Thứ tư 13/11/2024 13:58

Lồng ghép và đồng bộ chính sách để hỗ trợ du lịch Việt Nam phục hồi

Chiều ngày 25/12, phiên họp toàn thể Hội thảo Du lịch 2021 với chủ đề: "Du lịch Việt Nam - Phục hồi và phát triển" đã tập trung đánh giá tác động của dịch Covid-19 tới hoạt động du lịch, đồng thời để xuất các giải pháp phục hồi du lịch Việt Nam giai đoạn 2022 – 2023,

Thực hiện chương trình hành động của Ủy ban Văn hóa, Giáo dục nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV và Chương trình công tác năm 2021, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội chủ trì, phối hợp với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, tỉnh Nghệ An tổ chức Hội thảo này. Hội thảo được tổ chức trực tiếp tại thị xã Cửa Lò (Nghệ An) và kết nối trực tuyến với điểm cầu tại Văn phòng Chính phủ và 19 điểm cầu trên cả nước; được khai mạc sáng cùng ngày.

Các đại biểu tham dự Hội thảo

Một năm thiệt hại nặng nề

Phát biểu tại Hội thảo - Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn cho biết, Chủ đề “Du lịch Việt Nam - phục hồi và phát triển” của Hội thảo có tính thời sự cao, nhận được sự quan tâm lớn của các nhà quản lý, chuyên gia, hiệp hội trong bối cảnh đất nước ta đang từng bước kiểm soát được dịch bệnh, duy trì, phục hồi sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, thực hiện mục tiêu “thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19”.

Cũng tại Hội thảo, ông Nguyễn Văn Hùng, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho biết : Năm 2021 là năm thứ hai du lịch Việt Nam tiếp tục chịu ảnh hưởng thiệt hại, các chỉ tiêu phát triển du lịch tiếp tục giảm mạnh. Trong 10 tháng đầu năm, khách nội địa tiếp tục giảm 42,5% so với cùng kỳ, đạt 32,25 triệu lượt; tổng thu từ khách du lịch ước giảm 45,42% so với cùng kỳ năm 2020, đạt gần 138.150 tỷ đồng.

Tại Hà Nội, lượng khách nội địa giảm 47% so với cùng kỳ 2020, Thừa Thiên - Huế giảm 60%, Đà Nẵng giảm 60%, Quảng Ninh giảm 37%, Ninh Bình giảm 49,5%... Ước tính thiệt hại từ du lịch năm 2021 tại tỉnh Quảng Nam hơn 15.000 tỷ đồng; Đà Nẵng khoảng 27.300 tỷ đồng, Thừa Thiên - Huế hơn 8.000 tỷ đồng, Quảng Ninh hơn 2.000 tỷ đồng…

Các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ lữ hành rơi vào tình trạng có tới 90-95% số lượng doanh nghiệp dừng hoạt động. Năm 2021, lượng doanh nghiệp lữ hành xin thu hồi giấy phép kinh doanh lữ hành chiếm trên 35% tổng số đã được cấp phép, phần còn lại dừng hoạt động; các doanh nghiệp kinh doanh vận chuyển khách du lịch cũng dừng hoạt động vì không có khách. Nặng nề nhất là các cơ sở lưu trú, trong năm 2021, các khách sạn hầu như không có khách trừ một số cơ sở đón khách cách ly. Đến nay, tổng số cơ sở lưu trú du lịch trong toàn quốc là 38.000 với 780.000 buồng, công suất phòng trung bình năm ước tính chỉ đạt 5%. Nhân lực ngành du lịch đa số bị mất việc làm, số ít còn lại làm việc cầm chừng, một số khác phải chuyển đổi ngành nghề.

Trước tình hình thực tế, ông Nguyễn Văn Hùng kiến nghị Quốc hội, Chính phủ chỉ đạo quyết liệt, thực hiện hiệu quả Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội năm 2022-2023, trong đó coi du lịch là lĩnh vực trọng tâm ưu tiên với quy mô đủ lớn, thời gian đủ dài, phạm vi đủ rộng, nắm bắt tốt các cơ hội nhằm thực hiện hiệu quả các nhóm giải pháp nêu trên sớm phục hồi, lấy lại đà tăng trưởng cho ngành du lịch; tiếp tục thực hiện Nghị quyết 08/NQ-TW về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn trong bối cảnh mới, thích ứng an toàn linh hoạt với dịch bệnh, trong đó tập trung đổi mới, hoàn thiện cơ chế, chính sách đảm bảo khuyến khích và tạo thuận lợi cho du lịch phát triển.

