Chủ nhật 24/11/2024 14:04

Lý Sơn đã chuyển mình ra sao sau 10 năm điện lưới 'vượt biển'?

Chỉ trong vòng 10 năm, điện lưới quốc gia không chỉ mang lại ánh sáng mà còn thúc đẩy kinh tế, du lịch và các dịch vụ tại Lý Sơn phát triển vượt bậc.

Cuối tháng 9/2014, dự án cấp điện từ lưới điện quốc gia ra huyện đảo Lý Sơn (tỉnh Quảng Ngãi) qua hệ thống cáp ngầm đã chính thức hoàn thành và đi vào hoạt động. Thời khắc lịch sử này đã đánh dấu sự khởi đầu cho một bước ngoặt lớn, giúp đảo tiền tiêu này phát triển mạnh mẽ. Chỉ trong vòng 10 năm, điện lưới quốc gia không chỉ mang lại ánh sáng mà còn thúc đẩy kinh tế, du lịch và các dịch vụ tại Lý Sơn phát triển vượt bậc.

Cuối tháng 9/2014, dự án cấp điện từ lưới điện quốc gia ra huyện đảo Lý Sơn (tỉnh Quảng Ngãi) qua hệ thống cáp ngầm đã chính thức hoàn thành và đi vào hoạt động. Ảnh: I.T

Trước đây, Lý Sơn là một huyện đảo thuần nông nghiệp, ngư nghiệp, nơi mà cuộc sống của người dân chủ yếu dựa vào đánh bắt hải sản và trồng hành, tỏi. Tuy nhiên, từ khi điện lưới quốc gia vượt biển đến với Lý Sơn, huyện đảo này đã chuyển mình mạnh mẽ trở thành điểm du lịch hấp dẫn. Trước khi có điện, toàn đảo chỉ có vài nhà nghỉ nhỏ lẻ. Hiện nay, Lý Sơn có đến 133 cơ sở lưu trú, trong đó bao gồm 14 khách sạn, 57 nhà nghỉ và 62 homestay, với tổng số hơn 1.000 phòng, đủ khả năng phục vụ trên 3.000 khách du lịch mỗi ngày.

Nhìn lại quá khứ, nhiều người dân địa phương không thể quên được thời kỳ khó khăn khi đảo chưa có điện. Trước năm 1999, đảo hoàn toàn không có nguồn điện ổn định, chỉ đến khi một tổ máy phát điện chạy bằng diesel được đưa vào hoạt động, cấp điện cho gần 2.000 trong số 4.000 hộ dân. Tuy nhiên, việc cung cấp điện cũng chỉ diễn ra luân phiên, mỗi xã chỉ được cấp điện "một đêm có, một đêm không", và thời gian phát điện chỉ kéo dài khoảng 6 tiếng vào ban đêm.

Đến tháng 1/2002, UBND huyện Lý Sơn bàn giao hệ thống điện cho ngành điện quản lý, và từ đó hệ thống đã dần được nâng cấp với việc bổ sung thêm các tổ máy phát điện. Tuy nhiên, ngay cả sau khi nâng cấp, điện chỉ được cung cấp từ 17h đến 23h mỗi ngày, đủ để phục vụ nhu cầu tối thiểu của người dân. Tình trạng thiếu điện đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc sống của người dân đảo Lý Sơn, từ việc phát triển kinh tế đến các dịch vụ cơ bản như giáo dục và y tế.

Trước năm 2014, Lý Sơn cũng gặp khó khăn trong việc phát triển du lịch. Các chuyến tàu từ đất liền ra đảo rất ít và thời gian di chuyển kéo dài hơn một giờ, khiến nhiều du khách phải chịu đựng cảm giác say sóng. Đến khi đến được đảo, việc tìm chỗ nghỉ ngơi cũng là một thách thức lớn. Cả đảo chỉ có ba nhà nghỉ, gồm nhà nghỉ Bình Yên, nhà nghỉ Đại Dương và khách sạn Lý Sơn với tổng cộng chưa đến 40 phòng.

Tuy nhiên, mọi thứ đã thay đổi khi dự án cáp ngầm kéo điện từ đất liền ra đảo hoàn thành vào năm 2014. Ngày 8/9/2014, những mét cáp ngầm cuối cùng trong gần 27km cáp được lắp đặt, và vào ngày 28/9 cùng năm, nguồn điện quốc gia chính thức được đưa vào sử dụng trên đảo. Sự kiện này đã làm thay đổi hoàn toàn cuộc sống của người dân Lý Sơn, không chỉ mang lại ánh sáng mà còn mở ra cơ hội phát triển mới cho huyện đảo này.

Từ khi có điện lưới quốc gia, không gian đêm trên đảo không còn yên tĩnh và tăm tối nữa. Ánh sáng phủ khắp các con đường, danh thắng như Hang Câu, chùa Hang, chùa Đục... trở thành những điểm tham quan hấp dẫn ngay cả vào ban đêm. Những địa điểm gắn liền với văn hóa biển khơi như đình, miếu, lăng cũng dần trở thành những điểm nhấn trong hoạt động kinh tế đêm.

Trong quy hoạch phát triển của tỉnh Quảng Ngãi giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, UBND tỉnh đã xác định mục tiêu xây dựng Lý Sơn trở thành đô thị biển hiện đại, với việc đặc biệt ưu tiên đầu tư cơ sở hạ tầng. Đến năm 2030, Lý Sơn dự kiến sẽ đạt tiêu chí đô thị loại 4 và sau đó tiến đến trở thành đô thị loại 3, trở thành một đô thị biển, đảo đặc sắc không chỉ của tỉnh mà còn của cả nước.

