MTTQ Việt Nam TP. Hà Nội: Tiếp tục xây dựng và củng cố vững chắc khối đại đoàn kết toàn dân tộc
Xác định 3 khâu đột phá, 10 chỉ tiêu cụ thể
Sáng 23/8, Đại hội đại biểu Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) Việt Nam thành phố Hà Nội lần thứ XVIII, nhiệm kỳ 2024-2029 bước vào ngày làm việc thứ 3.
Đại hội vinh dự nhận lẵng hoa chúc mừng của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm và Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn.
Các đại biểu dự Đại hội đại biểu MTTQ Việt Nam thành phố Hà Nội lần thứ XVIII, nhiệm kỳ 2024-2029. Ảnh: hanoi.gov.vn |
Dự Đại hội, đại biểu Trung ương có: Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Đỗ Văn Chiến; Ủy viên Trung ương Đảng, Phó trưởng Ban thường trực Ban Dân vận Trung ương Phạm Tất Thắng.
Về phía đại biểu Hà Nội, có: Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Bùi Thị Minh Hoài; Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Nguyễn Thị Tuyến; Chủ tịch UBND thành phố Trần Sỹ Thanh; các lãnh đạo Trung ương và Hà Nội; các mẹ Việt Nam Anh hùng, các vị lão thành cách mạng, Anh hùng Lực lượng vũ trang, Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới, đại diện lãnh đạo Ủy ban MTTQ Việt Nam 13 tỉnh, thành phố cùng 363 đại biểu chính thức.
Với chủ đề: “Đoàn kết - Dân chủ - Trách nhiệm - Sáng tạo - Phát triển”, Đại hội đã thông qua báo cáo tổng kết thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu MTTQ Việt Nam thành phố Hà Nội lần thứ XVII; chương trình hành động của MTTQ Việt Nam thành phố nhiệm kỳ 2024-2029; Báo cáo tổng hợp ý kiến góp ý vào dự thảo báo cáo chính trị trình Đại hội X của Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam; dự thảo sửa đổi, bổ sung Điều lệ MTTQ Việt Nam. Đại hội hiệp thương cử 145 Ủy viên Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố Hà Nội khóa XVIII, nhiệm kỳ 2024-2029; Hiệp thương cử 22 đại biểu đi dự Đại hội đại biểu toàn quốc MTTQ Việt Nam lần thứ X.
Đại hội đại biểu MTTQ Việt Nam thành phố Hà Nội lần thứ XVIII thống nhất mục tiêu: Tiếp tục xây dựng và củng cố vững chắc khối đại đoàn kết toàn dân tộc; đổi mới mạnh mẽ nội dung và phương thức hoạt động; đa dạng các hình thức tuyên truyền, vận động, kịp thời tổng hợp và định hướng dư luận xã hội đảm bảo chân thực, phù hợp với quan điểm của Đảng; thực hiện tốt chức năng đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân; tăng cường dân chủ, đẩy mạnh giám sát và phản biện xã hội, phòng chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí, tích cực tham gia xây dựng Đảng, chính quyền trong sạch, vững mạnh; tăng cường đồng thuận, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, đẩy nhanh sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa, xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh, xây dựng Thủ đô Hà Nội văn hiến, văn minh, hiện đại, hạnh phúc; góp phần giữ vững hòa bình, bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa, vì dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.
Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố Nguyễn Lan Hương phát biểu khai mạc Đại hội. Ảnh: hanoi.gov.vn |
Đại hội cũng xác định gồm 3 khâu đột phá và 10 chỉ tiêu cụ thể, 6 chương trình công tác và các giải pháp chủ yếu. Các khâu đột phá: (1) Đổi mới mạnh mẽ nội dung, phương thức hoạt động của MTTQ Việt Nam các cấp thành phố theo hướng ích nước, lợi dân, linh hoạt, hiệu quả, thích ứng với tình hình mới. (2) Phát huy vai trò nòng cốt chính trị của MTTQ Việt Nam trong xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc, góp phần xây dựng Thủ đô Văn hiến - Văn minh - Hiện đại. (3) Nâng cao chất lượng công tác giám sát, phản biện xã hội, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân, thực hành dân chủ, tăng cường đồng thuận xã hội, góp phần xây dựng Đảng, chính quyền trong sạch, vững mạnh.
Tại hội nghị lần thứ nhất, bà Nguyễn Lan Hương, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy đã được hiệp thương giữ chức Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố Hà Nội; hiệp thương cử chức danh Phó Chủ tịch chuyên trách, gồm các ông, bà: Ông Nguyễn Sỹ Trường; bà Nguyễn Thị Kim Dung, ông Phạm Anh Tuấn, bà Đặng Thị Phương Hoa.
Cần tiếp tục đổi mới nội dung, phương thức hoạt động
Phát biểu tại Đại hội, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Đỗ Văn Chiến nhấn mạnh, trong nhiệm kỳ qua, MTTQ Việt Nam thành phố Hà Nội tiếp tục đổi mới nội dung, phương thức hoạt động, đạt kết quả toàn diện, nổi bật, góp phần cùng với cấp ủy, chính quyền, lực lượng vũ trang và nhân dân Thủ đô phấn đấu đạt được nhiều kết quả quan trọng, toàn diện trên các lĩnh vực.