Bộ đề xuất xây dựng đề án tổng thể về chuyển đổi số trong ngành du lịch đến năm 2030 phục vụ phát triển du lịch. Ngoài ra, các địa phương cần tăng cường liên kết, hỗ trợ các doanh nghiệp du lịch vượt qua khó khăn và huy động nguồn lực thu hút đầu tư, đổi mới công nghệ cho giai đoạn tăng trưởng mới, hỗ trợ người lao động dễ dàng tiếp cận các chính sách hỗ trợ và tham gia đào tạo nghề, bảo đảm an ninh, an toàn tại các điểm đến du lịch…

Bàn giải pháp phục hồi bền vững cho du lịch

Theo Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn - trong bối cảnh hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, các giải pháp phục hồi và phát triển du lịch Việt Nam cần tập trung nâng cao năng lực cạnh tranh của Du lịch Việt Nam; khai thác và phát huy tối đa các tiềm năng, lợi thế để phát triển các sản phẩm, thương hiệu du lịch độc đáo, đặc sắc, mang đậm bản sắc văn hóa, lịch sử Việt Nam, đạt đẳng cấp thế giới. Đặc biệt, chú ý gắn kết bảo tồn, phát huy di sản văn hóa, bảo vệ môi trường, cảnh quan thiên nhiên với phát triển du lịch bền vững.

Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội cho rằng, mỗi địa phương phải xây dựng cho được môi trường, cảnh quan xanh, sạch, đẹp, góp phần thực hiện hiệu quả Quyết định 1129 ngày 27/7/2020 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt “Đề án phát triển kinh tế ban đêm ở Việt Nam”, từ đó thúc đẩy mua sắm, thăm quan, thưởng thức văn hóa văn nghệ, ẩm thực, góp phần tạo thêm việc làm, thu nhập cho người lao động; phát triển các hình thức du lịch tham quan, du lịch ẩm thực, du lịch xanh, du lịch kết hợp với hội nghị, du lịch kết hợp với nghỉ dưỡng, tận dụng tối đa tài nguyên, nguồn lực tại chỗ để thu hút khách du lịch, tạo động lực mới cho sự phát triển xã hội.

Ông Trần Thanh Mẫn, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội phát biểu tại Hội thảo

Du lịch là ngành kinh tế tổng hợp, có liên quan tới nhiều ngành, lĩnh vực khác. Do đó, các giải pháp phục hồi và phát triển du lịch cần xem xét hài hòa, tổng thể trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của mỗi địa phương và cả nước.

Tiến sĩ Cấn Văn Lực - Viện Đào tạo và Nghiên cứu BIDV cho rằng, các quốc gia trên thế giới hiện nay đều thực hiện lồng ghép chính sách hỗ trợ phục hồi ngành du lịch chung trong các chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, trong đó tập trung vào 6 nội dung chính là: Chính sách tài khóa như giãn, giảm thuế, phí, kích cầu, hỗ trợ lãi suất, bảo lãnh tín dụng, cho vay trả lương... chính sách tiền tệ gồm, giảm lãi suất; giãn, giảm lãi, phí, cơ cấu lại nợ, tín dụng ưu đãi…đào tạo, phát triển kỹ năng nghề nghiệp; phát triển thị trường; xã hội hóa nguồn vốn; kích cầu, khởi động lại ngành du lịch. Cụ thể như Thái Lan hỗ trợ phí bảo lãnh cho doanh nghiệp thành lập mới; Malaysia giãn nợ vay trong 6 tháng, miễn thuế dịch vụ trong 6 tháng, cung cấp 45 triệu USD cho các doanh nghiệp đào tạo nhân viên.

Ông Cấn Văn Lực nêu kiến nghị Chính phủ chỉ đạo Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cần ưu tiên nghiên cứu, sớm triển khai mô hình hộ chiếu vaccine; điều chỉnh định hướng, cơ cấu lại ngành du lịch phù hợp với tình hình thực tế đã có nhiều thay đổi, biến động do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19 để làm cơ sở định hướng cho các địa phương triển khai một cách hiệu quả, đồng bộ.

Dưới góc độ cơ quan quản lý, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Hà Văn Siêu cho rằng: Để thu hút khách du lịch trong trạng thái bình thường mới thì cần ba yếu tố: An toàn, mở và đồng bộ. Trong đó yếu tố an toàn là phải làm thế nào để người dân có niềm tin đến với các điểm đến. Khi đến các điểm du lịch họ cảm thấy yên tâm khi được bảo vệ và có nguyện vọng sẽ quay lại.

