Phục hồi rõ nét
Đại dịch Covid-19 có dấu hiệu lắng xuống, song cũng đã kịp để lại tác động rất lớn đến hoạt động kinh tế trong nước, trong đó DN – xương sống của nền kinh tế được đánh giá là đối tượng chịu nhiều tác động bất lợi. Đặc biệt, DN có quy mô càng lớn thì chịu tác động càng mạnh.
Khảo sát của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) về thực trạng của cộng đồng DN cho thấy, tính đến đầu tháng 5, có tới 55% DN cho biết sẽ tiếp tục duy trì quy mô sản xuất hiện tại trong quý III; 22% có kế hoạch mở rộng sản xuất, kinh doanh và chỉ 21% sẽ thu hẹp quy mô, tạm dừng hoạt động. Đây là xu hướng tốt hơn rất nhiều so với thực trạng DN mà VCCI công bố 1 tháng trước đây.
Nhiều doanh nghiệp đã biết cách vượt khó khăn trong bối cảnh ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 |
Nhận định về tình hình trong thời gian tới, ông Vũ Tiến Lộc – Chủ tịch VCCI - cho rằng, kinh tế thế giới sẽ có những thay đổi về cách vận hành, trong đó nổi lên là làn sóng chuyển dịch đầu tư mà tín hiệu cho thấy Việt Nam sẽ có nhiều cơ hội trở thành điểm đến mới. Hiện các nhà đầu tư truyền thống đến từ Nhật Bản, Hàn Quốc, các nhà đầu tư lớn của Mỹ, châu Âu đã thể hiện rõ mối quan tâm đến thị trường Việt Nam với các lợi thế về ổn định chính trị, thị trường lớn, cơ cấu dân số trẻ, có vị trí thuận lợi cho giao thương quốc tế…
Đa dạng hóa nguồn lực phục hồi nền kinh tế
Để phát huy những kết quả đạt được và nắm bắt thời cơ từ làn sóng dịch chuyển các chuỗi cung ứng toàn cầu, ông Vũ Tiến Lộc cho rằng, trước hết Chính phủ cần tiếp tục đẩy mạnh cải cách thể chế, quyết tâm thực hiện mục tiêu đưa Việt Nam lọt vào nhóm 3 - nhóm 4 về năng lực cạnh tranh và môi trường kinh doanh trong ASEAN.
Bên cạnh vận dụng linh hoạt các chính sách hỗ trợ của nhà nước, DN Việt cần chủ động nắm bắt cơ hội và liên kết chặt chẽ với nhau để cùng phát triển. |
“Sự minh bạch hóa, đơn giản hóa để rút ngắn tối đa thời gian và chi phí thực hiện các thủ tục hành chính mới là giải pháp cứu cánh bền vững cho DN” - Chủ tịch VCCI nói và nhấn mạnh, đây cũng sẽ là giải pháp giúp nâng cao năng lực cạnh tranh của DN Việt, nhất là các DN nhỏ và vừa, có đủ sức trở thành đối tác có tiềm năng của các tập đoàn xuyên quốc gia.
Trong khi đó, nhắc lại những chính sách kịp thời, hiệu quả hỗ trợ DN vượt qua khó khăn, ông Nguyễn Văn Thân - Chủ tịch Hiệp hội DN nhỏ và vừa Việt Nam (VINASME) –nêu, từ chính sách giãn nộp thuế, đến giảm phí, giảm giá điện, các gói an sinh xã hội, miễn đóng bảo hiểm tử tuất… chủ yếu là chính sách sử dụng ngân sách nhà nước. Theo ông Nguyễn Văn Thân, hiện còn nhiều nguồn lực trong xã hội cần huy động để phục hồi kinh tế. Cụ thể, các nhóm DN cùng lĩnh vực có thể hỗ trợ nhau về tài chính, nguồn nguyên liệu, vật liệu hay trao đổi, sử dụng sản phẩm của nhau.
Ông Nguyễn Văn Thân cũng khuyến nghị các DN, bên cạnh đẩy mạnh tìm kiếm thị trường XK, DN cần tận dụng và khai thác tốt thị trường nội địa với gần 100 triệu dân, trên tinh thần “người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” để tìm đầu ra ổn định cho sản phẩm, dịch vụ ngay trong nước.