8h23’, đoàn xe bắt đầu lăn bánh ra đường Trần Thánh Tông. Đoàn xe đưa linh cữu Chủ tịch nước gồm xe chỉ huy, dẫn đường, xe thông tin, xe tác chiến điện tử, xe chở quốc kỳ, linh xa, xe chở đội hình danh dự, xe phục vụ nghi lễ…
Rất nhiều người dân đứng hai bên đường để chào tiễn biệt Chủ tịch nước.
Tại Hội trường Thống nhất TPHCM, lễ truy điệu cũng diễn ra dưới sự điều hành của Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Nguyễn Văn Thành. Trong phòng lễ có Bí thư Thành uỷ TPHCM Nguyễn Thiện Nhân, Chánh Văn phòng Trung ương Đảng Nguyễn Văn Nên, nguyên Phó Thủ tướng Trương Vĩnh Trọng cùng nhiều lãnh đạo các cơ quan Đảng, Nhà nước tại thành phố.
Trong ngày 26/9, có hơn 400 đoàn đến viếng Chủ tịch nước tại TPHCM.
Tại xã Quang Thiện, huyện Kim Sơn, Ninh Bình, dù trời mưa mau nhưng từ sáng sớm, các cấp lãnh đạo tại Ninh Bình, gia đình, người thân đã có mặt để tiễn biệt Chủ tịch nước Trần Đại Quang – người con ưu tú của quê hương.
Đoàn xe nghi lễ đưa di hài Chủ tịch nước Trần Đại Quang rời Nhà tang lễ quốc gia |
8h11, lá quốc kỳ đã được phủ lại lên linh cữu Chủ tịch nước. Nắp lồng kính cũng được hạ xuống. Linh xa đặt linh cữu có gắn đại bác phía trước, lư hương nghi ngút khói trầm...
Đoàn xe di chuyển dần ra cổng nhà tang lễ quốc gia. Đi ngay sau linh xa là Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh, nguyên Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh, nguyên Chủ tịch nước Trần Đức Lương, quyền Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh, phu nhân Chủ tịch nước Trần Đại Quang cùng toàn thể gia quyến, các lãnh đạo khác của Đảng, nhà nước.
Linh xa sẽ đi theo các tuyến đường: Trần Thánh Tông – Lê Thánh Tông – Tràng Tiền – Hàng Khay – Tràng Thi – Hoàng Diệu – Kim Mã – Trần Duy Hưng – Nguỵ Như Kon Tum và dừng tại đây để làm lễ theo truyền thống.
Từ đây, đoàn xe tiếp tục di chuyển theo đường Khuất Duy Tiến, lên đường vành đai trên cao để vào cao tốc Pháp Vân – Ninh Bình, trở về quê hương Chủ tịch nước.
7h53’, đội nghi lễ chuẩn bị cho lễ di quan. Hai hàng tiêu binh đứng nghiêm trang hai bên và dần di chuyển bát hương, khung huân huy chương, án thờ, ảnh thờ đặt trước linh cữu Chủ tịch nước ra cỗ linh xa đã đỗ trong sân Nhà tang lễ quốc gia.
Các sỹ quan trong trang phục màu trắng rước di ảnh, khung gắn huân huy chương, lá quốc kỳ di chuyển trước, theo sau là gia quyến Chủ tịch nước rước bát hương. 12 sỹ quan khác cùng nâng cỗ linh cữu, chuẩn bị đưa ra khỏi hội trường nhà tang lễ quốc gia. Đoàn đưa tang chầm chậm tiến ra khỏi hội trường. Hộ tống hai bên linh cữu là Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân.
Ra tới cỗ linh xa, đội tiêu binh thận trọng đặt linh cữu Chủ tịch nước lên xe. Giây phút tiễn biệt tĩnh lặng, chỉ có tiếng nhạc trầm buồn. Linh cữu Chủ tịch nước được đặt trong lồng kính, sẽ di chuyển qua các tuyến phố của Hà Nội và sẽ dừng trước tư gia Chủ tịch nước (tại số 8 phố Nguỵ như Kon Tum) để ông có thể thăm lại gia đình lần cuối trong hành trình trở về của mình.
7h48’, toàn thể gia quyến và lãnh đạo Đảng, Nhà nước, các đoàn đại biểu trong nước và quốc tế đi vòng quanh linh cữu Chủ tịch nước Trần Đại Quang để một lần cuối tiễn biệt ông.
7h44’, sau lời điếu văn, phút mặc niệm bắt đầu.
