Nâng cao hiệu quả công tác đưa người lao động, chuyên gia đi làm việc ở nước ngoài
Số liệu thống kê của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội cho thấy, số lượng người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài đã tăng lên đáng kể qua các năm, từ vài nghìn người những năm đầu 1990, đến vài chục nghìn những năm tiếp theo, và đến năm 2019 thì con số này đã tăng lên 152 nghìn người.
Ông Trần Tuấn Anh - Trưởng Ban Kinh tế Trung ương, Trưởng Ban Chỉ đạo phát biểu tại cuộc họp |
Hoạt động đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài luôn nhận được sự quan tâm, chỉ đạo sát sao của Chính phủ; sự phối hợp của các bộ, ngành, chính quyền địa phương các cấp. Cùng với đó, doanh nghiệp hoạt động dịch vụ đưa lao động đi làm việc ngày càng tăng cả về lượng và chất, đóng góp quan trọng vào kết quả đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài.
Tuy nhiên, đại dịch Covid-19 bùng phát năm 2020 đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến mọi hoạt động kinh tế - xã hội, trong đó có lĩnh vực người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài. Do vậy, năm 2020, số lao động đi làm việc nước ngoài chỉ còn 78 nghìn người; năm 2021 là 45 nghìn người.
Trong một số kết quả nghiên cứu về hoạt động đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài cho thấy, không chỉ góp phần vào công tác giải quyết việc làm, giảm sức ép về tạo việc làm cho người lao động trong nước (chiếm tỷ lệ 7 - 9% số lượng lao động được giải quyết việc làm và tạo việc làm hàng năm của cả nước), mà còn nâng cao đời sống của người lao động.
Ngoài ra, người lao động đi làm việc ở nước ngoài còn nâng cao trình độ kỹ năng nghề, tiếp thu kiến thức, ngoại ngữ và tác phong làm việc tiên tiến từ nước ngoài, trở thành nguồn nhân lực quan trọng cho công cuộc xây dựng đất nước trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
Mặc dù vậy, công tác đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài thời gian qua còn bộc lộ những hạn chế như: Sự phối hợp giữa doanh nghiệp hoạt động đưa lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài với các cấp chính quyền địa phương chưa chặt chẽ; một số doanh nghiệp có chức năng đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng chưa thực hiện đúng và đầy đủ các quy định của Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng…
Để nâng cao hiệu quả việc đưa người lao động, chuyên gia Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài, phát biểu tại cuộc họp Ban Chỉ đạo Trung ương Tổng kết 10 năm thực hiện Chỉ thị số 16-CT/TW của Ban Bí thư khóa XI “về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác đưa người lao động và chuyên gia Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài”, diễn ra vào chiều ngày 14/4, ông Trần Tuấn Anh - Trưởng Ban Kinh tế Trung ương, Trưởng Ban Chỉ đạo - nhấn mạnh: Chỉ thị số 16 được ban hành nhấn mạnh mục tiêu bao trùm, đó là, trong xu thế toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế sâu rộng, nhu cầu tiếp nhận lao động của các nước rất lớn, là cơ hội để đẩy nhanh và nâng cao hiệu quả việc đưa người lao động, chuyên gia Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài nhằm giải quyết việc làm, tạo thu nhập, phân công lại lao động, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế.
Chỉ thị nêu rõ nhiệm vụ, giải pháp nhằm nâng cao nhận thức, vai trò, trách nhiệm trong lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy Đảng đối với chính quyền các cấp, tổ chức, doanh nghiệp, người dân về sự cần thiết của công tác đưa người lao động và chuyên gia Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài; tăng cường công tác thông tin tuyên truyền, phổ biến chính sách, pháp luật; nâng cao chất lượng đào tạo cho người lao động và chuyên gia đi làm việc ở nước ngoài; điều chỉnh lại một số quy định, chính sách chưa phù hợp với pháp luật và thông lệ quốc tế; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm đã góp phần mở rộng thị trường lao động ngoài nước, tạo thêm nhiều việc làm cho người lao động...
Ông Trần Tuấn Anh nhấn mạnh, trong điều kiện tình hình trong nước và thế giới có nhiều thay đổi, cần tiếp tục tổ chức thực hiện có hiệu quả các chủ trương, Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng về Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021-2030 của Đảng, trong đó đối với những vấn đề liên quan đến lao động ngoài nước.