Đây là lễ hội nhằm vinh danh người sáng lập Chợ Được (thôn Phước Ấm, xã Bình Triều, Thăng Bình, Quảng Nam). Tương truyền bà có tên thật là Nguyễn Thị Thiếp (húy là Của, SN 1799, người gốc làng Phường Chào, thuộc châu Phiếm Ái, huyện Diên Phước, phủ Điện Bàn, Quảng Nam, nay thuộc xã Đại Cường, huyện Đại Lộc, Quảng Nam). Bà được dân làng Phước Ấm tôn xưng khi mới 18 tuổi.
Người dân từ mọi miền đất nước về tham gia lễ hội.
Tương truyền, cha Bà tên Trí, từng làm quan lớn trong triều Lê. Mẹ Bà họ Trịnh, húy là Tình. Bà sinh ra ở chốn khuê các, uy nghiêm. Lúc thân mẫu Bà trở dạ, ngoài trời xuất hiện một cơn gió quay cuồng, cát bụi mù mịt, mây trắng bồng bềnh che phủ cả một vùng trời.
Lễ hội diễn ra trong 2 ngày 10-11 tháng Giêng Âm lịch hằng năm.
Khi Bà chào đời, Bà có dáng người khỏe mạnh, trắng như tuyết, thơm như hoa, bước đi khác thường, tiếng nói sang sảng, trong trẻo, thân thể không có xương. Bà hành nghề thầy lang cứu chữa người bệnh, dạy dân làng buôn bán và cũng thường xuyên biến hóa thần thông để trị bọn tham quan.
Năm 18 tuổi, Bà đã quy tiên tại quê nhà. Ngày tạ thế, hồn Bà được xuôi dòng Trường Giang chu du đến làng Phước Ấm (xã Bình Triều), linh ứng dựng nên ngôi Chợ Được đông vui, sầm uất.
Nhớ ơn Bà, người dân làng Phiếm Ái đã xây nên một ngôi mộ chôn cất Bà. Dân làng hết lòng sùng kính, thường xuyên cử người thay phiên nhau coi giữ, chăm nom ngôi mộ. Rồi một ngày, ngôi mộ Bà bị một con trâu húc đổ. Ngay sau khi húc ngôi mộ, con trâu liền lăn ra chết, không rõ nguyên do.
Sợ Bà quở trách, dân làng đã sắm lễ, mời thầy cúng về tạ lỗi. Sau khi cúng xong, trong khi ngồi trò chuyện, vị thầy cúng đã vô ý nói lời xúc xiểm đến Bà. Tuy nhiên, vừa nói xong, đầu ông bỗng đau như búa bổ, vài ngày sau ông đột tử cũng không rõ căn nguyên.
Năm Thành Thái thứ 6, dân làng Phước Ấm và thương gia Chợ Được đã làm đơn trình lên phủ, tỉnh và Bộ Lễ xin ban sắc phong Bà Chợ Được là “Tề thục dực bảo trung hưng trung đẳng thần”.
Năm Khải Định tứ tuần thì Bà được phong sắc “Trang huy dực bảo trung hưng thượng đẳng thần”. Bà còn được suy tôn làm “Tề thục dực bảo trang huy thượng đẳng thần”, “Thần nữ linh ứng Nguyễn Thị Tôn Thần”...
Các hoạt động tại lễ hội rước Cộ Bà Chợ Được được tổ chức tối 1/3.
Chuyện kể rằng, Bà Chợ Được là ông tổ nghề buôn bán, thành hoàng làng của người dân làng Phước Ấm. Bà cho dựng một quán nước nhỏ bên vệ đường, gần mép sông, người qua kẻ lại ngày một đông. Dần dà, thôn vắng trở thành chợ tấp nập, nhộn nhịp, dân tứ phương kéo về dựng quán, xây nhà như đô hội.
Lễ rước Cộ Bà Chợ Được được công nhận “Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia”.
Lễ hội rước cộ Bà Chợ Được cầu cho “quốc thái dân an”, bày tỏ lòng tri ân của dân làng đối với Bà Chợ Được - người đã đem lại cuộc sống thanh bình cho dân làng.
Lễ rước cộ Bà tái hiện hình ảnh những nhân vật trong lịch sử dân tộc hoặc sự kiện lịch sử như: Hai Bà Trưng cưỡi voi đánh giặc, Thánh Gióng đánh đuổi giặc Ân, bước chân thần tốc của người anh hùng áo vải Tây Sơn Nguyễn Huệ... Tất cả nhằm giáo dục tình yêu quê hương đất nước cho con cháu muôn đời ghi nhớ công đức của Bà.