Tan hoang sau bão
“Bàng hoàng” - là cảm giác của ông Bùi Xuân Tịnh - Giám đốc Công ty TNHH MTV Văn Tịnh (Lào Cai) khi nhìn thấy cảnh tượng đổ nát của khu nhà xưởng chứa toàn bộ vật liệu xây dựng và trang thiết bị phòng cháy chữa cháy của doanh nghiệp sau khi cơn bão số 3 đi qua. Không chỉ vậy, mưa và sạt lở còn ảnh hưởng đến nhiều công trình đang xây dựng của doanh nghiệp; ước tính tổng thiệt hại lên tới hàng tỷ đồng.
Nhà xưởng của Công ty Văn Tịnh và nhà ở của 53 hộ dân trên con phố Tùng Tung, phường Nam Cường, thành phố Lào Cai bị sạt lở có nguy cơ đổ sập bất cứ lúc nào |
Hơn 2 tuần kể từ khi bão qua đi, song công ty vẫn chưa thể tiếp cận hiện trường bên trong khu nhà xưởng, do đây vẫn là khu vực bị phong toả vì có nguy cơ sụt lún cao. Sự lo lắng vẫn luôn ẩn chứa bên trong ánh mắt của người đàn ông ngoài 50 tuổi với làn da rám nắng đặc trưng vốn có của “dân” xây dựng, ông Tịnh chia sẻ: “Tôi không nghĩ là một công trình kiên cố ở giữa trung tâm thành phố Lào Cai mà lại bị sạt lở. Hơn 10 năm kinh doanh trong lĩnh vực vật liệt xây dựng với hơn 120 nhân sự, đây là lần đầu tiên doanh nghiệp đứng trước thiệt hại lớn như vậy”.
Không chỉ nhà xưởng của Công ty Văn Tịnh, trên con phố Tùng Tung, phường Nam Cường, thành phố Lào Cai 53 hộ dân cũng phải di dời khẩn cấp. Lãnh đạo địa phương cho biết, trong số những ngôi nhà bị sụt lún, đang sắp sập có cả trụ sở cơ quan của nhà nước. Nhiều ngôi nhà tiền tỷ mới xây đang chờ sập, ước tính thiệt hại hàng trăm tỷ đồng. Cơ quan chức năng đã tính đến phương án tìm nơi ở mới cho người dân để đảm bảo an toàn. Đồng thời khảo sát để đánh giá mức độ ảnh hưởng.
Nhiều ngôi nhà tiền tỷ mới xây đang chờ sập, ước tính thiệt hại cả khu phố là hàng trăm tỷ đồng |
Bão số 3 và mưa lũ sau bão cũng gây thiệt hại và ảnh hưởng rất lớn đến lĩnh vực thuỷ điện tại tỉnh Lào Cai. Theo thống kê của Bộ Công Thương, mưa lũ, sạt lở đất do hoàn lưu của bão số 3 đã khiến 26 nhà máy thủy điện của địa phương này bị hư hỏng phải dừng phát điện, với tổng công suất 292,65 MW. Trong đó, 5 nhà máy thủy điện: Bắc Nà 1, Bắc Nà, Bảo Nhai bậc 2, Cốc Đàm, Nậm Lúc bị hư hỏng nặng, nước tràn vào nhà máy phải dừng phát điện từ 3 tháng đến 6 tháng để khắc phục, sửa chữa. Giá trị thiệt hại của các nhà máy thủy điện ước tính hơn 1.000 tỷ đồng.
