồ thủy điện Bản Vẽ. Lòng hồ thủy điện Bản Vẽ ở khu vực này cũng đang cạn trơ đáy. Nguyên nhân chính là do tình trạng hạn hán kéo dài, mực nước tại nhà máy thủy điện Bản Vẽ đang ở gần mực nước chết.

Bà Vi Thị May - người dân nuôi cá trên lòng hồ thuỷ điện Bản Vẽ cho biết, những năm trước lòng hồ có rút nước nhưng không cạn như bây giờ, năm nay thì cạn khô, ở điểm cuối xã Hữu Khuông người dân có thể đi bộ qua lòng hồ.

Cả một khu vực lòng hồ rộng lớn đang trong tình trạng cạn trơ đáy

Do mực nước xuống sâu đã ảnh hưởng đến cuộc sống của gia đình, nhất là việc 5 lồng nuôi cá gặp khó khăn... Lòng hồ cạn ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống mưu sinh của người dân nơi đây " - bà May cho biết.

Hiện tại lưu lượng nước về các hồ tăng so với mấy ngày trước nhưng vẫn rất thấp. Các hồ chứa khu vực Bắc Trung bộ vượt qua mực nước chết, nhưng vẫn xấp xỉ mực nước chết; lượng nước về hồ chủ yếu để điều tiết nước đảm bảo dòng chảy tối thiểu.

Do ảnh hưởng nắng nóng, ít mưa đã khiến mực nước vùng lòng hồ thủy điện Bản Vẽ có thời điểm khô cạn

Anh Phạm Bá Hạnh - Trưởng ca vận hành của thuỷ điện Bản Vẽ cho biết, do mực nước xuống thấp, nên hiện nay mỗi tổ máy chỉ hoạt động đạt công suất hơn 50% so với thiết kế.

Có thời điểm cao điểm nắng nóng, các tổ máy nếu chạy thì cũng rất hạn chế vì hồ đã ở gần mực nước chết" - anh Hạnh nói và cho biết nhà máy đang vận hành linh hoạt với mục tiêu luôn sẵn sàng đáp ứng được hệ thống điện quốc gia.

Tại khu vực trung tâm vận hành của Nhà máy thủy điện Bản vẽ, các kỹ sư đang căng mình túc trực, theo dõi hệ thống vận hành

Ông Hoàng Văn Ngọc - Phó Giám đốc Công ty Thuỷ điện Bản Vẽ cho biết: Khi hồ chứa về mực nước chết 155m thì Nhà máy thủy điện Bản Vẽ chỉ được phát điện với lưu lượng xả bằng lưu lượng về. Theo đó, lưu lượng nước về hồ hiện nay đạt trên 100 m3/giây.

Theo quy định, chỉ trường hợp đặc biệt do phải đáp ứng an ninh năng lượng, hoặc cung cấp nước tưới cho vùng hạ du thì mới tiếp tục khai thác hồ dưới mực nước chết, nhưng công suất điện thấp. Tuy nhiên, lúc này chỉ hoạt động 1 tổ máy, còn 1 tổ máy phải dừng, bởi nếu hoạt động cả 2 tổ máy vào thời điểm mực nước chết là ảnh hưởng xấu đến thiết bị.

Người dân xã Hữu Khuông đi bộ giữa lòng hồ thủy điện Bản Vẽ

Vì vậy, trong nửa cuối tháng 6 và hết mùa khô, nếu thời tiết tiếp tục nắng nóng cực đoan thì sẽ xảy ra hiện tượng thiếu nước cấp cho hạ du và nguy cơ không đáp ứng đủ điện lên hệ thống.

Đầu tháng 6 này, có thời điểm lưu lượng nước đổ về hồ chỉ đạt 35 m3/giây, thấp nhất từ khi nhà máy đi vào vận hành đến nay. Tuy nhiên, mấy ngày nay vùng thượng lưu có mưa, nên nguồn nước vào có cải thiện hơn. Song thời tiết đang khó lường, nếu nắng nóng tiếp tục kéo dài thì việc vận hành các tổ điện sẽ gặp khó khăn”- ông Ngọc nói và cho biết dự báo khô hạn còn kéo dài tới hết tháng 6.