Cùng với đó, theo ông Hà Văn Siêu, không có gì hỗ trợ tốt nhất đối với doanh nghiệp lúc này là mở cửa cho doanh nghiệp du lịch hoạt động. Muốn mở được, phải đồng bộ các ngành Ngoại giao, Y tế, Giao thông. Đồng thời cũng phải nhất quan với các địa phương, để khách đến nơi này, khi có nhu cầu sang địa phương khác thì cũng sẽ được tạo điều kiện.

Để ngành du lịch Việt Nam phục hồi và phát triển trong trạng thái bình thường mới, ông Nguyễn Châu Á - Tổng Giám đốc Oxalis Adventure nhấn mạnh đến việc xây dựng chiến lược quảng bá hình ảnh điểm đến Việt Nam ra thế giới; tạo ra các quy chế liên quan đến hoạt động du lịch một cách đồng bộ. Bên cạnh đó, đầu tư ngân sách lớn hơn trong việc quảng bá tạo nhận thức điểm đến tới khách du lịch tại các thị trường tiềm năng, chiến lược. Đồng thời có chính sách hỗ trợ, ưu đãi để huy động tổng hợp các nguồn lực cả đầu tư công, đầu tư tư nhân để phát triển du lịch.

Phát biểu kết luận hội thảo, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội Nguyễn Đắc Vinh cho biết: Ban tổ chức sẽ tổng hợp, hoàn thiện báo cáo kết quả hội thảo và kiến nghị Quốc hội, Chính phủ những cơ chế, chính sách, giải pháp cụ thể, thiết thực nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, phục hồi và phát triển du lịch trong những năm sắp tới.

Đồng thời kiến nghị Quốc hội nghiên cứu các nội dung đề xuất để xem xét, thảo luận về Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2022 - 2023; đề nghị Chính phủ nghiên cứu, xem xét bổ sung các nội dung liên quan tới phục hồi và phát triển du lịch trong Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2022 - 2023, trong đó coi du lịch là lĩnh vực trọng tâm ưu tiên với quy mô đủ lớn, thời gian đủ dài, phạm vi đủ rộng để sớm phục hồi, lấy lại đà tăng trưởng mạnh mẽ cho ngành Du lịch.

Hoàng Trinh
Bài viết cùng chủ đề: Du lịch

Tin cùng chuyên mục

Nhiều vấn đề cần cải thiện để ngành Du lịch tỉnh Khánh Hoà phát triển

Hoàng Kim Group ra mắt mảng dịch vụ du lịch gia đình

Bay dù lượn: Cần được kiểm soát chặt, phòng tránh các rủi ro

Du khách nô nức ‘check-in’ thiên đường hoa dã quỳ ở núi lửa Chư Đang Ya, Gia Lai

Khai mạc Tuần lễ hoa dã quỳ - Núi lửa Chư Đang Ya năm 2024 ở Gia Lai

Du lịch Bình Thuận và lộ trình xanh hóa đến phát triển bền vững

Làm sao để tour du lịch kiến trúc Đà Lạt không còn dừng lại ở tiềm năng?

Hơn 14,1 triệu lượt khách du lịch quốc tế đến Việt Nam trong 10 tháng 2024

Ngắm hoa dã quỳ khoe sắc trên triền núi lửa Chư Đang Ya mùa lễ hội

Cần Thơ: Đánh thức tiềm năng du lịch từ ‘Tinh hoa miền sông nước’

Sắp diễn ra Festival “Thổ cẩm Lào Cai - Sắc màu văn hóa” 2024

Tuần văn hóa, du lịch tỉnh Hòa Bình sẽ diễn ra từ ngày 15 - 23/11/2024

Đất Thép Farm - nơi giao thoa giữa truyền thống và hiện đại

Dinh Bảo Đại tại TP. Đà Lạt xuống cấp nghiêm trọng sau hơn 6 tháng dừng đón khách

Ngày Hội đua thuyền độc mộc trên sông Pô Cô ở Gia Lai diễn ra sôi nổi, hấp dẫn

Tây Ninh: Đón hơn 4,6 triệu lượt khách du lịch trong 10 tháng đầu năm

Khai mạc Hội thảo Chuyển đổi số về marketing - thanh toán ngành du lịch tại Quảng Bình

Tháng 10, TP. Hồ Chí Minh thu hút hơn 4,1 triệu lượt khách du lịch, doanh thu 16.251 tỷ đồng

Gen Z đi du lịch chỉ để ngủ và xu hướng thanh lọc, chữa lành bản thân

Lâm Đồng: Festival hoa Đà Lạt lần thứ X - năm 2024 diễn ra trong thời gian 1 tháng