Lợi nhuận trước thuế quý I/2022 của VPBank tăng rất mạnh, đạt hơn 11.000 tỷ đồng, chủ yếu đến từ ngân hàng mẹ, trong đó có sự đóng góp từ mảng bảo hiểm. VPBank thông báo đã gia hạn thỏa thuận hợp tác độc quyền phân phối bảo hiểm qua ngân hàng với AIA thêm 4 năm nữa, đồng nghĩa với việc Ngân hàng ghi nhận một khoản phí trả trước không nhỏ vào lợi nhuận quý này.
Với kết quả trên, khả năng lợi nhuận cả năm của VPBank sẽ bứt phá rất mạnh, đứng trong nhóm ngân hàng có lợi nhuận cao nhất thị trường trong năm nay. Năm 2022, VPBank đưa ra mục tiêu lợi nhuận trước thuế ở mức kỷ lục gần 30.000 tỷ đồng.
Trong khi đó, lợi nhuận trước thuế quý I/2022 của Vietcombank đạt gần 10.000 tỷ đồng. Mục tiêu lợi nhuận trước thuế năm nay của nhà băng này là tăng tối thiểu 12%, đạt trên 30.676 tỷ đồng.
Ông Từ Tiến Phát, Tổng Giám đốc ACB cho biết, lợi nhuận hợp nhất của Ngân hàng trong quý I/2022 đạt khoảng 4.200 tỷ đồng, tăng 35% so với cùng kỳ nhờ hoàn tất gần 3 tỷ đồng dự phòng rủi ro tín dụng. Tín dụng đến hết quý I/2022 tăng 5,2% so với đầu năm, huy động tăng 1,6%. Tỷ lệ tiền gửi không kỳ hạn (CASA) đạt 27% tại thời điểm cuối quý I/2022.
Theo thông tin từ MB, lợi nhuận hợp nhất quý I/2022 của ngân hàng này đạt khoảng 5.500 tỷ đồng trước thuế. Năm nay, MB đặt mục tiêu tăng trưởng tín dụng 15-35%, lợi nhuận đạt 19.800 tỷ đồng.
Ngoài ra, Ngân hàng LienVietPostBank cho hay, lợi nhuận trước thuế quý I/2022 đạt gần 1.800 tỷ đồng, hoàn thành 37,5% kế hoạch năm 2022. HDBank vừa công bố báo cáo tài chính quý I/2022 với lợi nhuận trước thuế 2.528 tỷ đồng, tăng 20,3% so với cùng kỳ và hoàn thành 26% kế hoạch năm. Lợi nhuận quý đầu năm 2022 của Nam A Bank, OCB, Ngân hàng Bản Việt lần lượt đạt 645 tỷ đồng, 836 tỷ đồng và 173 tỷ đồng.
Theo số liệu mới nhất từ Ngân hàng Nhà nước, đến cuối quý I/2022, tăng trưởng tín dụng toàn nền kinh tế đạt 5,04%, tăng gấp 4 lần mức tăng của quý I/2021. Riêng dư nợ tín dụng tại TP.HCM đạt trên 3 triệu tỷ đồng trong 4 tháng đầu năm, tăng 7% so với cuối năm 2021.
Cụ thể, dư nợ cho vay các doanh nghiệp trong khu công nghiệp - khu chế xuất trên địa bàn TP.HCM đến cuối tháng 3/2022 đạt trên 400.000 tỷ đồng, tăng 23,4% so với cuối năm 2021, tăng cao hơn nhiều so với mức tăng trưởng tín dụng chung trên địa bàn. Kết quả này phù hợp với những chuyển biến tích cực của các doanh nghiệp hoạt động trong khu công nghiệp - khu chế xuất, với hoạt động xuất nhập khẩu tăng trưởng khá trong 3 tháng đầu năm.
Ông Nguyễn Đức Lệnh, Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh TP.HCM cho hay, dư nợ tín dụng ngắn hạn bằng VND đối với 5 nhóm ngành, lĩnh vực đạt 196.000 tỷ đồng với lãi suất thấp (không quá 4,5%/năm). Trong đó, dư nợ cho vay doanh nghiệp nhỏ và vừa vẫn chiếm tỷ trọng cao nhất (76%) trong tổng dư nợ của chương trình này.
Theo thông tin từ các ngân hàng, tăng trưởng tín dụng theo hướng tích cực trong quý đầu năm nay. Cụ thể, tăng trưởng dư nợ tín dụng của MB đến cuối quý I/2022 ước đạt khoảng 10%, VCB tăng hơn 9%, HDBank tăng 9,5%...
HĐQT ACB đánh giá, hoạt động ngân hàng năm 2022 dù khó khăn hơn, nhưng vẫn có cơ hội từ kinh tế thế giới tiếp tục đà phục hồi và kinh tế trong nước đã xuống đáy sẽ đi lên nhanh hơn. Nhu cầu tín dụng sẽ tăng cao, nhất là từ quý II, đòi hỏi sự chuẩn bị dài hạn về nguồn vốn. Việc quản trị và điều hành để vừa tiết giảm chi phí, vừa bảo đảm thanh khoản và nắm bắt cơ hội mở rộng cho vay là vấn đề mà các ngân hàng sẽ đối diện trong năm 2022.