Thứ hai 23/12/2024 18:03

Nâng cao hiệu quả hoạt động của tổ chức xã hội tham gia bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng

Bộ Công Thương được Chính phủ giao nhiệm vụ sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Trao đổi với phóng viên Báo Công Thương, ông Nguyễn Mạnh Hùng, Chủ tịch Hội Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam cho rằng: Việc hoàn thiện hành lang pháp lý này sẽ giúp các tổ chức xã hội có căn cứ và thực hiện tốt hơn nữa công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

Thưa ông, sau 10 năm (2011-2021) thực thi, các quy định tại Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và các văn bản hướng dẫn Luật, đã góp phần thay đổi mạnh mẽ, đồng thời, kiến tạo các khung khổ, nền tảng cơ bản vững chắc để tạo dựng sự phát triển của công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng tại Việt Nam. Ông có chia sẻ gì về kết quả đã đạt được trong thời gian qua?

Có thể nói, từ khi Quốc hội thông qua Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và sau 10 năm thực hiện, công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng Việt Nam đã có bước phát triển. Hệ thống văn bản pháp luật, từ cấp cao nhất là Luật đến các văn bản dưới luật, như Nghị định, Chỉ thị, Thông tư, đã được Nhà nước ban hành, tạo cơ sở pháp lý cho công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật được các cấp, các ngành, các tổ chức chính trị, tổ chức xã hội, cơ quan thông tấn báo chí thực hiện thường xuyên, bằng những hình thức phong phú, đa dạng, đã góp phần nâng cao nhận thức của xã hội về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Hệ thống cơ quan quản lý Nhà nước về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng từ Trung ương tới địa phương đã được hình thành và phát huy vai trò.

Tổ chức xã hội tham gia công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng đã phát triển, tích cực hoạt động, phát huy chức năng, nhiệm vụ, dần khẳng định vai trò là cầu nối giữa người tiêu dùng với cơ quan quản lý nhà nước và cộng đồng doanh nghiệp. Từ nhận thức được nâng lên, nhìn chung, cộng đồng doanh nghiệp đã có những chuyển biến cụ thể trong việc thực hiện các trách nhiệm bảo đảm quyền lợi người tiêu dùng. Công tác hội nhập quốc tế trong lĩnh vực bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng được đẩy mạnh hơn.

Những kết quả đạt được là rất khả quan, tuy nhiên, hiện bối cảnh trong nước và quốc tế đang có nhiều thay đổi, quá trình hội nhập quốc tế của Việt Nam ngày càng sâu rộng. Cùng với đó là hình thức kinh doanh, giao dịch trên môi trường điện tử đã đặt ra thách thức gì cho công tác bảo vệ người tiêu dùng, thưa ông?

Hội nhập là xu thế tất yếu. Từ khi hội nhập, đất nước ta đã thu được nhiều thành tựu. Tuy nhiên, cũng phải đối mặt với nhiều thách thức. Đối với người tiêu dùng cũng vậy. Hội nhập giúp người tiêu dùng có cơ hội tiếp cận và đáp ứng nhu cầu về hàng hóa, dịch vụ phong phú, đa dạng, chất lượng cao. Tuy nhiên, để thích ứng và hấp thụ được những sản phẩm của thời đại 4.0 là một thách thức với người tiêu dùng. Trên nền tảng công nghệ số, người tiêu dùng dễ dàng tiếp cận với giao dịch thương mại xuyên biên giới. Nhưng cũng phải đối mặt với những rủi ro khi chưa có kinh nghiệm sử dụng các phương thức kinh doanh mới. Bán hàng đa cấp là một ví dụ. Tuy đây là hình thức kinh doanh không còn mới mẻ gì ở Việt Nam, nhưng nhiều người vẫn “sập bẫy” vì đa cấp biến tướng.

Ông Nguyễn Mạnh Hùng, Chủ tịch Hội Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam

Với tính năng ưu việt, nhất là trong bối cảnh dịch Covid-19, số người sử dụng Internet tham gia mua sắm trực tuyến đã tăng từ 77% trong năm 2019 lên 88% trong năm 2020. Tuy nhiên, nhiều người tiêu dùng đã bị thiệt hại do những hành vi lợi dụng giao dịch trên không gian ảo để lừa dối, trục lợi.

Công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng đã đạt được một số kết quả bước đầu quan trọng, nhưng quyền lợi người tiêu dùng vẫn bị xâm phạm nghiêm trọng. Ngoài nguyên nhân chủ quan trong công tác thực thi pháp luật là chủ yếu, tôi nghĩ rằng, việc thi hành pháp luật về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng cũng phát sinh những vướng mắc, khó khăn, bất cập. Ngoài nguyên nhân chủ quan, những khó khăn vướng mắc từ cơ chế chính sách cũng hạn chế sự phát triển cũng như phát huy tác dụng của tổ chức xã hội tham gia bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Đến nay vẫn còn 9 tỉnh, thành phố chưa có tổ chức xã hội tham gia bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Có hai tỉnh đã thành lập và đi vào hoạt động, nhưng do khó khăn nhiều mặt, trong đó có vấn đề kinh phí, đã phải xin giải thể.

