Mật mía Thạch Thành, hương vị Tết cổ truyền ở xứ Thanh
Với người dân Thanh Hóa, những bữa ăn ngày Tết Nguyên đán không thể thiếu mật mía. Qua thời gian, thứ nước chấm ngọt ngào này đã trở thành một hương vị Tết cổ truyền mang đậm bản sắc vùng miền.
Nghề làm mật mía ở Thanh Hóa hiện nay chỉ còn tập trung ở xã Thành Trực, thị trấn Kim Tân của huyện Thạch Thành và cũng chẳng ai còn nhớ nghề này có từ bao giờ. Các cụ cao niên trong làng chỉ truyền miệng lại cho thế hệ sau những câu chuyện về nghề và hướng dẫn kỹ thuật nấu mật, cứ như vậy nghề nấu mật mía được giữ gìn từ đời này sang đời khác.
Những người nông dân đang nấu mật mía, phục vụ người dân trong dịp Tết Nguyên đán 2025. Ảnh: Cộng tác viên |
Mấy chục năm trước đây, khi cuộc sống còn khó khăn, máy móc chưa phổ biến, cứ vào mỗi dịp cuối năm, người dân lại cùng nhau ra đồng chặt mía về nhà. Thông qua những công cụ thô sơ và tận dụng sức kéo của trâu, bò sẽ cho ra nước mía. Sau đó nước mía được đun sôi trong những chiếc chảo, nồi đồng lớn. Qua một vài công đoạn, đặc biệt là công đoạn keo mật sẽ cho ra những giọt mật vàng óng, đặc sánh với hương thơm ngọt ngào. Làn khói trắng nghi ngút bốc lên từ những mái nhà tranh dường như báo hiệu một mùa xuân đang đến gần.
Qua thời gian, kinh tế phát triển, người dân đã có thêm những công cụ, máy móc hỗ trợ như máy ép mía, lò nấu đã khiến công việc làm mật bớt vất vả hơn. Thế nhưng nhiều công đoạn phải do chính tay người nông dân với sự tỉ mỉ, kinh nghiệm lâu năm đảm nhiệm.
Mía được lựa chọn để nấu mật là những cây mía già, ngọt. Ảnh: Cộng tác viên |
Đến thị trấn Kim Tân, xã Thành Trực (huyện Thạch Thành) những ngày này, đâu đâu cũng thấy những lò nấu mật mía đỏ lửa, những cơn gió thổi qua lại mang đến hương thơm ngọt ngào, đặc trưng của mật mía Thạch Thành.
Vừa đảo nồi mật mía vừa trò chuyện với chúng tôi, anh Trần Văn Hoàn (sinh năm 1986) trú tại khu phố Lường Thanh, thị trấn Kim Tân, một trong những người làm mật kỳ cựu với hàng chục năm gắn bó với nghề chia sẻ: Từ khâu chọn mía, xay mía, đến quá trình đun nấu và đóng chai, mỗi công đoạn đều đòi hỏi sự tỉ mỉ và kinh nghiệm. Theo anh Hoàn, bí quyết để có một mẻ mật ngon, đầu tiên là phải chọn được loại mía già, ngọt, khi nấu phải giữ lửa thật đều và công đoạn keo mật phải hết sức tỉ mỉ.
Máy ép mía đã thay thế cho sức kéo của trâu, bò; qua đó giúp người nông dân thuận tiện hơn trong công đoạn ép nước mía. Ảnh: Cộng tác viên |
Vì mật mía chủ yếu được dùng vào dịp Tết cổ truyền, nên bắt đầu từ khoảng tháng 9 âm lịch, người dân nơi đây lại tất bật vào mùa. Những người nông dân cẩn thận lựa chọn từng cây mía, khéo léo điều chỉnh ngọn lửa, đôi bàn tay chai sần keo mật đã cho ra từng giọt mật sánh mịn, đó là kết tinh của cả một quá trình lao động miệt mài. Mỗi giọt mật không chỉ là sản phẩm của tự nhiên mà còn là tâm huyết mà người nông dân gửi gắm vào đó.
Mật mía Thạch Thành không chỉ là một sản phẩm của thiên nhiên mà còn là kết tinh của truyền thống và văn hóa địa phương, qua thời gian đã trở thành một phần không thể thiếu của mỗi bữa ăn ngày Tết. Cứ như vậy, mỗi dịp Tết đến xuân về, người người, nhà nhà lại tìm mua những chai mật mía thơm ngon để cùng gia đình quây quần bên mâm cơm. Vị ngọt của mật mía không chỉ ngọt lưỡi mà còn ngọt cả lòng, mang đầy những ký ức về quá khứ.
Công đoạn cô mật mía sẽ mất khoảng 3-4 tiếng đồng hồ. Ảnh: Cộng tác viên |
Có những thời điểm, nghề nấu mật mía đã gặp phải những khó khăn vô cùng lớn, tưởng chừng như mai một; thế nhưng những năm gần đây, nhu cầu thị trường đã ngày càng tăng cao, đặc biệt là xu hướng tiêu dùng sản phẩm sạch, sản phẩm tự nhiên đã góp phần cho nghề nấu mật mía ngày càng phát triển. Điều này không chỉ mang lại thu nhập ổn định cho người dân địa phương mà còn góp phần thúc đẩy kinh tế của huyện Thạch Thành.
Người nông dân rót mật vào từng can để bán cho khách hàng. Ảnh: Cộng tác viên |
Hiện nay, mật mía Thạch Thành thường có giá bán cao hơn sản phẩm mật ở các vùng khác; giá mật bán lẻ khoảng 40.000-50.000đồng/kg, còn bán buôn sẽ tùy thuộc vào số lượng và chất lượng mật.