Sự thay đổi về cơ cấu kinh tế của Lý Sơn cũng rất rõ rệt. Trước đây, huyện đảo này chủ yếu dựa vào nông ngư nghiệp, nhưng giờ đây ngành thương mại dịch vụ đã trở thành mũi nhọn. Trong 6 tháng đầu năm 2024, giá trị sản xuất thương mại dịch vụ đã chiếm khoảng 42% tổng giá trị sản xuất của toàn huyện. Tốc độ tăng trưởng bình quân của ngành thương mại dịch vụ trong giai đoạn 2015 - 2020 đạt mức 25,2%/năm.

Doanh thu từ hoạt động thương mại dịch vụ cũng tăng mạnh, với tổng doanh thu trong các năm 2019 - 2021 đạt khoảng 1.000 tỷ đồng. Đặc biệt, doanh thu từ vận tải và bán lẻ hàng hóa tăng bình quân 40%. Hiện nay, Lý Sơn có khoảng 2.000 hộ dân hoạt động trong lĩnh vực thương mại dịch vụ và khoảng 3.000 lao động trực tiếp làm việc trong ngành du lịch và dịch vụ.

Sự phát triển vượt bậc của Lý Sơn không chỉ là thành quả từ nỗ lực của chính quyền và người dân mà còn nhờ vào hệ thống điện lưới quốc gia. Điện đã mang đến một cuộc sống mới cho người dân Lý Sơn, giúp cải thiện chất lượng dịch vụ y tế, giáo dục và thu hút đầu tư. Trung tâm y tế của huyện hiện nay đã được trang bị đầy đủ các thiết bị hiện đại, không thua kém gì các bệnh viện trên đất liền. Nhờ có điện, nhiều bác sĩ chuyên môn cao cũng đã đến công tác tại đảo, góp phần nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe cho người dân.

Ngành giáo dục trên đảo cũng đã có những bước phát triển đáng kể. Trước đây, học sinh Lý Sơn gặp nhiều khó khăn trong học tập do thiếu điều kiện cơ sở vật chất, nhưng nay, nhiều em đã đỗ đạt cao trong các kỳ thi, thậm chí có em còn trở thành thủ khoa đầu ra của Đại học Y Hà Nội.

Không chỉ mang lại những thay đổi tích cực trong đời sống dân sinh, điện lưới quốc gia còn là động lực thúc đẩy người dân Lý Sơn trở về đầu tư và phát triển quê hương. Nhiều người từng rời đảo để tìm kế sinh nhai đã quay trở lại, mang theo nguồn lực và kinh nghiệm để đầu tư vào các lĩnh vực kinh tế mới như du lịch và dịch vụ.

Sự thành công của dự án điện lưới quốc gia vượt biển không chỉ mang lại sự thay đổi về mặt cơ sở hạ tầng mà còn mở ra tương lai phát triển bền vững cho Lý Sơn, giúp huyện đảo tiền tiêu này trở thành một trong những địa điểm du lịch, kinh tế biển đầy tiềm năng của Việt Nam.

Thế Duy
Bài viết cùng chủ đề: đảo Lý Sơn

Tin cùng chuyên mục

Hai doanh nghiệp lớn bắt tay hợp tác phát triển hệ thống trạm sạc xe điện toàn quốc

Cơ chế điều hành giá xăng dầu sẽ được quy định ra sao?

Tổng Giám đốc EVNNPC làm việc với UBND tỉnh và PC Sơn La

Quy định thương nhân phân phối không mua bán xăng dầu lẫn nhau: Không làm mất tính cạnh tranh trên thị trường

Công ty Thủy điện Quảng Trị: Tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ trong chuyển đổi số

Bộ Công Thương làm việc cùng Hội đồng ngũ cốc Hoa Kỳ về hợp tác phát triển nhiên liệu sinh học

Quốc hội sẽ biểu quyết thông qua Luật Điện lực (sửa đổi) vào ngày 30/11

Nga trở thành nhà cung cấp khí đốt chính cho EU lần đầu kể từ năm 2022

Sắp diễn ra Hội nghị triển khai các Nghị định của Chính phủ về thúc đẩy năng lượng tái tạo

Những góc khuất cần nhìn nhận sau đề xuất thương nhân phân phối được mua bán xăng dầu lẫn nhau

Làm lợi 1,43 tỷ đồng mỗi năm nhờ tiết kiệm năng lượng

Khí đốt Nga vẫn chảy đến châu Âu qua Ukraine

Vì sao xăng sinh học RON 92 E5 vẫn gặp thách thức tại thị trường Việt Nam?

Bài 5: Kinh nghiệm quốc tế và kỳ vọng

Vì sao châu Âu vẫn quan tâm đến khí đốt Nga?

Một quốc gia châu Âu tiếp tục nhận khí đốt từ Nga sau khi ‘đóng van’ với Áo

Đưa điện về khu tái định cư Kho Vàng, Nậm Tông vượt tiến độ 45 ngày

Bài 2: Sửa đổi Luật để tạo đột phá về thể chế

Ứng dụng UAV và công nghệ AI: Bước đột phá trong quản lý vận hành lưới điện truyền tải

Bài 1: Bài học lịch sử, nhiệm vụ lịch sử