Bên cạnh đó, có một nghịch lý là Hội bảo vệ người tiêu dùng được giao trách nhiệm, nhưng không được giao quyền hạn cũng như nguồn lực để thực hiện. Chính vì vậy, cho đến nay, trong 7 nội dung tham gia bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng của tổ chức xã hội theo khoản 1, điều 28 của Luật, còn một số nội dung rất khó thực hiện. Chẳng hạn, Luật quy định “Đại diện người tiêu dùng khởi kiện hoặc tự mình khởi kiện vì lợi ích công cộng”. Tuy nhiên, vấn đề là ở chỗ kinh phí để thực hiện. Như kinh phí điều tra, thu thập, giám định chứng cứ, thuê luật sư, bồi thường trong trường hợp thua kiện vv...

Hay, theo khoản 3, điều 25, Nghị định 99, khi tự mình khởi kiện vụ án bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng vì lợi ích công cộng, tổ chức xã hội tham gia bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng có nghĩa vụ chịu các chi phí phát sinh trong quá trình khởi kiện. Tuy nhiên, Hội là tổ chức phi lợi nhuận, không được ngân sách hỗ trợ, vì vậy không có nguồn kinh phí. Nếu thắng kiện thì tiền bồi thường cũng không thuộc về Hội…

Với các quy định không còn phù hợp như ông vừa chia sẻ thì các cơ quan quản lý nhà nước cần làm gì để giúp các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp cũng như Hội Bảo vệ người tiêu dùng tại các địa phương có căn cứ và thực hiện tốt hơn nữa công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng?

Vừa qua, Chính phủ đã phê duyệt Chương trình phát triển các hoạt động bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng giai đoạn 2021-2025 với đa dạng các hoạt động hướng tới người tiêu dùng. Bên cạnh đó, Bộ Công Thương cũng đang tiến hành xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng nhằm đáp ứng yêu cầu của thực tiễn.

Trước những bước đi này của các cơ quan quản lý nhà nước, có lẽ không riêng gì tôi, Hội Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam cùng những người tiêu dùng có quan tâm đều rất kỳ vọng vào những chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước đã đưa ra.

Trên đây tôi cũng mới nêu ra một số khó khăn, vướng mắc. Nhiều nội dung khác và những kiến nghị Hội cũng đã nêu cụ thể trong báo cáo gửi Bộ Công Thương. Với nhiệm vụ được Chính phủ giao chủ trì, phối hợp với các cơ quan có liên quan tổng kết, đánh giá thực thi, đề xuất việc sửa đổi, bổ sung Luật, Bộ Công Thương sẽ xem xét. Việc hoàn thiện hành lang pháp lý sẽ giúp cho các tổ chức xã hội như Hội Bảo vệ người tiêu dùng tại các địa phương có căn cứ và thực hiện tốt hơn nữa công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Chúng tôi tin tưởng và hy vọng rằng những chủ trương, chính sách đó sẽ sớm được thực hiện và đi vào cuộc sống.

Xin cảm ơn ông!

Hoàng Lan (ghi)
Bài viết cùng chủ đề: Bộ Công Thương

Tin cùng chuyên mục

Doanh nghiệp Việt cần nâng cao nhận thức về hành vi hạn chế cạnh tranh

Vi phạm pháp luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, 3 doanh nghiệp bảo hiểm bị phạt 315 triệu đồng

Giám sát chương trình triệu hồi hơn 40 xe Honda Gold Wing GL1800 lỗi kỹ thuật

Audi Việt Nam triệu hồi 316 xe Audi Q5 vì lỗi túi khí trên vô lăng

Tích cực tuyên truyền, phổ biến kiến thức pháp luật về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng

Cắt giảm, đơn giản hóa quy định kinh doanh để môi trường cạnh tranh công bằng

3 doanh nghiệp điện tử bị xử phạt 600 triệu đồng vì quảng cáo ‘lố’

Đa cấp Sen Việt Group chấm dứt hoạt động, rút tiền ký quỹ

Tăng trách nhiệm của sàn thương mại điện tử trong ngăn chặn hàng giả, hàng lậu

Giám sát chương trình triệu hồi gần 2.700 xe Honda CR-V e:HEV RS để thay thế bơm nhiên liệu cao áp

Bột ngọt Meizan từng bước khẳng định vị thế trên thị trường

Người tiêu dùng Việt sẽ tăng chi tiêu trong năm 2025?

Temu đối mặt với cuộc điều tra thứ hai của EU vì vi phạm luật bảo vệ người tiêu dùng

Cục An toàn thông tin: Người dân thận trọng xác minh website thương mại điện tử trước khi thanh toán

Xuất hiện tình trạng lừa đảo, mạo danh sàn thương mại điện tử Amazon

Honda Việt Nam triệu hồi hơn 11.000 xe CR-V, CIVIC, CIVIC Type-R vì lỗi hệ thống lái

Home Credit mở rộng Home PayLater trên siêu ứng dụng BE, người dùng có thêm phương thức “Mua trước, trả sau”

WinCommerce đã có lãi ròng sau thuế dương trong quý 3 năm 2024

Giải pháp nâng cao chất lượng nguồn nhân lực bán hàng đa cấp

Tăng cường điều tra và xử lý vụ việc thỏa thuận hạn chế cạnh tranh