Nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại góp phần khẳng định vị thế ngành Công Thương trên trường quốc tế
Đại hội XIII của Đảng đã khẳng định rõ tư tưởng chỉ đạo công tác đối ngoại là thực hiện nhất quán đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển, đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ đối ngoại; là bạn, là đối tác tin cậy và là thành viên tích cực, có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế; nguyên tắc đối ngoại là bảo đảm cao nhất lợi ích quốc gia - dân tộc trên cơ sở các nguyên tắc cơ bản của Hiến chương Liên hợp quốc và luật pháp quốc tế, bình đẳng, hợp tác, cùng có lợi; nhiệm vụ cơ bản của đối ngoại là tiếp tục phát huy vai trò tiên phong trong việc tạo lập và giữ vững môi trường hòa bình, ổn định, huy động các nguồn lực bên ngoài để phát triển đất nước, nâng cao vị thế và uy tín của Việt Nam.
Bám sát đường lối đối ngoại của Đảng và dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo sâu sát, đúng đắn của Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, thời gian qua, ngành Công Thương đã phối hợp chặt chẽ với đối ngoại Đảng, đối ngoại nhân dân và các cấp, các ngành triển khai đồng bộ, sáng tạo, hiệu quả các nhiệm vụ trọng yếu của đối ngoại, đóng góp quan trọng vào thành tựu đối ngoại nói riêng và sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước nói chung.
Trước yêu cầu phát triển của thực tiễn, thời gian qua, Ban cán sự Bộ Công Thương luôn quan tâm, chỉ đạo để công tác đối ngoại, coi đây là hoạt động quan trọng, hỗ trợ hiệu quả trong việc thực hiện thành công các nhiệm vụ chính trị, chuyên môn của Bộ cũng như toàn ngành Công Thương. Thấm nhuần quan điểm chỉ đạo được nêu trong văn kiện Đại hội XIII của Đảng về nhiệm vụ: “Tiếp tục phát huy vai trò tiên phong của đối ngoại trong việc tạo lập và giữ vững môi trường hòa bình, ổn định, huy động các nguồn lực bên ngoài để phát triển đất nước, nâng cao vị thế và uy tín của đất nước. Xây dựng nền ngoại giao toàn diện, hiện đại với ba trụ cột là đối ngoại đảng, ngoại giao nhà nước và đối ngoại nhân dân”, dưới sự lãnh đạo chỉ đạo sát sao của Ban cán sự đảng, Lãnh đạo Bộ công tác đối ngoại của Bộ Công Thương ngày càng đi vào nề nếp, từ việc xây dựng kế hoạch đến tổ chức thực hiện, phát huy hiệu quả vai trò của lực lượng đông đảo Thương vụ Việt Nam tại nước ngoài. Đảng và Chính phủ đều ghi nhận sự đóng góp tích cực của Bộ Công Thương.
Tại Hội nghị Đối ngoại toàn quốc triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội Đại biểu toàn quốc tần thứ XIII của Đảng diễn ra sáng ngày 14 tháng 12 năm 2021, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã phát biểu: Trong 35 năm qua, đặc biệt là trong nhiệm kỳ khoá XII gần đây, nước ta đạt được nhiều kết quả, thành tích rất tốt đẹp. Có được những kết quả, thành tích đó là do có sự lãnh đạo đúng đắn, sáng suốt, bình tĩnh, tỉnh táo của Trung ương Đảng, trực tiếp là Bộ Chính trị, Ban Bí thư; sự điều hành chủ động, linh hoạt của Nhà nước; sự đồng tình, đoàn kết, ủng hộ của toàn thể nhân dân; sự vào cuộc và hoạt động tích cực của cả hệ thống chính trị, tất cả các ngành, các cấp, trong đó Ban Đối ngoại Trung ương, Bộ Ngoại giao, Bộ Công Thương và các cơ quan, đơn vị trực tiếp làm công tác đối ngoại trong cả nước là lực lượng nòng cốt, đóng vai trò quan trọng.
Thực tế cho thấy, trong mỗi giai đoạn lịch sử, Đảng ta luôn thực hiện đường lối đối ngoại và kinh tế đối ngoại linh hoạt, sáng tạo để góp phần phát triển kinh tế và xây dựng đất nước, Ngành Công Thương từ đó cũng không ngừng phát huy vai trò, nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại để khẳng định vai trò là một Bộ kinh tế đa ngành, đa lĩnh vực, uy tín đã có đóng góp quan trọng trong việc khẳng định vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế.
