Chính phủ đồng ý đệ trình UNESCO hai di sản văn hoá của Việt Nam Công bố thủ tục hành chính sửa đổi, bổ sung trong lĩnh vực di sản Lễ hội chùa Thầy trở thành Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia |
Sửa đổi, hoàn thiện các quy định của pháp luật về di sản văn hóa
Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng cho biết, Luật Di sản văn hoá sửa đổi là cần thiết, nhằm thể chế chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về văn hóa và di sản văn hóa phù hợp với thực tiễn công tác quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hoá hiện nay, đẩy mạnh thu hút nguồn lực xã hội hóa, hợp tác công tư, ứng dụng khoa học công nghệ thông tin, chuyển đổi số đáp ứng yêu cầu bảo tồn và phát triển bền vững, toàn diện và hội nhập quốc tế.
Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng |
Việc ban hành Luật Di sản văn hóa (sửa đổi) nhằm tiếp tục thể chế hóa chủ trương, đường lối của Đảng và Nhà nước về văn hóa, di sản văn hóa; sửa đổi, hoàn thiện các quy định của pháp luật về di sản văn hóa hiện hành để khắc phục những hạn chế, bất cập về thể chế, tạo cơ sở pháp lý cho bước phát triển mới trong các hoạt động bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa.
Đồng thời, đảm bảo tính kế thừa, tính thống nhất, đồng bộ giữa Luật Di sản văn hóa với các luật khác có liên quan; tạo điều kiện thuận lợi trong các hoạt động bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số, các hoạt động dịch vụ, hợp tác công tư trong lĩnh vực di sản văn hóa... và đảm bảo hài hòa giữa bảo tồn và phát triển.
Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng cho hay, Dự thảo Luật Di sản văn hóa (sửa đổi) gồm 9 chương 102 điều, tăng 2 chương 29 điều so với Luật Di sản văn hóa hiện hành (7 chương 73 điều). Trên cơ sở kế thừa các nội dung còn phù hợp của Luật Di sản văn hóa năm 2001, được sửa đổi, bổ sung năm 2009, Luật Di sản văn hóa (sửa đổi) tập trung vào 3 nhóm chính sách đã được Chính phủ thông qua tại Nghị quyết số 159/NQ-CP.
Cụ thể, đối với chính sách 1: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã nghiên cứu tiếp tục hoàn thiện với nội dung cụ thể như: Bổ sung, hoàn thiện một số thuật ngữ liên quan để tạo cách hiểu thống nhất trong thực thi và áp dụng pháp luật; quy định rõ quyền sở hữu, quyền khác đối với di sản văn hóa, tạo cơ sở để xác định rõ quyền lợi, nghĩa vụ, trách nhiệm của chủ sở hữu, chủ thể di sản trong bảo vệ và phát huy giá trị di sản.
Bên cạnh đó, quy định di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia thuộc sở hữu chung, sở hữu riêng được chuyển nhượng thông qua mua bán dân sự, trao đổi, tặng cho, thừa kế ở trong nước để gia tăng giá trị của di sản, chỉ cấm kinh doanh mua bán bảo vật quốc gia thuộc sở hữu chung, sở hữu riêng theo quy định của Luật Doanh nghiệp và Luật Đầu tư; cấm kinh doanh xuất khẩu di vật, cổ vật nhằm tránh mất mát di sản văn hoá ra nước ngoài.
Đồng thời, quy định các biện pháp quản lý hiệu quả như: Di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia thuộc sở hữu toàn dân phải được quản lý trong các bảo tàng công lập, di tích và các cơ quan, tổ chức nhà nước có chức năng, nhiệm vụ thích hợp; khuyến khích các tổ chức, cá nhân sưu tầm và trưng bày di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia; quy định hoạt động kinh doanh giám định di vật, cổ vật nhằm ngăn chặn kinh doanh, mua bán trái phép di vật, cổ vật và làm mất mát di sản văn hóa.
Bổ sung quy định xác lập cơ chế ghi danh, công nhận, thực thi các biện pháp bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa có phạm vi phân bố liên tỉnh, liên quốc gia; quy định cụ thể về biện pháp bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa: nhận diện, kiểm kê, ghi danh, xếp hạng, công nhận; lập và triển khai quy hoạch, kế hoạch, chương trình, đề án, dự án bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa...
