Lộ diện dòng margin lãi suất thấp
Lộ diện dòng margin lãi suất thấp |
Công ty ngoại… “phá giá” lãi suất margin
Trong thông báo phát ra gần đây, một công ty chứng khoán thuộc Top 15 thị phần môi giới trên thị trường cho biết, mức lãi suất trái phiếu chào bán được áp dụng là 8,8%/năm cho 3 tháng đầu tiên, các tháng lãi sau bằng lãi suất ngân hàng Vietcombank kỳ hạn 12 tháng trả sau cộng biên độ 2 - 3%/năm. Như vậy, mức lãi suất trái phiếu mà công ty chứng khoán này bán ra sau 3 tháng đầu tiên sẽ ở mức 8,8 - 9,8%/năm.
Khoảng 9 - 10%/năm cũng là mức lãi suất phổ biến mà các công ty chứng khoán huy động bên ngoài (thông qua các kênh vốn vay, trái phiếu…) để tài trợ nguồn vốn cho margin. Với mức lãi suất đầu vào như trên, mức lãi suất cho vay margin các công ty chứng khoán áp dụng phổ biến vào khoảng 12 - 13,5%/năm.
Thế nhưng, câu chuyện về lãi suất cho vay margin trong khối công ty chứng khoán dường như đang có sự thay đổi.
Trong tuần cuối tháng 10, đầu tháng 11 vừa qua, một công ty chứng khoán vốn ngoại đã bắt đầu cung cấp gói cho vay margin với mức lãi suất xấp xỉ 8,5%/năm cho khách hàng VIP. Đây là mức lãi suất cho vay giao dịch ký quỹ thấp nhất mà thị trường ghi nhận tính đến thời điểm này. Trước đó, một số công ty chứng khoán ngoại khác cũng áp dụng mức lãi suất cho vay từ 10,5 - 12%/năm, tùy theo từng khách hàng và gói vay.
Nếu không tính mức lãi suất cho vay sốc 8,5%/năm trong trường hợp nói trên, thì mức lãi suất cho vay 10,5 - 12%/năm là ưu thế vượt trội của các công ty chứng khoán ngoại với các công ty chứng khoán lớn trong nước khác.
Lâu nay, hạ tầng công nghệ thông tin giữa các công ty chứng khoán đã không còn quá khác biệt, với việc áp dụng chính sách ưu đãi thu hút mạnh lực lượng môi giới từ các công ty chứng khoán nội, kéo khách hàng từ các công ty này đi theo, cộng thêm lãi suất cho vay margin thấp hơn hẳn, các công ty chứng khoán ngoại đã tạo được lợi thế cạnh tranh lớn so với nhiều công ty chứng khoán không thuộc nhóm dẫn đầu thị trường.
Bức tranh thị phần năm 2019: Top 10 sẽ có nhiều xáo trộn?
Với lợi thế khách hàng nhà đầu tư tổ chức và những thương vụ thu xếp vốn đi kèm các IPO lớn, hai công ty có thị phần môi giới lớn nhất là Công ty Chứng khoán Sài Gòn (SSI) và Công ty Chứng khoán TP.Hồ Chí Minh (HSC) có thể sẽ không gặp quá nhiều biến động về thị phần. Thế nhưng, với 8 công ty chứng khoán còn lại trong Top 10 thị phần môi giới, năm 2019 có thể sẽ là năm diễn ra nhiều biến động.
Từ giữa năm 2018, nguồn vốn cho margin các công ty chứng khoán bắt đầu khó khăn hơn, khi quy mô thị trường chứng khoán bùng nổ nhanh, trong khi quy mô vốn các công ty chứng khoán lại chưa tăng tương xứng.
Trong khi đó, bản thân các công ty chứng khoán cũng không thể sử dụng toàn bộ nguồn lực tài chính để hỗ trợ cho vay margin, mà một phần vốn không nhỏ được giải ngân cho các khoản vay không có bản chất giao dịch thường xuyên (ví dụ giải ngân cho khách là cổ đông lớn, cổ đông nội bộ doanh nghiệp).
Giữa bối cảnh đó, nhóm công ty chứng khoán ngoại lại vươn lên mạnh mẽ. Việc tăng vốn điều lệ ồ ạt dẫn đến quy mô vốn lớn, nhưng chưa kịp giải ngân, cộng thêm nguồn vốn giá rẻ từ cổ đông mẹ giúp nhóm này sở hữu ưu thế vượt trội so với mặt bằng chung.
Thêm vào đó, điểm khác biệt là, với tiềm lực tài chính mạnh từ cổ đông mẹ, các công ty chứng khoán ngoại sẵn sàng chi lớn cho cơ sở hạ tầng, nhân sự để tạo nên một thay đổi có tính bước ngoặt.
Ví dụ, trong lúc nhiều công ty chứng khoán vẫn áp dụng chính sách “thắt lưng buộc bụng” với chi phí văn phòng, thì có công ty ngoại sẵn sàng bỏ tiền ra thuê nguyên cả một tầng khu văn phòng cao cấp, có giá thuê lên tới 50 – 60 USD/m2/tháng, đắt hơn rất nhiều so với mặt bằng chung văn phòng cho thuê.
Trong nửa cuối năm 2018, sự bùng nổ của nhóm các công ty chứng khoán ngoại dù có được thành công nhất định về thị phần, nhưng chưa tạo ra sự thay đổi lớn về diện mạo Top 10 thị phần môi giới, chủ yếu do nhóm công ty chứng khoán ngoại vẫn đang trong giai đoạn xây dựng và hoàn thiện hệ thống, từ phòng giao dịch, nhân sự, đến chính sách sản phẩm.
Tuy nhiên, năm 2019, nếu thị trường không biến động tiêu cực, rất có thể, cán cân thị phần sẽ nghiêng về nhóm công ty chứng khoán ngoại, với lợi thế từ quy mô vốn margin lớn và chi phí rẻ.