Một trung tâm, nhiều đột phá cải cách ở Hà Nội
Hà Nội đi đầu trong triển khai thí điểm mô hình
Chiều 8/4, Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội Trần Sỹ Thanh đã có buổi làm việc với Trung tâm Phục vụ hành chính công Thành phố Hà Nội. Cùng dự buổi làm việc còn có lãnh đạo các sở, ngành, UBND một số quận trên địa bàn thành phố.
Báo cáo tại buổi làm việc cho biết, sau hơn 5 tháng chính thức đi vào hoạt động, trung tâm đã thực hiện phương án sắp xếp, cơ cấu lại tổ chức bộ máy theo hướng đa ngành, đa lĩnh vực, giảm tổ chức bên trong, tiết kiệm, chống lãng phí. Trước mắt, trung tâm tổ chức 12 chi nhánh (giảm 18 chi nhánh), bảo đảm thực hiện đúng tinh thần Nghị quyết số 18-NQ/TƯ.
Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội Trần Sỹ Thanh làm việc với Trung tâm Phục vụ hành chính công TP. Hà Nội. Ảnh Linh Phạm |
Đầu tháng 3/2025, Trung tâm Phục vụ hành chính công Thành phố Hà Nội đã chính thức đưa chi nhánh số 1 và chi nhánh số 2 đi vào hoạt động, trở thành đầu mối quan trọng trong việc giải quyết các thủ tục hành chính phục vụ người dân và doanh nghiệp. Sau 1 tháng đưa vào vận hành, chi nhánh số 1 đã thực hiện tiếp nhận 7.524 hồ sơ thủ tục hành chính. Tại chi nhánh số 2, tổng số tiếp nhận đạt 7.206 hồ sơ. Với 10 chi nhánh còn lại, đã hoàn thiện về trụ sở, cơ sở vật chất và hoạt động chính thức kể từ ngày 29/3/2025.
Đến nay, trung tâm đã triển khai nhiều nhiệm vụ trọng tâm nhằm nâng cao hiệu quả giải quyết thủ tục hành chính, cải thiện chất lượng phục vụ người dân và doanh nghiệp theo đúng chủ trương của Chính phủ và UBND Thành phố Hà Nội. Trong đó, trung tâm đã thống nhất danh sách 150 thủ tục hành chính ưu tiên tái cấu trúc; xây dựng quy trình điện tử đối với các thủ tục hành chính trọng điểm…
Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội Trần Sỹ Thanh thăm, kiểm tra thực tế tại Chi nhánh số 1 - Trung tâm Phục vụ hành chính công trước buổi làm việc. Ảnh Linh Phạm |
Trung tâm đã triển khai thí điểm 30 đại lý dịch vụ công trực tuyến trên cơ sở phối hợp với các doanh nghiệp mạnh, có cơ sở vật chất tốt để hỗ trợ người dân thực hiện dịch vụ công trực tuyến miễn phí. Trong năm 2025, trung tâm dự kiến sẽ mở hơn 500 đại lý dịch vụ công trực tuyến trên toàn thành phố, không sử dụng ngân sách nhà nước; tính đến 21-3-2025 đã triển khai 244 điểm đại lý.
Về công tác triển khai ứng dụng Công dân Thủ đô số (iHanoi), tính đến ngày 4/4/2025, ứng dụng iHanoi đã đạt 5.664.187 người dùng đăng ký tài khoản và 49 triệu lượt truy cập, cho thấy sự quan tâm và mức độ sử dụng ngày càng tăng của người dân và doanh nghiệp đối với nền tảng số này. Tổng số phản ánh được tiếp nhận là gần 60 nghìn, trong đó 86,7% được xử lý.
Tại buổi làm việc, Giám đốc Trung tâm Phục vụ hành chính công thành phố Cù Ngọc Trang đã báo cáo một số khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai, thực hiện nhiệm vụ.