Đại diện gia đình, ông Trần Quân – con trai Chủ tịch nước Trần Đại Quang - đáp từ, bày tỏ lòng xúc động, biết ơn sâu sắc với các lãnh đạo Đảng, Nhà nước, các cơ quan đoàn thể, các giáo sư, y bác sĩ đã nỗ lực điều trị bệnh cho Chủ tịch nước trong những ngày tháng qua cũng như tổ chức trang lễ chu đáo, trang trọng.
“Những lời ca ngợi, tôn vinh cha tôi cũng là sự tôn vinh với Đảng, với đất nước” – ông Quân nói.
"Tâm nguyện của cha tôi là suốt đời phấn đấu hi sinh cho Đảng, dân tộc. Về với ông, cha, anh linh cha tôi sẽ hoà cùng anh linh các vị tiền bối phù hộ cho đất nước ngày càng thịnh vượng".
Lời sau cùng, ông Quân gửi lời cảm ơn tới tất cả những người đã tới viếng thăm, các cá nhân, tổ chức quốc tế đã thắp nén hương, gửi lời chia buồn với gia đình.
Lúc này, phía bên ngoài Nhà tang lễ, trên các ngả đường linh cữu sẽ đi qua, người dân trang trọng chờ đợi để được tiễn biệt Chủ tịch nước lần cuối.
7h35, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng - Trưởng Ban Lễ tang lên đọc lời điếu văn. "Chủ tịch nước Trần Đại Quang mất đi là một tổn thất lớn với Đảng, Nhà nước và nhân dân. Hôm nay, trong niềm tiếc thương vô hạn, Ban chấp hành Tư Đảng, Quốc hội, Chính phủ, Chủ tịch nước, UBTW MTTQ Việt Nam tiễn đưa Chủ tịch nước Trần Đại Quang về nơi an nghỉ cuối cùng".
Tổng Bí thư điểm lại quá trình công tác của Chủ tịch nước trong hơn 40 năm qua, từ khi là học viên Học viện Cảnh sát nhân dân cho tới khi trở thành Bộ trưởng Bộ Công an rồi thành Uỷ viên Bộ Chính trị, Chủ tịch nước, hoạt động của ông Trần Đại Quang gắn liền với lực lượng công an. Ông đã cùng lãnh đạo Bộ Công an thể chế hoá cương lĩnh lãnh đạo của Đảng về đảm bảo an ninh trật tự, chủ động nắm bắt tình hình, tham mưu với lãnh đạo Đảng, Nhà nước những chính sách về đảm bảo an toàn an ninh quốc gia, phá vỡ nhiều âm mưu chống phá.
Những nỗ lực và cống hiến của Chủ tịch nước trên cương vị người lãnh đạo lực lượng công an đã giúp giữ vững an toàn an ninh, bảo vệ và phát triển đất nước. Trên cương vị Chủ tịch nước từ tháng 4/2016 đến nay, ông đã lãnh đạo toàn quân, toàn dân thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ, phối hợp với các tổ chức lập pháp, hành pháp, tư pháp và UBMTTQ Việt Nam để tích cực đóng góp vào quá trình đổi mới, tăng cường tiềm lực quốc phòng an ninh, nâng cao vị thế, uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế.
“Là một trong những nhà lãnh đạo chủ chốt của Đảng, đồng chí luôn nêu cao tinh thần trách nhiệm, khiêm tốn, nỗ lực hoạt động để nâng cao uy tín, vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế. Đồng chí cũng tuyệt đối trung thành với Đảng, với chế độ, với nhân dân, Tổ quốc. Trong gia đình, đồng chí là người chồng, người cha gương mẫu, gần gũi, yêu thương” – Tổng Bí thư nói.
Với 63 năm tuổi đời, 38 năm tuổi Đảng, Chủ tịch nước Trần Đại Quang đã được Đảng và nhà nước đã ghi nhận, trao tặng nhiều danh hiệu cao quý. Tổng Bí thư nhấn mạnh: “Vĩnh biệt đồng chí, chúng tôi xin quyết tâm một lòng đi theo con đường Đảng, Bác Hồ đã lựa chọn, kiên định con đường Chủ nghĩa Mác-Lê nin, tư tưởng Hồ Chí Minh, xây dựng đất nước dân chủ, công bằng, văn mình, đi lên CNXH. Trước nỗi đau thương mất mát không gì sánh được này, kính cẩn nghiêng mình trước anh linh Chủ tịch nước”.