Đối với Chính sách 2: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã nghiên cứu tiếp tục hoàn thiện với nội dung cụ thể như: Quy định phân cấp, phân quyền đảm bảo các nguyên tắc về phân cấp, phân quyền trên cơ sở quy định của pháp luật liên quan. Trong đó, có quy định cụ thể về nội dung phân cấp, phân quyền cho các cấp chính quyền địa phương, rõ trách nhiệm quản lý nhà nước từ trung ương đến địa phương.
Quy định rõ cơ chế, nguyên tắc phối hợp giữa các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và ủy ban nhân dân cấp tỉnh với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch trong quản lý nhà nước về di sản văn hóa; Quy định rõ về nội dung, nhiệm vụ, trách nhiệm để phân định rõ các nội dung hoạt động và trách nhiệm của các tổ chức được giao quản lý, bảo vệ, sử dụng và phát huy giá trị di sản văn hóa. Quy định về thanh tra, nội dung kiểm tra nhằm phòng ngừa, phát hiện và xử lý các hành vi vi phạm pháp luật, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả của công tác quản lý nhà nước về di sản văn hóa.
Đối với Chính sách 3: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã nghiên cứu tiếp tục hoàn thiện với nội dung cụ thể như: Quy định rõ quyền lợi, trách nhiệm, nghĩa vụ của chủ sở hữu, chủ thể di sản văn hóa trong việc đầu tư kinh phí cho bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa do cá nhân, cộng đồng sở hữu, đồng thời, có cơ chế, chính sách phù hợp để chia sẻ lợi ích công bằng cho các đối tượng liên quan đối với nguồn thu từ di sản văn hóa khi tham gia đầu tư cho di sản văn hóa và đảm bảo cơ chế phù hợp để khuyến khích hợp tác trong hoạt động bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa.
Cùng với đó, quy định về hoạt động kinh doanh, dịch vụ về di sản văn hóa; quy định về các nguồn lực cho công tác bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa; quy định nội dung cơ chế, khai thác, sử dụng di sản trong hợp tác công tư để đầu tư, phát huy giá trị di sản trong bối cảnh hiện nay phục vụ công nghiệp văn hóa và phát triển kinh tế - xã hội...
Nghiên cứu, xây dựng các chính sách có trọng tâm, trọng điểm
Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội Nguyễn Đắc Vinh nêu, Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục tán thành sự cần thiết sửa đổi toàn diện Luật Di sản văn hóa năm 2001 (sửa đổi, bổ sung năm 2009) và mục đích, quan điểm xây dựng dự án Luật tại Tờ trình số 119/TTr-CP ngày 29/3/2024 của Chính phủ.
Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội Nguyễn Đắc Vinh |
Việc sửa đổi Luật nhằm tiếp tục thể chế hóa các quan điểm, chủ trương của Đảng, khắc phục những khó khăn, vướng mắc, giải quyết các vấn đề phát sinh, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa.
Về chính sách của Nhà nước về di sản văn hóa, ông Vinh cho rằng, dự thảo Luật kế thừa nhiều chính sách tại Luật Di sản văn hóa hiện hành, đồng thời sửa đổi, bổ sung nhiều quy định. Tuy nhiên, có ý kiến cho rằng, các chính sách còn dàn trải, hỗ trợ cho nhiều đối tượng thụ hưởng, được quy định tại một số điều, khoản trong dự thảo Luật.
Thường trực Ủy ban đề nghị Cơ quan chủ trì soạn thảo tiếp tục nghiên cứu, xây dựng các chính sách có trọng tâm, trọng điểm và bền vững; bảo đảm quyền, lợi ích chính đáng và sự tham gia của cộng đồng, người dân; phù hợp với yêu cầu thực tế và tính đặc thù trong bảo vệ, phát huy giá trị từng loại hình di sản văn hóa.
Tập trung rà soát các chính sách, nhất là chính sách về đầu tư, hỗ trợ của Nhà nước; chính sách xã hội hóa, ứng dụng khoa học công nghệ, chuyển đổi số, phát triển nguồn nhân lực… để bảo đảm cụ thể, minh bạch, hiệu quả và khả thi, thống nhất trong hệ thống pháp luật.