Để đạt được kết quả toàn diện, to lớn hơn nữa, thời gian tới, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Đỗ Văn Chiến gợi mở Mặt trận thành phố một số nội dung cần tập trung, cụ thể: Triển khai đồng bộ, hiệu quả 7 nhóm giải pháp đã được xác định trong Nghị quyết, phù hợp với điều kiện cụ thể của thành phố Hà Nội. Tập hợp rộng rãi các giai cấp, giai tầng xã hội, trở thành sức mạnh nội sinh, tăng cường đoàn kết, đồng thuận: "Đã nói là làm, đã bàn là thông, đã quyết là cả thành phố một lòng".
Đồng thời, cần tiếp tục đổi mới nội dung, phương thức hoạt động, bám cơ sở, bám sát nhân dân, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, thích ứng với xã hội số để tuyên truyền, vận động nhân dân theo hướng toàn dân, toàn diện, có trọng tâm, trọng điểm, sát với thực tiễn của Thủ đô. Khơi dậy và phát huy mạnh mẽ tinh thần chủ động, sáng tạo, ý chí tự lực, tự cường, khát vọng cống hiến, xây dựng Thủ đô Hà Nội văn hiến, văn minh, hiện đại, hạnh phúc.
Bí thư Thành ủy Hà Nội Bùi Thị Minh Hoài phát biểu tại Đại hội. (Ảnh: hanoi.gov.vn) |
Nâng cao thực chất các cuộc vận động, các phong trào thi đua yêu nước, tích cực, sáng tạo triển khai thực hiện thật tốt Phong trào thi đua “Cả nước chung tay xóa nhà tạm, nhà dột nát” do Thủ tướng Chính phủ và Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam phát động và Chương trình Xây dựng khu dân cư "Tự quản, đoàn kết, ấm no, hạnh phúc”, để nhân dân Thủ đô ủng hộ việc tốt, phê phán việc xấu, xây dựng từng khu dân cư bình yên, là cơ sở quan trọng để thành phố ổn định và phát triển.
Thay mặt lãnh đạo thành phố, Bí thư Thành ủy Hà Nội Bùi Thị Minh Hoài tán thành với các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp đã nêu trong Báo cáo chính trị của Đại hội, đồng thời gợi mở một số nội dung để Đại hội thảo luận, xem xét, quyết định.
Cụ thể: Thứ nhất, tiếp tục xây dựng, củng cố, tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân, đảm bảo sự đồng thuận xã hội, thống nhất cao về tư tưởng và hành động; tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện tốt chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và của thành phố, thể hiện rõ tinh thần Mặt trận đồng hành cùng cấp ủy, chính quyền trong mọi công việc, góp phần hoàn thành thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIII, Nghị quyết Đại hội lần thứ XVII Đảng bộ thành phố.
Thứ hai, cần đẩy mạnh tuyên truyền, vận động các tầng lớp nhân dân tích cực tham gia hưởng ứng và triển khai thực hiện có hiệu quả các cuộc vận động, các phong trào thi đua yêu nước, thực hiện các dự án trọng điểm phát triển kinh tế - xã hội của quốc gia, của thành phố... Tập trung chỉ đạo có trọng tâm, trọng điểm, phát hiện, giới thiệu, nhân rộng các mô hình tốt, cách làm hay qua các phong trào thi đua, các hoạt động xã hội. Lấy cái tốt đẩy lùi cái xấu; lấy cái mới tiến bộ thay dần cái cũ, lạc hậu; khơi dậy mạnh mẽ tinh thần yêu nước, tình yêu Hà Nội, sức sáng tạo và khát vọng xây dựng đất nước phồn vinh, hạnh phúc, xây dựng Thủ đô văn hiến, văn minh, hiện đại.
Thực hiện các chương trình an sinh xã hội, nhân đạo từ thiện với những cách làm mới, hiệu quả, thiết thực hơn, nhằm huy động các nguồn lực to lớn trong xã hội, sức phấn đấu của mỗi người dân, cùng với cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội. Đồng thời, phát huy vai trò tích cực của Mặt trận trong cụ thể hóa phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”, cùng các cấp, các ngành đảm bảo an sinh xã hội, nâng cao chất lượng cuộc sống nhân dân.
Thứ ba, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác giám sát, phản biện xã hội, tham gia xây dựng Đảng, chính quyền trong sạch, vững mạnh. Phát huy vai trò của Mặt trận và các tổ chức thành viên trong việc lắng nghe, tiếp thu ý kiến của nhân dân; nâng cao nhận thức, phát huy vị trí, vai trò của MTTQ Việt Nam, thực hiện thường xuyên, tích cực hơn nữa công tác giám sát, phản biện xã hội, đấu tranh, phòng chống tham nhũng, lãng phí, thực hành dân chủ, thực hiện kỷ luật, kỷ cương.
Thứ tư, tiếp tục đổi mới mạnh mẽ phương thức hoạt động của Mặt trận hướng mạnh về cơ sở, lấy địa bàn dân cư để tổ chức hoạt động đảm bảo thiết thực, hiệu quả. Thực hiện tốt các quy chế phối hợp hoạt động giữa Mặt trận với chính quyền và các tổ chức thành viên. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong hoạt động của MTTQ Việt Nam các cấp thành phố.