![]() |
Nguyên Bộ trưởng Bộ Thương mại Trương Đình Tuyển trao đổi với doanh nghiệp, doanh nhân |
Doanh nghiệp, doanh nhân cần chủ động hơn
Nguyên Bộ trưởng Bộ Thương mại Trương Đình Tuyển nhấn mạnh: Toàn cầu hóa kinh tế không phải sự đột biến mà là hệ quả của việc phát triển nhanh khoa học, công nghệ, tạo ra một lượng sản xuất khổng lồ, đòi hỏi phải tổ chức lại thị trường toàn cầu theo cách thức khác, không thể “cát cứ” như trước. Đó là lý do ra đời các hiệp định thương mại tự do (FTA).
Tuy nhiên, thương mại thế giới không thể có quá nhiều FTA với những cam kết khác nhau, dẫn đến sự ra đời của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), rồi vòng đàm phán Doha và sau đó là Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) - hiệp định tiếp cận thị trường toàn diện với cơ chế giám sát thực thi chặt chẽ, cơ chế giải quyết tranh chấp khá toàn diện. TPP cũng được kỳ vọng sẽ giải quyết những thách thức của nền kinh tế thế giới hiện tại, thúc đẩy phát triển sản xuất thông qua các quy định về quy tắc xuất xứ; tạo cơ hội cho bất cứ nền kinh tế, doanh nghiệp nào… Theo ông Tuyển, để có thể thành công, cộng đồng doanh nghiệp cần chủ động, tích cực tìm hiểu sâu về tiến trình hội nhập kinh tế toàn cầu cũng như nội dung các FTA, TPP.
Đánh giá vai trò, sự tham gia của doanh nghiệp trong tiến trình đàm phán các FTA, TPP cũng như trong quá trình lập pháp, nhất là pháp luật liên quan đến kinh doanh, đầu tư của Quốc hội, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội TS. Nguyễn Sĩ Dũng cho rằng, dù có 48 đại biểu Quốc hội là doanh nhân trong nhiệm kỳ Quốc hội Khóa XIII, song các đại biểu này chưa thực sự thể hiện được vai trò đại diện cho cộng đồng doanh nghiệp.
TS. Nguyễn Sĩ Dũng khuyến nghị: Doanh nghiệp cần tích cực hơn trong kỳ bầu cử đại biểu Quốc hội khóa tới và “Phải nhớ tên, nhớ địa chỉ, điện thoại của đại biểu được mình bầu vì đó là người có trách nhiệm, năng lực để nêu vấn đề của doanh nghiệp trong quá trình lập pháp”.
Cải cách thể chế và hệ thống luật pháp
Thời gian qua, đặc biệt năm 2015, Việt Nam “bội thu” trong hội nhập với rất nhiều FTA, đặc biệt là TPP đã được ký kết. Tuy nhiên, ông Trương Đình Tuyển đánh giá, chúng ta chủ động đàm phán nhiều hơn là chủ động cải cách thể chế và hệ thống luật pháp.
Ở khía cạnh khác, Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ TP. Hải Phòng Phạm Hồng Điệp cho rằng, trong quá trình đàm phán, các cơ quan của Chính phủ Việt Nam đã thực hiện nhiều hoạt động thông tin, tuyên truyền về hội nhập đến cộng đồng doanh nghiệp. Dù vậy, lượng thông tin chưa đủ dẫn tới phần lớn doanh nghiệp chưa hiểu về hội nhập cũng như cơ hội, thách thức khi hội nhập kinh tế.
Theo ông Điệp, trước hết, doanh nghiệp Việt thiếu thông tin về thị trường, tập quán buôn bán, tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm, hệ thống quản trị hay những tích hợp giữa luật pháp của Việt Nam với pháp luật của các nước tham gia FTA, TPP. Do đó, chỉ một phần nhỏ doanh nghiệp chủ động cập nhật và có đầy đủ thông tin nói trên, chủ yếu là doanh nghiệp xuất nhập khẩu hoặc doanh nghiệp FDI. Phần lớn doanh nghiệp còn lại, đặc biệt doanh nghiệp vừa và nhỏ vẫn mơ hồ về hội nhập.
Thứ hai, vấn đề hết sức quan trọng là công tác cải cách thủ tục hành chính. “Chúng ta đã nói nhiều, làm nhiều nhưng công tác này chưa thực sự mang lại hiệu quả, tạo niềm tin cho doanh nghiệp” - ông Điệp đánh giá và dẫn chứng từ Luật Đầu tư (sửa đổi): “Dù đã bãi bỏ giấy phép đăng ký kinh doanh, nhưng thực tế, muốn xây dựng một nhà máy vẫn phải xin rất nhiều “giấy phép con”.
Từ thực tế này, ông Điệp đề nghị: Chính phủ, bên cạnh việc đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền cần rà soát tổng thể hệ thống luật pháp để kịp thời sửa đổi, bổ sung, ban hành mới sao cho phù hợp với hệ thống pháp luật của các nước đã ký kết FTA và TPP với Việt Nam. Đặc biệt, Chính phủ, Quốc hội cần tạo cơ hội để cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân đóng góp ý kiến trong quá trình lập pháp và coi trọng, ghi nhận những ý kiến của họ để luật pháp thực sự bám sát thực tiễn thị trường trong điều kiện hội nhập.
Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu: Thời gian tới, Quốc hội sẽ tiến hành rà soát hệ thống pháp luật, nghị quyết của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội… để đảm bảo tính phù hợp với các nguyên tắc pháp lý chung của thế giới. |