Theo đó, về công tác kiện toàn bộ máy, công tác tổ chức cán bộ, hiện tại, nhân sự chủ chốt thực hiện nhiệm vụ tiếp nhận hồ sơ tại các chi nhánh là công chức, viên chức, người lao động được biệt phái từ các sở, ngành, UBND quận, huyện, thị xã trên địa bàn thành phố. Trong quá trình phối hợp giữa trung tâm và các sở, ngành, UBND các quận, huyện, thị xã thực hiện biệt phái công chức, viên chức, người lao động còn tình trạng chậm trễ, thiếu chủ động của các đơn vị, gây khó khăn cho một số chi nhánh trong thời gian đầu vận hành.
Cùng với đó, nguồn nhân sự mới tuyển dụng của trung tâm cần thêm thời gian tập huấn đào tạo để có thể đáp ứng được yêu cầu, nhiệm vụ tiếp nhận khối lượng hồ sơ rất lớn tại các chi nhánh của trung tâm…
Người dân làm thủ tục hành chính tại Chi nhánh số 1 thuộc Trung tâm Phục vụ hành chính công thành phố Hà Nội. Ảnh Linh Phạm |
Hà Nội thí điểm thành công, sẽ thành công trên cả nước
Phát biểu kết luận buổi làm việc, Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội Trần Sỹ Thanh đánh giá, việc thí điểm thành lập Trung tâm Phục vụ hành chính công là sản phẩm nghiên cứu bài bản, có hiệu quả cao của Văn phòng Chính phủ.
“Hà Nội thí điểm thành công thì sẽ thành công trên cả nước”, Chủ tịch UBND thành phố nhấn mạnh và cho rằng, trung tâm không làm hộ các đơn vị, địa phương về giải quyết thủ tục hành chính mà thực hiện chức năng giám sát, tham mưu cải cách thủ tục hành chính với nền tảng chuyển đổi số, ứng dụng khoa học - công nghệ và dữ liệu lớn.
Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội Trần Sỹ Thanh phát biểu kết luận buổi làm việc. Ảnh Linh Phạm |
Nhấn mạnh tầm quan trọng của việc đổi mới tư duy cải cách thủ tục hành chính, Chủ tịch UBND thành phố yêu cầu trung tâm cần tham mưu UBND thành phố xây dựng nội dung phân cấp ủy quyền; thẩm định thủ tục hành chính để thiết kế quy trình nội bộ, quy trình phối hợp để phần mềm hóa trên quy trình đã có; tái cấu trúc thủ tục hành chính trên cơ sở dữ liệu được mã hóa bảo đảm “đúng, đủ, sạch, sống” và có thể tái sử dụng dữ liệu. Chủ tịch UBND thành phố cũng đề xuất lãnh đạo Cục Kiểm soát thủ tục hành chính (Văn phòng Chính phủ) về vấn đề liên thông, đồng bộ dữ liệu giữa các cơ quan, đơn vị.
Chủ tịch UBND thành phố cũng nhấn mạnh, chất lượng phục vụ cũng như quy trình thực hiện thủ tục hành chính cho người dân phải bảo đảm đồng bộ tại tất cả các chi nhánh; xây dựng văn hóa công sở, bảo đảm sự đoàn kết, thống nhất nội bộ…
“Cần nghiên cứu để đến tháng 6/2025 định vị được vai trò của trung tâm trong hệ thống hành chính mới, tham mưu cho Chính phủ xem xét quyết định. Đây là vấn đề đặc biệt quan trọng”, Chủ tịch UBND thành phố nói.
Tại buổi làm việc, Chánh Văn phòng UBND Thành phố Hà Nội Trương Việt Dũng đề nghị cần sớm báo cáo Chính phủ xem xét hành lang pháp lý cho mô hình Trung tâm trước vấn đề thực hiện mô hình chính quyền 2 cấp trên địa bàn thành phố nói riêng và toàn quốc nói chung. Ông Trương Việt Dũng cũng nêu ra vấn đề trung tâm nghiên cứu, tham mưu UBND thành phố để Hà Nội là địa phương đầu tiên, thí điểm toàn quốc về thực hiện thủ tục hành chính phi địa giới trước khi thực hiện mô hình chính quyền 2 cấp từ 1/7/2025. Chánh Văn phòng UBND Thành phố Hà Nội đề nghị ttung tâm cần lưu ý chuẩn hóa dữ liệu gắn liền với tái sử dụng và bảo đảm tính liên vùng của dữ liệu. |