Đến nay, Việt Nam đã có quan hệ ngoại giao với gần 190 quốc gia và vùng lãnh thổ; có quan hệ thương mại với 224 đối tác và quan hệ hợp tác với hơn 500 tổ chức quốc tế; đã ký hơn 90 hiệp định thương mại song phương, gần 60 hiệp định khuyến khích và bảo hộ đầu tư. Việt Nam đã đàm phán, ký kết và thực thi 17 Hiệp định thương mại tự do (FTA), trong đó có các Hiệp định tự do tế hệ mới như CPTPP, EVFTA và UKFTA. Đặc biệt, Việt Nam đã trở thành một trong những nước đi đầu khu vực trong việc hình thành các khuôn khổ hợp tác kinh tế đa phương.
Công tác đối ngoại cũng như các hoạt động giao thương, hội nhập, xúc tiến thương mại… đã phát huy vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy phát triển kinh tế, giữ vững thị trường, đẩy mạnh xuất khẩu… Đáng lưu ý, mặc dù chịu ảnh hưởng nặng nề, chưa từng có của đại dịch Covid - 19, song kim ngạch xuất, nhập khẩu của nước ta năm 2020 vẫn đạt trên 545 tỷ USD, năm 2021 kim ngạch xuất nhập khẩu đã vượt con số 670 tỷ USD, đưa Việt Nam vào nhóm 20 nền kinh tế hàng đầu về thương mại quốc tế. Trong tháng 3/2022, kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam đạt mức cao kỷ lục với tổng trị giá 67,37 tỷ USD. Theo truyền thống, tháng 7 sẽ là tháng bận rộn nhất trong năm bởi vào tháng này, các sản phẩm phục vụ dịp Giáng sinh sẽ được xuất khẩu sang châu Âu và châu Mỹ, do vậy, các nhà phân tích nhận định Việt Nam sẽ có một năm đạt kỷ lục mới về xuất nhập khẩu. Cùng với đó, Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) dự báo nền kinh tế Việt Nam sẽ tăng trưởng khoảng 6,5% trong năm 2022.
Trình bày tham luận tại Hội nghị đối ngoại toàn quốc triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng ngày 14 tháng 12 năm 2021 vừa qua, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cũng khẳng định việc thực hiện nhất quán chủ trương “Bảo đảm cao nhất lợi ích quốc gia - dân tộc trong các hoạt động kinh tế đối ngoại trên cơ sở các nguyên tắc cơ bản của Hiến chương Liên hợp quốc và luật pháp quốc tế, bình đẳng, hợp tác, cùng có lợi” được Đại hội XIII của Đảng đề ra, vừa là mục tiêu, vừa là nguyên tắc, là kim chỉ nam cho mọi hoạt động kinh tế đối ngoại nhằm góp phần hiện thực hóa tầm nhìn và định hướng phát triển đến năm 2045 đưa nước ta trở thành một nước phát triển, có thu nhập cao.
Phát huy vai trò, nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại trong ngành Công Thương để tiếp tục đẩy mạnh phát triển kinh tế đối ngoại, bảo đảm cao nhất lợi ích quốc gia - dân tộc trong bối cảnh tình hình mới, Bộ Công Thương đã đưa ra 5 nhóm nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm triển khai trong thời gian tới:
Thứ nhất, tiếp tục đổi mới và nâng cao chất lượng công tác thể chế, nhất là việc thể chế hóa kịp thời các quan điểm, đường lối của Đảng về kinh tế đối ngoại, bảo đảm phù hợp với các cam kết và thông lệ quốc tế; đồng thời, khẩn trương xây dựng chiến lược mới về hội nhập kinh tế quốc tế thông qua việc tham gia có chọn lọc các Hiệp định Thương mại tự do, đặc biệt là các Hiệp định Thương mại tự do thế hệ mới; đồng thời, tập trung triển khai có hiệu quả các Hiệp định Thương mại tự do mà Việt Nam đã tham gia, bảo đảm sự phát triển bền vững. Chú trọng thúc đẩy các quan hệ kinh tế đối ngoại theo chiều sâu, gắn chặt với lợi ích quốc gia - dân tộc, đồng thời tích cực đẩy mạnh quan hệ kinh tế với các đối tác lớn và có tiềm năng nhằm tạo đòn bẩy cho phát triển kinh tế, thương mại trong nước. Ban cán sự đảng, Lãnh đạo bộ giao các vụ chức năng của Bộ, các cơ quan Thương vụ việt Nam ở nước ngoài cập nhật, phân tích, đánh giá kết quả thực hiện các Hiệp định Thương mại song phương, đa phương, các Hiệp định Thương mại tự do thế hệ mới để tham mưu đề xuất với Đảng, Chính phủ có những quyết sách đối ngoại phù hợp.