Thiệt hại nặng nề nhất phải kể đến Nhà máy thủy điện Nậm Lúc (Công ty cổ phần Thuỷ điện Đông Nam Á Nậm Lúc). Mưa lũ vùi lấp hoàn toàn khu nhà điều hành của nhà mày khiến 7 người thương vong. Ông Nguyễn Tất Anh - Giám đốc điều hành của nhà máy vừa được điều động về đây nghẹn ngào chia sẻ, do mưa lớn, đất đá từ trên sườn núi sạt, lở xuống khiến nhà điều hành của nhà máy bị san phẳng hoàn toàn, 2 cán bộ nhân viên của nhà máy bị thương còn 5 người bị thiệt mạng. Trong đó, có đồng chí giám đốc, một cặp vợ chồng và 2 cán bộ nhân viên khác. “Đây là một sự việc gây bàng hoàng với tất cả cán bộ, nhân viên của chúng tôi” - ông Nguyễn Tất Anh nghẹn ngào nói.
Khu nhà điều hành của Nhà máy thủy điện Nậm Lúc trước và sau khi bị vùi lấp hoàn toàn do sạt lở |
Nhớ lại sự việc đã qua, ông Nguyễn Quang Vinh - Trưởng phòng Tổng hợp Thuỷ điện Nậm Lúc cho biết, khoảng 11h30 đêm ngày 9/9, đợt sạt lở đầu tiên phá huỷ dãy nhà ở phía sau nhưng chúng tôi may mắn thoát được và nỗ lực cứu được 3 người. Khi đang tiếp tục tìm kiếm đồng nghiệp thì nghe thấy tiếng sạt lở đất lớn hơn nên chúng tôi đành phải thoát ra và dẫn nhau lên một mỏm đồi với nhận định có khả năng an toàn để tránh trú.
“Ngồi cả đêm dưới trời mưa và rất lo lắng cho các đồng nghiệp còn mắc lại nhưng chúng tôi không biết làm cách nào vì thời điểm đó mất cả điện và không có sóng điện thoại nên không liên lạc được với ai. Đến rạng sáng ngày 10/9 khi nhìn xuống chúng tôi mới bàng hoàng phát hiện sạt lở đất đã san bằng nhà điều hành” - ông Nguyễn Quang Vinh bùi ngùi kể.
Tài sản của cán bộ, công nhân viên Nhà máy thủy điện Nậm Lúc nằm ngổn ngang |
Không dừng lại ở đó, nước lũ còn tràn vào trong nhà máy, ngập sâu đến hơn 3m, khiến toàn bộ thiết bị gâm trong nước nửa tháng trời. “Do sạt lở nhiều điểm trên các tuyến đường vào đây nên nhà máy bị cô lập hoàn toàn, phải sau 10 ngày mới có thể đi bộ vào nhà máy. Đến nay, những xe lớn vẫn chưa vào được nên công tác khắc phục hậu quả vẫn còn chậm” - ông Nguyễn Tất Anh cho hay.
Cũng theo Lãnh đạo nhà máy này, thiệt hại khoảng 100 tỷ đồng mới chỉ là ước tính ban đầu do các thiết bị điện vẫn còn ngập trong bùn, nước, chưa đánh giá được chính xác mức độ thiệt hại. Đó là chưa kể đến thời gian dừng vận hành để sửa chữa nhà máy nên không có doanh thu trong vòng từ 5 - 6 tháng tới.
Bên trong Nhà máy thủy điện Nậm Lúc vẫn ngập trong nước và bùn đất |
Chung tay tái thiết, khắc phục hậu quả
Cơn mưa nào rồi cũng tạnh, bão nào rồi cũng tan, sau cơn mưa trời sẽ lại sáng, tại thời điểm này, cả nước đã sẵn sàng đồng hành, hỗ trợ để người dân, doanh nghiệp vực dậy sau bão, lũ. Tại Hội nghị Thường trực Chính phủ làm việc với các ngân hàng thương mại cổ phần về các giải pháp góp phần phát triển kinh tế - xã hội, tổ chức vào ngày 21/9 vừa qua, các lãnh đạo các ngân hàng đều khẳng định, đã kinh doanh thì phải vay vốn, nhưng vốn đã bay theo bão, trôi theo lũ, bà con kinh doanh đang đối mặt với nợ nần và cần nguồn vốn mới để tái thiết sản xuất. Tại đây, các nhà băng cũng phân tích tình hình, đề xuất nhiều giải pháp cấp thiết như: Xóa nợ, giãn nợ, triển khai gói vay với lãi suất 0%... “Ở thời điểm hiện tại, giải pháp nào được áp dụng cũng hà hơi tiếp sức cho doanh nghiệp và sự hồi phục của doanh nghiệp càng sớm thì kinh tế càng ổn định và phát triển” - một vị lãnh đạo ngân hàng nói.