7h30, Ban Tổ chức lễ tang mời gia đình đứng bên trái phòng tang, các lãnh đạo Đảng, Nhà nước, cơ quan đoàn thể đứng bên phải phòng tang. Phó Thủ tướng Trương Hoà Bình - Trưởng BTC Lễ tang - tuyên bố bắt đầu lễ truy điệu Chủ tịch nước Trần Đại Quang.
Phó Thủ tướng chia sẻ, có 1.658 đoàn với số lượng khoảng 50.000 người đại diện các cơ quan đoàn thể, địa phương, các chức sắc tôn giáo, tổ chức trong nước và quốc tế đã đến viếng Chủ tịch nước Trần Đại Quang tại Hà Nội, TPHCM và tại quê nhà Ninh Bình, trong đó có 16 đoàn lãnh đạo cấp cao quốc tế. Lãnh đạo nhiều nước đã gửi điện chia buồn với lãnh đạo nhà nước Việt Nam và gia đình Chủ tịch nước Trần Đại Quang về sự ra đi của ông.
Quốc ca được cử hành trang trọng trong phòng tang lễ. Tất cả mọi người nghiêm trang chào cờ trước linh cữu Chủ tịch nước.
TPHCM không cấm người dân lưu thông qua đoạn đường trước cổng Hội trường Thống Nhất nhưng lực lượng cảnh sát giao thông được tăng cường để đảm bảo giao thông an toàn và trật tự tại đây.
6h30, lực lượng công an, quân đội túc trực ngoài cổng Nhà tang lễ quốc gia số 5 Trần Thánh Tông (Hà Nội), đảm bảo an ninh trật tự, phân luồng, hướng dẫn người dân tham gia giao thông quanh khu vực nhà tang lễ. Sáng sớm nay trời chỉ mưa lây phây, thời tiết mát mẻ, thuận lợi cho người dân tới viếng và tiễn đưa Chủ tịch nước Trần Đại Quang về nơi an nghỉ cuối cùng.
27/9 là ngày thứ 2 trong lễ Quốc tang của Chủ tịch nước Trần Đại Quang. Theo chương trình do Ban lễ tang bố trí, lễ truy điệu Chủ tịch nước sẽ diễn ra vào 7h30 tại Nhà tang lễ quốc gia số 5 Trần Thánh Tông, Hà Nội.Hội trường Thống Nhất TPHCM cũng đã sẵn sàng cho lễ truy điệu sáng nay. Theo ban tổ chức, dự kiến sẽ có khoảng 2.000 đại biểu tham dự lễ truy điệu.
Sau lễ truy điệu, linh cữu Chủ tịch nước Trần Đại Quang được di quan về quê nhà tại xóm 13 xã Quang Thiện, huyện Kim Sơn, tỉnh Ninh Bình. Tại đây, mộ phần của Chủ tịch nước đã được gia đình và địa phương chuẩn bị những ngày qua để chuẩn bị cho lễ an táng ông vào 15h30 chiều nay.
Theo quy định về việc tổ chức lễ Quốc tang, Trưởng Ban lễ tang chủ trì lễ truy điệu, đọc lời điếu và tuyên bố phút mặc niệm người đã mất. Khi mặc niệm, quân nhạc cử nhạc “Hồn tử sĩ”. Thực hiện xong các nghi thức, Trưởng Ban lễ tang tuyên bố kết thúc lễ truy điệu.
Những lễ Quốc tang của đất nước thời gian qua (lễ Quốc tang Đại tướng Võ Nguyên Giáp, lễ Quốc tang nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải), Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đều là Trưởng Ban lễ tang, là người viết điếu văn tiễn biệt các nhà lãnh đạo đất nước qua các thời kỳ. Hôm nay, Tổng Bí thư thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước đọc lời điếu để tưởng nhớ, đưa tiễn vị lãnh đạo đương nhiệm từ trần ở nửa đầu nhiệm kỳ công tác - Chủ tịch nước Trần Đại Quang.
Tại lễ viếng diễn ra sáng ngày 26/9, ghi sổ tang, Tổng Bí thư bày tỏ niềm thương tiếc Chủ tịch nước Trần Đại Quang. Tổng Bí thư đánh giá, Chủ tịch nước Trần Đại Quang là nhà lãnh đạo có nhiều cống hiến, đóng góp cho Đảng, Nhà nước và nhân dân, nhất là cho lực lượng Công an nhân dân.
Tổng Bí thư cũng sẽ là người cùng đưa linh cữu Chủ tịch nước lên đường trở về quê hương trong lễ đưa tang diễn ra sau đó. Chủ tịch nước Trần Đại Quang có chuyến hành trình cuối cùng về với đất mẹ, về nơi an nghỉ.