Thứ hai, nghiên cứu, tham mưu, đề xuất với Chính phủ tập trung xây dựng, phát triển các ngành công nghiệp có tính chất nền tảng (như công nghiệp hỗ trợ, vật liệu, hóa chất, chế tạo, chế biến, điện tử) và hình thành các doanh nghiệp công nghiệp mạnh để nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, kết nối với chuỗi cung ứng toàn cầu; đồng thời, chú trọng phát triển một số ngành mang tính đột phá, phù hợp với xu thế quốc tế như công nghệ xanh, các phương tiện giao thông sử dụng năng lượng mới, công nghiệp điện tử với hàm lượng công nghệ cao, công nghiệp sinh hóa và dược phẩm v.v…
Thứ ba, các cơ quan đơn vị thuộc Bộ trong quá trình thực hiện chức năng quản lý ngành, lĩnh vực được giao phải đề cao vai trò của doanh nghiệp, xác định rõ doanh nghiệp là chủ thể, trung tâm trong các hoạt động kinh tế đối ngoại thông qua việc tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp để duy trì và phát triển các hoạt động sản xuất, kinh doanh trong mọi tình huống; tăng cường hỗ trợ doanh nghiệp trong quá trình thực hiện các cam kết hội nhập kinh tế quốc tế; tiếp tục đẩy mạnh cải cách, đơn giản hóa thủ tục hành chính, tạo thuận lợi cho hoạt động đầu tư, kinh doanh và sản xuất, xuất, nhập khẩu hàng hóa; đặc biệt là định hướng, hỗ trợ các doanh nghiệp Việt Nam đầu tư ra nước ngoài để tiếp cận công nghệ tiên tiến, tiếp thu kinh nghiệm quản lý và đưa lao động Việt Nam ra nước ngoài làm việc nhằm thay đổi tầm nhìn và kỹ năng lao động, từ đó giúp doanh nghiệp Việt Nam nâng cao năng lực cạnh tranh trên thị trường trong nước và quốc tế.
Thứ tư, nghiên cứu, tham mưu đề xuất với Đảng, Chính phủ trong việc đa dạng thị trường giao thương, tránh lệ thuộc vào một thị trường, một đối tác cụ thể để có thể xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ trên cơ sở đa phương hóa, đa dạng hóa các quan hệ kinh tế đối ngoại, Đồng thời, chú trọng giải quyết hài hòa lợi ích quốc gia, dân tộc với lợi ích của các nước khác trong quan hệ kinh tế đối ngoại. Bên cạnh việc đề cao lợi ích quốc gia-dân tộc của ta, cần nhận diện rõ những điểm chung giữa các quốc gia để chủ động thúc đẩy hợp tác, thúc đẩy định hình các quy tắc, luật lệ chung có lợi cho Việt Nam trong phân công lao động quốc tế, cải thiện vị trí trong chuỗi giá trị, chuỗi sản xuất, cung ứng khu vực và toàn cầu, nâng cao thực lực và vị thế của đất nước một cách bền vững nhất. Cần tăng cường bảo đảm an ninh kinh tế đối ngoại, đặc biệt trong lựa chọn, thu hút đầu tư nước ngoài ở các ngành mang tính chiến lược, nền tảng và trong thực thi một số cam kết của các Hiệp định Thương mại tự do thế hệ mới.
Thứ năm, cần chú trọng nâng cao nhận thức, năng lực, trình độ cho các cơ quan, đội ngũ cán bộ, công chức làm công tác có liên quan đến kinh tế đối ngoại và cộng đồng doanh nghiệp về chiến lược kinh tế đối ngoại, xung đột thương mại giữa các nước lớn, chủ nghĩa bảo hộ thương mại và rủi ro đứt gãy chuỗi cung ứng… do đại dịch Covid-19 hoặc các tình huống bất khả kháng khác có thể xảy ra. Bộ sẽ quan tâm tuyển chọn cán bộ để xây dựng nguồn nhân lực chất lượng cao, phục vụ hoạt động kinh tế đối ngoại, bảo đảm ngang tầm nhiệm vụ trong tình hình mới./.