Và tín hiệu rất đáng mừng là toàn ngành Ngân hàng đã vào cuộc và đưa ra các giải pháp kịp thời như: Miễn giảm lãi vay, gia hạn thời gian trả nợ cho những trường hợp bị thiệt hại do bão lũ. Tại hội nghị triển khai các giải pháp tín dụng ngân hàng hỗ trợ doanh nghiệp, người dân bị ảnh hưởng bởi cơn bão số 3 diễn ra mới đây, Phó Thống đốc Thường trực Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú đã nhấn mạnh, toàn ngành Ngân hàng thể hiện chia sẻ, đồng hành cùng người dân, doanh nghiệp. “Mỗi nhà băng phải chủ động tìm đến khách hàng, theo tinh thần “đã nói là phải làm, đã cam kết là phải thực hiện”, tránh câu chuyện “muốn vay lãi suất thấp thì lên tivi”, phải thực hiện đồng bộ từ hội sở chính cho đến các chi nhánh” - Phó Thống đốc Đào Minh Tú nhấn mạnh.
Sau nửa tháng, cán bộ, công nhân Nhà máy thủy điện Nậm Lúc mới có thể triển khai khắc phục hậu quả mưa lũ |
Trước tình hình trên, theo đúng chỉ đạo của Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước, các ngân hàng thương mại bằng tất cả tinh thần và trách nhiệm, đang chủ động trở thành “chỗ dựa” của người dân, doanh nghiệp trong khó khăn. Các nhà băng bằng nguồn lực từ chính lợi nhuận của mình đang tích cực triển khai nhiều chương trình hỗ trợ kịp thời, đồng hành với khách hàng vực dậy sau bão.
Ông Bùi Xuân Tịnh cho biết, sau khi nắm bắt được thiệt hại của doanh nghiệp, Ngân hàng TMCP Sài Gòn - Hà Nội (SHB) chi nhánh Lào Cai - người bạn đồng hành trong quá trình kinh doanh từ những ngày đầu công ty thành lập đã nhanh chóng liên hệ, động viên chia sẻ với chúng tôi. Đồng thời, ngân hàng cũng nhanh chóng đưa ra những biện pháp hỗ trợ để giúp doanh nghiệp vượt qua khó khăn, vực dậy sau bão.
“SHB đã ngay lập tức động viên doanh nghiệp, đồng thời có những chính sách ưu đãi, giảm lãi phải trả và giảm phí bảo lãnh dự thầu. Đặc biệt, hơn nữa ngân hàng có gói vay mới với lãi suất cố định 4,5%. Nếu không có khoản vay của SHB, Công ty chúng tôi sẽ rất khó khăn, không biết bắt đầu từ đâu” - ông Tịnh phấn khởi nói, đồng thời cho biết, với gói vay ưu đãi từ ngân hàng, công ty sẽ dùng để hoàn thiện các công trình đang thi công dở dang, khắc phục lại nhà xưởng, nhà kho, tạo công ăn việc làm cho cán bộ, công nhân viên và có nguồn chi trả cho ngân hàng.
