Thứ tư 02/04/2025 03:01

Lào Cai - Yên Bái: Sau chia tách, ai bứt phá mạnh hơn?

Lào Cai, Yên Bái từng là một tỉnh Hoàng Liên Sơn, sau hơn 30 năm chia tách, hai địa phương này đang phát triển ra sao?

Dấu ấn một thời của sự hợp nhất Lào Cai - Yên Bái

Thời kỳ 1976 - 1991, Lào Cai - Yên Bái - Nghĩa Lộ sáp nhập thành tỉnh Hoàng Liên Sơn. 15 năm dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ Hoàng Liên Sơn, nhân dân các dân tộc khu vực Lào Cai đã đẩy mạnh phát triển kinh tế, xây dựng phòng tuyến biên giới và đã giành thắng lợi trong chiến đấu, bảo vệ vững chắc biên cương Tổ quốc.

Báo Hoàng Liên Sơn. Ảnh tư liệu

Ngày 27/3/1975, tại Kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa 5 đã ra Nghị quyết hợp nhất tỉnh Yên Bái, Nghĩa Lộ, Lào Cai thành tỉnh Hoàng Liên Sơn. Đến năm 1991, Quốc hội khóa 8 ra nghị quyết chia tỉnh Hoàng Liên Sơn để tái lập hai tỉnh Lào Cai và Yên Bái.

Tỉnh Hoàng Liên Sơn từng là một địa danh quan trọng trên bản đồ Việt Nam, đóng vai trò lớn trong phát triển kinh tế - xã hội khu vực Tây Bắc. Tuy nhiên, điều kiện phát triển riêng biệt của từng địa phương đã dẫn đến quyết định tách tỉnh, mở ra những hướng đi mới cho Lào Cai và Yên Bái.

Sau hơn 30 năm chia tách, hai địa phương đang phát triển ra sao?

Năm 2024, tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) của Yên Bái đạt 7,91%, mức 7,38% là của Lào Cai. Quy mô kinh tế Yên Bái 2024 ước đạt 48.662 tỷ đồng, trong khi Lào Cai có mô kinh tế đạt 77.223 tỷ đồng, tăng 11,8% so với năm 2023.

Tại Yên Bái, tăng trưởng được hỗ trợ bởi ngành công nghiệp và xây dựng, chiếm 16.032 tỷ đồng, tăng 10,17%. Trong khi đó, kinh tế Lào Cai phát triển khá toàn diện, chủ yếu dựa vào công nghiệp và chế biến sâu khoáng sản; riêng năm 2024, giá trị sản xuất công nghiệp đã đạt 47.000 tỷ đồng; du lịch cũng phát triển rất mạnh mẽ.

Các ngành kinh tế mũi nhọn: Lào Cai phát triển nhanh, Yên Bái ổn định

Lào Cai có thế mạnh ở ngành công nghiệp, khai thác khoáng sản và logistics, đặc biệt nhờ hệ thống cửa khẩu quốc tế; chỉ số năng lực cạnh tranh PCI của tỉnh năm 2023 đạt 67,38 điểm, xếp 26/63 tỉnh, thành phố.

Yên Bái tập trung vào nông, lâm nghiệp, với 10.523 tỷ đồng, tăng 3,56%, giúp đảm bảo đời sống người dân.

Thương mại và đầu tư: Yên Bái ổn định, Lào Cai tăng tốc

Lào Cai đang tăng cường thu hút đầu tư, đặc biệt qua việc tổ chức xúc tiến đầu tư tại Nhật Bản. Tỉnh cũng tập trung phát triển hạ tầng logistics, đặc biệt tại khu vực cửa khẩu Lào Cai, nhằm tận dụng lợi thế thương mại biên giới. Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu qua cửa khẩu Lào Cai năm 2024 ước đạt 5 tỷ USD, tăng mạnh so với năm trước.

Trong khi đó, Yên Bái duy trì mức tăng trưởng ổn định, tập trung thu hút doanh nghiệp sản xuất chủ yếu trong nông nghiệp, thu hút doanh nghiệp chế biến lâm sản và thực phẩm, giúp gia tăng giá trị sản phẩm địa phương.

