Lồng ghép nguồn lực để giảm nghèo bền vững
Đa dạng sinh kế
Ghi nhận tại Bắc Giang cho thấy, những năm gần đây, tỷ lệ hộ vươn lên thoát nghèo bền vững mỗi năm tăng cao. Kết thúc giai đoạn 2016 - 2020, toàn tỉnh còn hơn 14,6 nghìn hộ nghèo, chiếm 3,14%; tỷ lệ hộ nghèo tại các xã đặc biệt khó khăn còn 13,45%; các thôn, bản đặc biệt khó khăn giảm bình quân 7%/năm. Hết năm 2022, toàn tỉnh còn 18,1 nghìn hộ nghèo, chiếm 3,86%, giảm 6,7 nghìn hộ, tương đương 1,41%.
Mô hình trồng dưa chuột mang lại hiệu quả kinh tế cho người dân vùng miền núi ở Bắc Giang |
Một trong những giải pháp giúp địa phương giảm nghèo nhanh, bền vững là việc lồng ghép các nguồn lực theo đúng phương pháp tiếp cận đa chiều, đa dạng sinh kế trên cơ sở xóa dần cơ chế “cho không”; huy động nguồn lực kết hợp với đầu tư, hỗ trợ của nhà nước. Nhất quán quan điểm của Đảng là lấy dân làm gốc, người nghèo chủ động, tự lực vươn lên thoát nghèo, hạn chế tái nghèo và phát sinh hộ nghèo mới.
Gia đình chị Đàm Thị Hùi – dân tộc Cao Lan ở thôn Thung, xã Đèo Gia, huyện Lục Ngạn là một ví dụ. Trước đây, gia đình chị thuộc diện nghèo, trong khi nhà có tới 7 nhân khẩu, ngôi nhà đã xuống cấp mà không có tiền cải tạo. Trước hoàn cảnh của chị, xã đã trích Quỹ vì người nghèo, vận động các nhà hảo tâm ủng hộ tiền, vật liệu, đoàn thể giúp đỡ ngày công hỗ trợ gia đình sửa chữa căn nhà; phân công cán bộ, đảng viên thường xuyên nắm bắt tình hình đời sống, hướng dẫn chị xây dựng mô hình sản xuất phù hợp.
Được chính quyền tạo điều kiện tiếp cận vốn vay ưu đãi cho hộ nghèo, năm 2018, vợ chồng chị Hùi cải tạo hơn 100 cây vải thiều đã trồng lâu năm, đầu tư xe vận chuyển gỗ để làm thêm nghề phơi ván. Nhờ đó, năm 2021, gia đình chị đã thoát nghèo, có điều kiện lo cho các con ăn học.
Hay gia đình chị La Thị Lợi - dân tộc Cao Lan ở thôn Ván, xã Phú Nhuận, huyện Lục Ngạn trước đây túng thiếu quanh năm. Năm 2018, chị được hỗ trợ 30 cây vải thiều từ dự án trợ giúp sinh kế, được cán bộ khuyến nông tập huấn kỹ thuật chăm sóc. Có chút vốn và kiến thức, nhất là quyết tâm thoát nghèo, năm sau, chị Lợi mở rộng diện tích trồng 100 cây vải thiều và trồng rừng. Năm 2021, chị đã có của ăn, của để, tự nguyện xin ra khỏi danh sách hộ nghèo, dành phần hỗ trợ cho những trường hợp khó khăn hơn.
Còn tại tỉnh Sóc Trăng - địa phương có tỷ lệ người Khmer sinh sống đông, những năm qua, địa phương không chỉ vận động hỗ trợ xây dựng nhà ở cho hộ nghèo khó khăn về nhà mà còn tập trung xây dựng kết cấu hạ tầng, các thiết chế văn hóa thể thao ở cơ sở để nâng cao đời sống văn hóa, tinh thần cho nhân dân khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa; thúc đẩy huy động, lồng ghép các nguồn lực, tăng hiệu quả phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi...
Cũng như Bắc Giang, Sóc Trăng, nhiều địa phương trong cả nước đã tăng cường huy động nguồn đóng góp hợp pháp của các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân; bảo đảm tỷ lệ vốn đối ứng của địa phương và trách nhiệm tham gia thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững.
