Loại quả còi mọc ở góc vườn mà nhiều lợi ích không ngờ
Những năm qua, tiêu thụ trái cây nhập khẩu tại Việt Nam liên tục tăng nhanh. Theo đó, sự ưa chuộng tập trung chủ yếu vào các nguồn hàng từ các nước có nền nông nghiệp phát triển như Mỹ, Australia, New Zealand, Hàn Quốc... Tuy nhiên, thời gian gần đây, người tiêu dùng có xu hướng quay trở lại với một số loại trái cây thuần Việt. Trong đó có quả táo ta, hay còn gọi là táo gai.
Từng bị gọi bằng tên "trái còi"...
Ở miền Bắc, cây táo ta bắt đầu ra hoa vào tháng 8 - 9 và đậu quả, thu hoạch vào tháng 12. Khi nông nghiệp hàng hóa chưa phát triển, táo là loại trái cây không được chú ý nhiều trên thị trường, nhiều gia đình chỉ trồng ở góc vườn, ít khi chăm bón nên sản lượng thấp, chất lượng không đồng đều nên thường gọi là "táo còi". Cây táo thường không quá cao, có gai trên những cành nhỏ. Lá táo tròn, màu xanh nhạt, phía dưới trắng bạc. Hoa táo mọc thành chùm những nhỏ màu trắng, nhụy lớn màu vàng, có mùi hương nhẹ rất dễ chịu, báo hiệu chuyển mùa.
Có lẽ vì vậy mà nhà thơ Lưu Quang Vũ đã viết:
Phố của ta
Những cây táo nở
Mùa thu đấy
Thân cây đang tróc vỏ
Con đường lát đá
Nghiêng nghiêng trong sương chiều.
Còn với nhiều người, đặc biệt là phái nữ - vị dôn dốt, chua ngọt của những trái táo còi chấm cùng muối ớt luôn là một ký ức đẹp của tuổi thơ.
Táo nhân dùng làm thuốc ngủ, an thần trong trường hợp mất ngủ, hồi hộp, lo âu, hay quên, mồ hôi trộm. Người ta còn dùng lá táo chữa viêm phế quản, khó thở, đắp ngoài chữa lở loét, ung nhọt. |
... Nhưng là vị thuốc rất quý
Ít ai biết rằng quả táo ta có nhiều tác dụng có thể phòng và chữa bệnh hiệu quả.
Trong táo ta, lượng vitamin P cao hơn hàng chục lần trong quả quýt, cam, có tác dụng chống trầm cảm, mệt mỏi, và dễ cáu gắt và mất ngủ.
Táo ta chứa nhiều vitamin C, cao hơn 7 đến 10 lần lượng vitamin C có trong quả cam, quýt. Vì thế, táo có tác dụng tuyệt vời trong hiệu quả tăng cường sức đề kháng, chống ôxy hóa, tốt cho sức khỏe và làn da. Do vậy, các sản phẩm chăm sóc da điều chế từ nước ép táo ta có công dụng rất tốt để giảm nếp nhăn, khô, đỏ, sưng, khắc phục làn da bị cháy nắng, giúp da luôn khỏe đẹp.
Ngoài ra, táo ta còn có thể dùng để điều chế một số bài thuốc, món ăn có tác dụng chữa bệnh như sau:
- Chữa mất ngủ: Theo sách Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam của GS.TS. Đỗ Tất Lợi, táo ta còn gọi là toan táo nhân.
Toan táo nhân (sao đen) 6g, phục linh 5g, xuyên khung 3g, tri mẫu 4g, cam thảo 2g, nước 600 ml. Sắc còn 200 ml chia 3 lần uống trong ngày. Uống khi thuốc còn ấm.
Ngoài hạt táo, nhân dân còn dùng lá táo chữa hen rất có kết quả: Ngày uống 200-300g lá táo sao vàng sắc với 3 bát nước, còn 1 bát chia 2 lần uống vào trước bữa ăn 1 giờ, uống liên tục từ 1 tuần đến 2 tháng.
- Chữa chứng suy giảm trí nhớ: Hầm nhỏ lửa 100 gr quả táo trong 500 ml nước, cho tới khi cạn còn khoảng 250 ml. Thêm muỗng canh mật ong, hoặc đường cho vừa ngọt và uống mỗi ngày trước khi đi ngủ.
- Bệnh đường miệng: Nghiền lá tươi và đun lấy dịch chiết, thêm tí muối rồi ngậm súc miệng, ngừa viêm họng, làm sạch khí quản, chữa viêm nhiễm hầu họng.
Ngoài ra, toan táo nhân có thể chế biến thành món ăn cũng có công dụng chữa bệnh:
- Cháo táo nhân: Toan táo nhân 60g, gạo tẻ 200g, nước thục địa hoàng 100g. Toan táo nhân sắc gạn lấy nước, nấu với gạo thành cháo, khi cháo chín nhừ, cho tiếp nước thục địa vào, đun sôi đều. Ăn tùy ý nhiều lần trong ngày. Dùng cho các trường hợp đau nhức cơ thể, bồn chồn kích ứng, hồi hộp mất ngủ.
Có nhiều món ngon được chế biến từ toan táo nhân có lợi cho sức khỏe con người |
- Nước hồ toan táo nhân, nhân sâm, phục linh: Toan táo nhân 30g, nhân sâm 30g, phục linh 30g. Sấy khô, tán bột mịn. Mỗi lần 12 - 16g, hòa tan trong nước cháo loãng (hay nước bột năng). Ăn khi nóng. Dùng cho các trường hợp ra mồ hôi khi ngủ (mồ hôi trộm).
- Cháo nhị đông táo nhân: Mạch đông 10g, thiên đông 10g, táo nhân 10g, gạo nếp 100g, đường trắng lượng thích hợp. Đem 3 dược liệu sắc lấy nước, nấu cháo gạo nếp, thêm đường. Dùng cho các trường hợp hồi hộp, đánh trống ngực, tim đập nhanh, mất ngủ.
- Viên nhục táo nhân thang: Long nhãn 12g, toan táo nhân sao 15g, thêm nước đun cách thủy, cho ăn thường ngày. Dùng cho các trường hợp đau đầu mất ngủ.
Lưu ý: Phụ nữ đang thai kỳ không nên ăn táo ta quá nhiều bởi có thể gây đầy bụng, khó tiêu. Với trẻ nhỏ, do táo ta trái và hạt đều nhỏ nên dễ gây hóc, nghẹn; các bố mẹ hết sức lưu ý vấn đề này khi cho trẻ ăn táo ta.
Ngoài ra, người hay bị mụn nhọt cũng không nên ăn nhiều vì theo Đông y, táo ta là loại trái cây có tính nóng.