Thủ tướng mong lao động Việt Nam tại Nhật bắt kịp trình độ hiện đại trong những ngành mũi nhọn Chặn hành vi trục lợi từ hoạt động đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài |
Tại buổi làm việc mới đây giữa lãnh đạo Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội với Chủ tịch Hiệp hội Nagomi (Hiệp hội toàn quốc của Nhật Bản về hỗ trợ cùng phát triển nhân lực nước ngoài), Cố vấn cao cấp Liên minh nghị sĩ hữu nghị Nhật - Việt - ông Takebe Tsutomu, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội đề xuất Nhật Bản mở rộng tiếp nhận lao động kỹ năng đặc định với nhóm ngành nghề nhà hàng và sản xuất, chế biến thực phẩm mà Việt Nam có thế mạnh.
Đến nay, có 350.000 người lao động Việt Nam đang làm việc tại Nhật Bản |
Đến nay, có 350.000 người lao động Việt Nam đang làm việc tại Nhật Bản. Năm 2023, số lượng lao động Việt Nam sang Nhật Bản đạt tới 85.000 người. Dự kiến trong tháng 3/2024, Việt Nam sẽ tổ chức kỳ thi đánh giá kỹ năng trong 2 lĩnh vực điều dưỡng và nông nghiệp đối với người lao động đi làm việc tại Nhật Bản theo chương trình kỹ năng đặc định. Việt Nam hiện đăng tuyển công khai các ứng viên diện này.
Về phía Hiệp hội Nagomi, ông Takebe Tsutomu cho biết, dự kiến tháng 9/2024 sẽ bắt tay vào đào tạo ngành nghề đầu tiên đó là đào tạo nguồn nhân lực công nghệ thông tin, tiếp theo sẽ đào tạo nhân lực trong các ngành dịch vụ, điều dưỡng, chăm sóc sức khỏe… Sau khi kết thúc thời gian đào tạo, người lao động sẽ được thi để lấy chứng chỉ nghề, được hỗ trợ tìm việc làm.
Nhằm thu hút thêm lao động nước ngoài, năm 2023, Chính phủ Nhật Bản mở rộng danh sách các ngành được tiếp nhận lao động có thị thực kỹ năng đặc định loại 2 từ 2 lên 11 ngành.
Theo số liệu của cơ quan quản lý xuất nhập cảnh Nhật Bản, tính đến cuối năm ngoái, có khoảng 200.000 lao động nước ngoài được cấp thị thực kỹ năng đặc định loại 1 và 29 người có thị thực kỹ năng đặc định loại 2. Khi đưa ra chương trình này vào tháng 4/2019, Chính phủ Nhật Bản đặt kỳ vọng đến tháng 3/2024 sẽ có tối đa 345.150 lao động nước ngoài làm việc theo thị thực này.