Ngân hàng SHB Lào Cai chủ động nắm bắt thông tin về thiệt hại cả về người và tài sản của khách hàng |
Tương tự, sau khi chủ động nắm bắt thông tin về thiệt hại cả về người và tài sản của Nhà máy thủy điện Nậm Lúc, ông Hoàng Văn Sỹ - Giám đốc SHB chi nhánh Lào Cai cho biết, ngân hàng đã ngay lập tức thăm hỏi, động viên khách hàng. Thấu hiểu khó khăn trước mắt của nhà máy, ngay trong tháng 9, SHB đã giảm số tiền lãi phải trả của nhà máy với số tiền là 5 tỷ đồng; đồng thời cam kết sẽ tiến hành giảm 50% lãi trong 4 tháng cuối năm 2024, dự kiến số tiền giảm lãi là trên 10 tỷ đồng. Đặc biệt, để doanh nghiệp có nguồn kinh phí thay thế, sửa chữa máy móc, sớm đưa nhà máy đi vào vận hành, SHB mạnh dạn cho doanh nghiệp vay số tiền 50 tỷ đồng với lãi suất cố định 4,5%/năm.
Ông Nguyễn Tất Anh bày tỏ, trong lúc cán bộ, nhân viên nhà máy còn đang bối rối, chịu những tâm lý mất mát của đồng nghiệp thì cán bộ, nhân viên của SHB Lào Cai đã nhanh chóng và chủ động gặp gỡ, chia sẻ những đau thương bằng cả tinh thần và vật chất. “Đây là những hỗ trợ đặc biệt có ý nghĩa với cán bộ, nhân viên nhà máy trong lúc khó khăn, thể hiện tinh thần tương thân, tương ái. Ngân hàng là điểm tựa vững chắc để chúng tôi “gượng dậy” và mạnh mẽ hơn sau những mất mát” - ông Nguyễn Tất Anh nói.
Với triết lý kinh doanh “lấy tâm làm gốc, lấy khách hàng làm trọng tâm”, ông Hoàng Văn Sỹ - Giám đốc SHB Lào Cai cho biết, sau bão, ngân hàng đã chủ động đến với khách hàng để nắm bắt tình hình thực tế, từ đó xây dựng chính sách và ban hành các chương trình kịp thời hỗ trợ khách hàng, chứ không chờ đợi khách hàng đề xuất. “Từ tháng 9, SHB Lào Cai đã áp dụng ngay các chương trình mà Hội sở đã ban hành với khách hàng. Chúng tôi đã miễn giảm lãi cho khách hàng lên tới gần 10 tỷ đồng và đang nỗ lực triển khai chương trình gói tín dụng ưu đãi 4,5% để hỗ trợ người dân, doanh nghiệp có nguồn vốn khôi phục hoạt động sản xuất kinh doanh” - ông Hoàng Văn Sỹ thông tin.
Lãnh đạo SHB Lào Cai cũng khẳng định, ngân hàng sẽ cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ với khách hàng bị ảnh hưởng bởi bão lũ trên cơ sở đề nghị của khách hàng và đánh giá của SHB về khả năng trả nợ của khách hàng…
Có thể nói, những giải pháp giảm áp lực nợ nần, đồng thời tạo chỗ dựa về nguồn vốn của các ngân hàng là điểm tựa quan trọng để doanh nghiệp trở lại với thương trường.
Nhằm hỗ trợ người dân, doanh nghiệp vực dậy sau bão lũ , Ngân hàng Nhà nước đã ban hành Chỉ thị 04 về các giải pháp của ngành Ngân hàng nhằm góp phần hỗ trợ người dân, doanh nghiệp gặp khó khăn do ảnh hưởng của cơn bão số 3 khôi phục và thúc đẩy sản xuất kinh doanh, tăng trưởng kinh tế. Trong đó, với các tổ chức tín dụng, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước yêu cầu khẩn trương chỉ đạo các chi nhánh, phòng giao dịch tại các tỉnh, thành phố bị ảnh hưởng triển khai các giải pháp hỗ trợ như cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn giảm lãi vay, khoanh nợ, cho vay mới; Thực hiện chính sách cơ cấu lại thời hạn trả nợ giữ nguyên nhóm nợ, khoanh nợ, cho vay mới đối với khách hàng thuộc đối tượng theo quy định tại Nghị định số 55/2015/NĐ-CP, Nghị định 116/2018/NĐ-CP và các văn bản hướng dẫn của Ngân hàng Nhà nước về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp nông thôn. |