Thứ năm 28/11/2024 02:31

Mô hình dự báo cung, cầu lao động: Kết nối thị trường lao động kịp thời

Mô hình dự báo cung, cầu lao động sẽ góp phần cung cấp thông tin diễn biến thị trường lao động kịp thời, giúp người lao động tìm được việc làm phù hợp.

Thời gian qua, ngoài tình trạng mất cân đối về số lượng (nơi thừa - nơi thiếu lao động), thị trường còn xuất hiện tình trạng mất cân đối về mặt trình độ (lao động được đào tạo ở trình độ này nhưng thị trường có nhu cầu ở trình độ khác), kỹ năng, về độ tuổi...

Sự mất cân đối diễn ra trên cùng một địa bàn dẫn đến nguồn cung lao động dù thừa nhưng doanh nghiệp không tuyển dụng được nhân sự. Thậm chí, tình trạng lao động muốn tìm việc nhưng thấy người tìm việc lớn hơn nhu cầu sẽ chán nản. Mặt khác, lao động không tham gia thị trường chính thức, xuất hiện tình trạng rút bảo hiểm xã hội một lần dẫn đến mất bảo đảm an sinh xã hội.

Dự báo thị trường được xem là "chìa khóa" giúp tháo gỡ tình trạng mất cân đối cung, cầu lao động hiện nay. Ảnh: TTXVN

Do đó, việc mất cân đối cung cầu lao động là vấn đề cấp bách cần giải quyết ngay. Tuy nhiên, nhiều năm nay, theo ông Phạm Ngọc Toàn - Giám đốc Trung tâm Phân tích và Dự báo Chiến lược, Viện Khoa học Lao động và Xã hội Việt Nam, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, đã có không ít trung tâm dự báo về nhu cầu lao động, trung tâm phân tích và dự báo nhu cầu đào tạo nhân lực, trung tâm dự báo quốc gia, các viện nghiên cứu thuộc các bộ ngành... nhưng kết quả không như kỳ vọng.

Ngay cả các trường học, doanh nghiệp, ông Phạm Ngọc Toàn chỉ rõ cũng có nhiều đơn vị tham gia vào quá trình khảo sát và dự báo cung, cầu lao động. Nhưng các báo cáo chủ yếu phục vụ cấp độ vĩ mô, mang tính chiến lược, chưa có ý nghĩa thực sự với người lao động, doanh nghiệp. "Các đơn vị đang thiếu sự thống nhất trong triển khai mô hình phân tích, dự báo. Mỗi nơi thực hiện theo phương thức khác nhau, dẫn tới kết quả khác" - ông Toàn cho biết.

Dự báo thị trường được xem là "chìa khóa" giúp tháo gỡ tình trạng mất cân đối cung, cầu lao động hiện nay. Bằng cách cung cấp thông tin kịp thời sẽ giúp người lao động, người sử dụng lao động, các cơ sở đào tạo... điều chỉnh kế hoạch và có giải pháp hiệu quả nhất trong tìm kiếm việc làm, tuyển dụng nhân sự. Ngoài ra, xu thế phát triển của cuộc cách mạng số, cách mạng công nghiệp 4.0 đòi hỏi phải thay đổi về mô hình dự báo. Do vậy, ông Phạm Ngọc Toàn nhấn mạnh, cần thay đổi phương thức, cách thức tổ chức của hoạt động dự báo cung, cầu lao động mới phù hợp xu hướng hiện nay.

Nếu làm tốt dự báo cung, cầu lao động, trong ngắn hạn, chúng ta sẽ cung cấp thông tin dự báo thị trường lao động thậm chí hàng tuần, hàng tháng, giúp người lao động, doanh nghiệp biết cách phản ứng với diễn biến thị trường, cũng như nắm rõ "sức khỏe" của nền kinh tế. Hiện có khó khăn trong công tác dự báo nhưng nếu khắc phục sẽ mang lại những tín hiệu, hiệu quả tích cực trong tương lai- ông Toàn cho hay.

Xuất phát từ thực tế dự báo cung, cầu và nhu cầu phát triển thị trường lao động, vừa qua, được sự hỗ trợ của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO), thông qua dự án Hệ sinh thái năng suất lao động (PE4DW), Cục Việc làm, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội hiện đang nghiên cứu, xây dựng một mô hình dự báo cung, cầu lao động phù hợp cho Việt Nam. Hướng tiếp cận của mô hình này là cung cấp thông tin thị trường lao động một cách kịp thời, chi tiết đến từng địa phương.

Theo đánh giá, mô hình dự báo cung, cầu lao động đang được Cục Việc làm xây dựng nếu thực hiện thành công sẽ cung cấp thông tin dự báo thị trường lao động kịp thời. Nhờ đó, người lao động biết được diễn biến thị trường đang ra sao để có sự chuẩn bị, tham gia đào tạo phù hợp. Còn với doanh nghiệp xác định chi phí lao động từng vùng, khu vực để đánh giá nguồn nhân lực có sẵn sàng cho họ mở rộng đầu tư hay chưa. Các địa phương cũng có thể chủ động hơn trong việc điều tiết lao động, thay vì phụ thuộc vào Trung ương như hiện nay.