Ưu tiên vùng dân tộc thiểu số
Để tiếp tục hỗ trợ giải quyết những vấn đề khó khăn, tạo đà phát triển đặc biệt cho khu vực đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, thời gian tới, các bộ, ngành cùng bắt tay vào cuộc, có những việc làm thiết thực như: Tổ chức hoạt động kết nối tiêu thụ, các phiên chợ văn hóa, lễ hội gắn thương mại với du lịch; xây dựng cẩm nang giới thiệu sản phẩm; quảng bá sản phẩm, hỗ trợ xây dựng một số mô hình nhằm tiêu thụ sản phẩm của vùng, cung ứng mặt hàng thiết yếu cho địa phương.
Đẩy mạnh chất lượng đào tạo nghề, tạo điều kiện thuận lợi cho người nghèo, người dân tộc thiểu số tham gia học nghề, chuyển đổi nghề; tiếp tục bổ sung chính sách ưu đãi để thu hút đa dạng các nguồn vốn đầu tư của doanh nghiệp, cá nhân, cộng đồng đầu tư cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi…
Cụ thể tại Bắc Giang, năm 2023, tỉnh phấn đấu giảm tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn tỉnh còn 3,0%; tỷ lệ hộ nghèo tại các xã vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi bình quân giảm 2,5%/năm, trong đó các xã đặc biệt khó khăn giảm bình quân 3%/năm, phấn đấu có 4 xã thoát khỏi diện đặc biệt khó khăn.
Để thực hiện mục tiêu, Bắc Giang sẽ hỗ trợ 182 hộ làm nhà ở, 1.234 hộ thực hiện chuyển đổi nghề, 2.206 hộ nước sinh hoạt phân tán, đầu tư xây dựng 8 công trình nước sinh hoạt tập trung. Hoàn thành 30km đường giao thông đến trung tâm xã, đường liên xã; xây mới, cải tạo nâng cấp 3 chợ, 3 trạm y tế xã; đầu tư xây dựng 49 công trình thiết yếu tại các xã, thôn bản đặc biệt khó khăn. Hỗ trợ đầu tư xây dựng 10 điểm đến du lịch tiêu biểu; tu bổ, tôn tạo, chống xuống cấp 7 di tích quốc gia đặc biệt, di tích quốc gia có giá trị tiêu biểu của các dân tộc thiểu số...
Tăng cường sự chủ động, tích cực vào cuộc của các cấp ủy, chính quyền và người dân trong việc thực hiện các dự án, mô hình phát triển kinh tế. Thực hiện tốt phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm”, thực hiện công khai, minh bạch, dân chủ từ cơ sở, phát huy quyền làm chủ và sự tham gia đầy đủ của người dân. Thực hiện tốt công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát việc thực hiện các dự án tại cơ sở; khắc phục kịp thời những khó khăn, vướng mắc, xử lý nghiêm các sai phạm trong tổ chức thực hiện.
Còn tại Sóc Trăng, địa phương tập trung mọi nguồn lực thực hiện hiệu quả chính sách dân tộc lồng ghép kết hợp với chính sách đầu tư của Chính phủ như: Đầu tư hạ tầng, nhà ở, nước sạch, hỗ trợ phát triển sản xuất; y tế, giáo dục đào tạo, tăng cường giáo dục nghề nghiệp và giải quyết việc làm; tín dụng ưu đãi; giải quyết tình trạng thiếu đất ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt, chính sách hỗ trợ giảm nghèo...
Từng bước thay đổi tập quán sản xuất, mở rộng quy mô, dịch vụ phục vụ sản xuất, tăng năng suất, chất lượng sản phẩm cây trồng, vật nuôi, góp phần cải thiện đời sống, giảm nghèo bền vững cho đồng bào dân tộc ở vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn.
Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025 đặt chỉ tiêu chủ yếu cần đạt được đến năm 2025 là giảm 1/2 số hộ nghèo và hộ cận nghèo so với đầu kỳ theo chuẩn nghèo đa chiều của quốc gia; 100% các huyện nghèo, xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang, ven biển và hải đảo được hỗ trợ đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội liên kết vùng, phục vụ dân sinh, sản xuất, thương mại, lưu thông hàng hóa và cung cấp các dịch vụ xã hội cơ bản. |