Người dân ở xã Hữu Khuông đi giữa lòng hồ, hạn hán kéo dài khiến lòng hồ nứt nẻ trơ đáy

Ông Lô Văn Giáp - Chủ tịch UBND xã Hữu Khuông (huyện Tương Dương) cho hay: Do mực nước lòng hồ thuỷ điện Bản Vẽ rút sâu, nên quãng đường từ bản ra bến thuyền dài hơn 1km, cùng đó là bùn lầy, khiến việc đi lại của người dân khó khăn, vất vả (trước đây khi mực nước đang đầy, quãng đường này chỉ có hơn 100m). Đó là nguyên nhân khiến bà con ít ra bến đi đường thuỷ, trừ trường hợp đặc biệt cần phải đi.

Còn tại Nhà máy thuỷ điện Hủa Na (huyện Quế Phong) tình trạng mực nước trong lòng hồ mặc dù đã có cải thiện hơn cách đây nửa tháng, nhưng việc vận hành vẫn đang khó khăn.

Lòng hồ thuỷ điện Hủa Na ngày 16/6 cách mực nước chết 4m

Ông Đoàn Văn Trường - Phó Giám đốc Công ty Thuỷ điện Hủa Na cho biết: Vào cuối tháng 5 vừa qua, nước trong lòng hồ đã xuống đến mực nước chết. Lúc đó, cả 2 tổ máy vẫn hoạt động, nhưng công suất chỉ đạt tối thiểu 70/90 MW/tổ máy.

"Những ngày này lưu lượng nước trên dòng sông Chu đổ vào lòng hồ đã có cải thiện hơn với 150 m3/giây, do đó tính đến sáng nay (ngày 16/6), mực nước lòng hồ là 49m3, cao trình nước là 219m, cao hơn mực nước chết 4m (mực mước chết là 215m) nhưng vẫn thấp hơn nhiều so với cùng kỳ năm trước. Mặc dù vậy, nhà máy vẫn phải hoạt động với mức công suất tối thiểu, nhằm cung cấp nguồn cho lưới điện", ông Trường cho hay.

Hoàng Trinh - Việt Phương
Bài viết cùng chủ đề: Nghệ An

Tin cùng chuyên mục

Giải bài toán lãng phí từ dự án lưới điện - Bài 1: Hàng loạt dự án cấp bách chậm tiến độ

Tòa nhà Bảo tàng Hà Nội: Tiết kiệm năng lượng nhờ thiết kế xanh

Thừa Thiên Huế: Đâu là nguyên nhân khiến sản xuất điện giảm trong 10 tháng đầu năm?

Chính sách năng lượng Mỹ: Chuyển đổi lớn dưới thời ông Donald Trump?

Sản lượng điện sản xuất và nhập khẩu tháng 10 tăng 7%

PC Đắk Lắk: Tăng cường tuyên truyền an toàn điện trong thời điểm giá nông sản tăng cao

Cách tính hóa đơn tiền điện trong tháng điều chỉnh giá như thế nào tại 21 tỉnh thành phía Nam?

Nhà máy Thủy điện Hòa Bình mở rộng: Vượt kế hoạch tiến độ tháng 10/2024

Hải Dương: Chấp thuận dự án truyền tải điện tổng mức đầu tư hơn 783 tỷ đồng

Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên nêu những nhiệm vụ trọng tâm để gỡ vướng cho các dự án lưới điện

Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên chủ trì họp trực tuyến về các dự án lưới điện

Sửa đổi Luật Quy hoạch và Luật Đầu tư: Động lực mới cho ngành điện Việt Nam

EVNCPC chủ động ứng phó với mưa lớn khu vực miền Trung

Tổng giám đốc EVNCPC kiểm tra công tác khắc phục hậu quả của bão số 6 tại PC Quảng Bình

EVN đề xuất triển khai thí điểm giá điện hai thành phần

Phổ biến Nghị định khuyến khích phát triển điện mặt trời mái nhà tự sản xuất, tự tiêu thụ

Ngành điện miền Nam đưa vào vận hành loạt công trình điện trọng điểm

Nghiên cứu cơ chế giá điện khuyến khích khách hàng điều chỉnh phụ tải điện

Bất chấp các lệnh trừng phạt Nga vẫn ‘bơm’ khí đốt cho châu Âu

Hoàn thiện công trình lưới điện trung hạ áp khu vực Chư Prông, Gia Lai