Mô hình này cũng được dự báo sẽ giúp giải quyết được các vấn đề xã hội, bởi kết nối trên thị trường lao động hiệu quả. Các địa phương có thông tin rõ ràng, giảm chi phí cho xã hội, người lao động dễ tìm việc và doanh nghiệp không mất thời gian, chi phí tuyển dụng, có lao động đảm bảo cho sản xuất kinh doanh.

Kỳ vọng về hiệu quả xây dựng mô hình dự báo cung, cầu lao động, song ông Vũ Quang Thành - Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ Việc làm Hà Nội cho rằng, mô hình phân tích dự báo cung cầu lao động phải đáp ứng các yếu tố về tính khoa học, bởi chúng ta không thể chỉ ước đoán, mà phải có số liệu, từ đó đưa ra dự báo, dự đoán tình hình cho chính xác. Ngoài ra phải phù hợp, bởi có thể Hà Nội dùng mô hình dự báo này thì phù hợp, nhưng tỉnh khác thì chưa. Do đó, phải chọn được mô hình phù hợp cho địa phương. Mô hình này cũng phải dùng được trong hiện tại lẫn tương lai. Đặc biệt, kết quả của mô hình đầu ra phải phù hợp với sự phát triển của địa phương.

Ông Phạm Ngọc Toàn nhấn mạnh thêm, bước quan trọng là thu thập thông tin để có cơ sở dữ liệu cho thị trường lao động, xác định khoảng trống cơ sở dữ liệu. Theo đó, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội sẽ tiến hành song song phát triển mô hình dự báo, xây dựng cơ sở dữ liệu đảm bảo tính liên thông, liên kết với các Bộ như Kế hoạch và Đầu tư để biết tình trạng lao động đang như thế nào trong doanh nghiệp, liên kết bảo hiểm xã hội để xác định lao động có tham gia bảo hiểm, có biến động thế nào về mặt nhân sự…

Dự kiến, mô hình dự báo cung cầu lao động và nền tảng cơ sở dữ liệu (bao gồm hạ tầng công nghệ thông tin, cấu trúc cơ sở dữ liệu) sẽ được hoàn thiện vào năm 2024. Đến năm 2025 sẽ có nguồn thông tin đầu vào cho cơ sở dữ liệu và ra mắt mô hình ban đầu. Từ đó, tạo cơ hội thu thập kiến thức và kinh nghiệm từ các chuyên gia trong và ngoài nước, các viện nghiên cứu, tổ chức khác về nghiệp vụ phân tích và dự báo.
Bảo Thoa
Bài viết cùng chủ đề: Việc làm

Tin cùng chuyên mục

Bài 1: Vị thế người phụ nữ trong xã hội ngày càng được khẳng định

Sôi động thị trường lao động tại các khu công nghiệp dịp cuối năm

Nhân sự 22/11: Liên đoàn Bóng đá Việt Nam thay nhân sự chủ chốt; Bình Phước có tân nữ Bí thư Tỉnh

Viettel tuyển thẳng 101 tài năng công nghệ từ hơn 3.000 hồ sơ ứng tuyển

Nhân sự ngày 21/11: Công bố lí do kỷ luật cảnh cáo các ông Vương Đình Huệ, Nguyễn Văn Thể

Nhân sự 20/11: Bộ Chính trị bổ nhiệm nhân sự; Bộ Công an bổ nhiệm hai lãnh đạo tại tỉnh Bình Dương

Nhân sự 19/11: Quốc hội ban hành nghị quyết nhân sự; Bộ Công Thương bổ nhiệm Phó Vụ trưởng

Nhân sự 18/11: Bổ nhiệm lại Thứ trưởng Bộ Y tế; Nghệ An có tân Chủ tịch HĐND tỉnh

Nhân sự Trung ương tuần qua: Bộ Chính trị điều động cán bộ từ địa phương

Nhân sự địa phương: Hà Nội, Nam Định bổ nhiệm cán bộ; tân Bí thư Tỉnh ủy Nghệ An là ai?

Nhân sự 15/11: Ông Nguyễn Xuân Ký, Bùi Văn Cường bị kỷ luật cảnh cáo; Ban Dân vận có nhân sự mới

Bắt người mẫu An Tây, ca sĩ Chi Dân: Lời xin lỗi muộn màng và bài học đắt giá cho nghệ sĩ

Nhân sự 14/11: Bộ Giao thông Vận tải điều động Vụ trưởng; Ninh Bình, Trà Vinh bổ nhiệm lãnh đạo chủ chốt

Nhân sự ngày 13/11: Công bố lí do đề nghị kỷ luật đối với nguyên Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải

Trường Đại học Điện lực thông báo tuyển dụng viên chức năm 2024

Nhân sự 12/11: Bộ Chính trị điều động lãnh đạo; Thái Bình, Trà Vinh, Đắk Nông bổ nhiệm Giám đốc Sở

Nhân sự 11/11: Thủ tướng ký quyết định nhân sự Bộ Quốc phòng, tân Bí thư Tỉnh ủy Nghệ An là ai?

Bộ Nội vụ thông tin về lệ phí thi tuyển, xét tuyển công chức

Nhân sự Trung ương: Bộ Công an, Bộ Y tế, Bộ Thông tin và Truyền thông điều động nhân sự lãnh đạo

Luật Việc làm (sửa đổi): Kỳ vọng cho thị trường lao động bền vững