Nâng hiệu quả xuất khẩu lao động
Để nâng chất lượng hoạt động đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài, Bộ LĐ-TB&XH sẽ thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ. Theo đó, Bộ sẽ xây dựng những quy định và điều kiện chặt chẽ hơn nữa để chỉ những doanh nghiệp thực sự đáp ứng đủ và bảo đảm duy trì các điều kiện theo quy định của pháp luật mới được tham gia hoạt động đưa người đi làm việc ở nước ngoài.
Đặc biệt, Luật Người lao động Việt Nam làm việc ở nước ngoài sẽ được sửa đổi theo hướng: Quy định cấp giấy phép có thời hạn 3- 5 năm, hết thời hạn đó mà doanh nghiệp không đáp ứng đủ yêu cầu sẽ không được cấp lại giấy phép; cho phép tạo nguồn lao động để chuẩn bị cung ứng cho hợp đồng do những quy định về tuyển chọn lao động như hiện nay có thể khiến doanh nghiệp bỏ lỡ hợp đồng không có nguồn lao động sẵn để đối tác tuyển.
Để minh bạch hóa các thủ tục triển khai, Bộ đã chỉ đạo Cục Quản lý lao động ngoài nước triển khai áp dụng việc đăng ký hợp đồng trực tuyến từ ngày 1/1/2017. Trong 6 tháng đầu năm 2017, các doanh nghiệp được lựa chọn song song 2 hình thức, từ ngày 1/7/2017 toàn bộ hoạt động đăng ký hợp đồng cung ứng sẽ được thực hiện trực tuyến, kết quả được thông báo trước trên mạng và gửi trực tiếp cho doanh nghiệp.
Trong thời gian tới, Bộ cũng sẽ xử lý nghiêm các doanh nghiệp dịch vụ có vi phạm quy định của pháp luật và các doanh nghiệp hoạt động kém hiệu quả. Trong năm 2017, các cuộc thanh tra chuyên đề sẽ tập trung vào tổ chức bộ máy hoạt động của doanh nghiệp, công tác tuyển chọn, bồi dưỡng kiến thức cần thiết và công tác thu phí.
Bộ trưởng Bộ LĐ- TB&XH Đào Ngọc Dung khẳng định: Thời gian tới, Bộ sẽ trình Chính phủ xem xét 2 đề án về đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng và đề án về đưa lao động có trình độ cao đi xuất khẩu lao động. Đồng thời khẩn trương tháo gỡ những vướng mắc về thủ tục cho doanh nghiệp xuất khẩu lao động, kiên quyết loại bỏ các thủ tục rườm rà hay “giấy phép con”.