Lưu ý bảng giá đất mới nhất tại Cần Thơ năm 2023
Những năm qua, vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) có những thay đổi lớn về kinh tế - xã hội và tốc độ đô thị hóa mạnh mẽ. Kéo theo đó, hoạt động đầu tư, sản xuất kinh doanh của khu vực cũng trở nên sôi động hơn. Hàng loạt các doanh nghiệp quan tâm, rót vốn đầu tư và nhiều dự án được phê duyệt, triển khai với quy mô lớn, nhỏ.
Trong đó, Cần Thơ được coi là mảnh đất “gà đẻ trứng vàng” thu hút nhiều doanh nghiệp đầu tư, nhất là lĩnh vực bất động sản. Bởi vậy, trong những năm qua, lượng cung bất động sản ở Cần Thơ cũng tăng lên đáng kể, nhằm đáp ứng nhu cầu cả trong và ngoài địa phương. Theo khảo sát, giá đất tại Cần Thơ có xu hướng tăng, cá biệt có quận Ninh Kiều giá đất luôn neo ở mức cao.
Giá đất ở đô thị cao nhất thuộc quận Ninh Kiều |
Tại Quyết định số 19/2019/QĐ-UBND của UBND TP. Cần Thơ ngày 31/12/2019, quy định bảng giá đất định kỳ 05 năm giai đoạn 2020 – 2024, trong đó có giá đất năm 2023 trên địa bàn Thành phố.
Theo đó, giá đất trồng cây hàng năm gồm đất trồng lúa, đất trồng cây hàng năm khác, đất nuôi trồng thủy sản cao nhất là 162 nghìn đồng/m2, theo vị trí 1 thuộc tất cả các phường trên địa bàn quận Ninh Kiều và thấp nhất là 60 nghìn đồng/m2, theo vị trí 2 thuộc huyện Vĩnh Thạnh. Giá đất trồng cây hàng năm cao nhất vẫn là quận Ninh Kiều với giá 250 nghìn/m2, vị trí 1 và thấp nhất là 90 nghìn/m2, vị trí 1 thuộc huyện Vĩnh Thạnh…
Giá đất ở đô thị cao nhất là 78 triệu đồng/m2, vị trí tuyến đường Hòa Bình (từ đường Nguyễn Trãi đến Đường 30/4) thuộc quận Ninh Kiều. Mức giá đất ở thấp nhất tại quận này cũng rơi vào 2,5 triệu đồng/m2, vị trí Khu tái định cư Đường tỉnh 932.
|
Thời gian qua, Cần Thơ đã có nhiều chuyển biến tích cực trên mọi lĩnh vực kinh tế - xã hội. Cần Thơ đang từng bước thể hiện vai trò trở thành trung tâm của vùng ĐBSCL, cực tăng trưởng của đất nước, bệ đỡ lan tỏa, thúc đẩy lôi kéo phát triển cho cả vùng, chứ không phải riêng của Cần Thơ. Bởi vậy, Thành phố này đang tạo hấp lực mạnh thu hút đầu tư, đặc biệt là các dự án bất động sản, thương mại – dịch vụ cũng là điều dễ hiểu.
Theo phê duyệt chương trình phát triển nhà ở từ 2017-2020 của TP. Cần Thơ, tầm nhìn đến năm 2030, số nhà xây dựng mới hàng năm khoảng 7.000 căn. Sở Xây dựng cho biết, tính đến tháng 5/2019, nhu cầu sản phẩm bất động sản ước tính lên đến hơn 32.000 căn.
Ngoài ra, kể từ năm 2020 đến nay, tốc độ đô thị hóa của TP. Cần Thơ luôn là “điểm sáng” của vùng ĐBSCL. Hàng loạt dự án giao thông trọng điểm trên địa bàn Thành phố được nâng cấp, đầu tư xây dựng và hoàn thiện. Trên địa bàn tỉnh có nhiều tuyến đường quốc lộ mang tính kết nối tỉnh, liên tỉnh, mang tính khu vực như đường Vành đai phía Tây TP. Cần Thơ, cầu Cờ Ðỏ, cầu Tây Ðô, cầu Kênh Ngang (trên đường tỉnh 922), xây dựng và nâng cấp mở rộng đường tỉnh 917, xây dựng và nâng cấp mở rộng đường tỉnh 923,...
Phối cảnh dự án cầu Mỹ Thuận 2 bắc ngang sông Tiền |
Cùng với đó, Cần Thơ còn có lợi thế lớn về giao thông đường thủy như: Dự án Cảng Cái Cui - mục tiêu trở thành cảng biển quốc tế tiếp nhận được tàu trọng tải lớn, đón tàu biển trọng tải lớn vào sông Hậu, thuận lợi cho xuất nhập khẩu hàng hóa và đường hàng không với cảng hàng không quốc tế Cần Thơ được nâng cấp đáp ứng nhu cầu vận chuyển cả khu vực.
Đặc biệt, dự án cầu Mỹ Thuận 2 bắc ngang sông Tiền, kết nối hai cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận và Mỹ Thuận - Cần Thơ vừa khởi công với mức vốn hơn 5.000 tỷ đồng và dự kiến hoàn thành vào 2023. Dự án được chờ đợi sẽ đem đến những cơ hội lớn trong việc kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của Thành phố. Khi đi vào hoạt động, cầu sẽ giúp kết nối lưu thông thuận lợi giữa TP.HCM và các tỉnh ĐBSCL, tạo điều kiện phát triển kinh tế sâu rộng.
Do vậy, các chuyên gia đánh giá, dư địa đầu tư phát triển bất động sản, các ngành thương mại - dịch vụ ở Cần Thơ là rất lớn. Đây là điều mà các doanh nghiệp, các nhà đầu tư rất quan tâm trong chiến lược phát triển kinh doanh.