Kết cấu hạ tầng: Lào Cai đi trước một bước

Lào Cai có lợi thế lớn về hạ tầng giao thông với hệ thống cao tốc Nội Bài - Lào Cai, giúp kết nối thuận lợi với Hà Nội và Trung Quốc. Hơn nữa, tỉnh đang đẩy mạnh đầu tư vào cảng cạn ICD Lào Cai, giúp nâng cao năng lực logistics.

Yên Bái cũng có những bước tiến trong phát triển hạ tầng, đặc biệt là mở rộng quốc lộ 32 và quốc lộ 37, kết nối với các tỉnh lân cận. Tuy nhiên, so với Lào Cai, tỉnh vẫn cần đầu tư mạnh hơn vào hệ thống logistics và hạ tầng công nghiệp để thu hút đầu tư nước ngoài.

Du lịch: Lào Cai bứt phá, Yên Bái tiềm năng lớn

Lào Cai tiếp tục giữ vững vị thế là trung tâm du lịch miền núi phía Bắc với Sa Pa, Fansipan và Bắc Hà. Năm 2024, tổng lượng khách đến Lào Cai đạt 8 triệu lượt khách với tổng thu 26.700 tỷ đồng, tăng trưởng so với 2023.

Mù Cang Chải (Yên Bái) mùa lúa chín

Trong khi đó, Yên Bái có tiềm năng lớn với các điểm du lịch như Mù Cang Chải, Hồ Thác Bà và Suối Giàng…, nhưng lượng khách năm 2024 đón trên 2,1 triệu lượt khách, tăng 3%. Trong đó, khách quốc tế ước đạt 270.000 lượt; doanh thu ước đạt 1.790 tỷ đồng, bằng 119,3% kế hoạch, tăng 4% so với cùng kỳ năm trước song quy mô còn nhỏ hơn nhiều so với Lào Cai.

Lào Cai dẫn đầu thu nhập, Yên Bái tăng trưởng ổn định

Yên Bái duy trì mức GRDP bình quân đầu người đạt 56,3 triệu đồng/người/năm, tăng 5,4 triệu đồng so với năm 2023. Trong khi đó, Lào Cai có GRDP bình quân đầu người đạt 97,48 triệu đồng/người/năm, tăng 8,88 triệu đồng so với năm 2023.

Lào Cai có nền kinh tế phát triển mạnh hơn nhờ các ngành công nghiệp, thương mại và du lịch. Trong khi đó, Yên Bái vẫn chủ yếu dựa vào nông - lâm nghiệp với giá trị gia tăng thấp hơn.

Qua tìm hiểu của phóng viên, theo tài liệu Sở Công Thương Lào Cai cho biết, Lào Cai có nhiều đột phá và thế mạnh sau khi chia tách.

Là nơi con Sông Hồng chảy vào đất việt, Lào Cai là tỉnhnằm giữa vùng Tây Bắc và vùng Đông Bắc; là vùng sinh thái quan trọng đối với cả nước; có vị trí, vai trò chiến lược về địa chính trị, địa kinh tế của Quốc gia trong giao lưu kinh tế, đối ngoại, hợp tác quốc tế với tỉnh Vân Nam, vùng Tây Nam (Trung Quốc) và ASEAN; cửa ngõ quan trọng của tuyến hành lang kinh tế Côn Minh - Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng – Quảng Ninh; là con đường ra biển ngắn nhất, hiệu quả nhất của hàng hoá từ thị trường Tây Nam - Trung Quốc đến với thị trường Đông Nam Á, Đông Á và ngược lại.

Ngoài ra, Lào Cai có hệ thống hạ tầng giao thông nội địa và quốc tế thuận lợi, đa dạng với đủ loại hình mang tính mạng lưới. Các tuyến Quốc lộ phân bố rộng khắp (QL 70, 4D, 4E, 279); cao tốc Nội Bài - Lào Cai dài nhất cả nước liên kết 3 tỉnh trong vùng với vùng Thủ đô; tuyến đường sắt Hà Nội - Lào Cai nối với Côn Minh - Trung Quốc đã vận hành hơn 110 năm và sắp tới đây là tuyến đường sắt tốc độ cao Lào Cai – Hà Nội – Hải Phòng (dự kiến khởi công năm 2025 – hoàn thành trước năm 2030); tuyến đường thủy trên sông Hồng có giá trị lịch sử của cả vùng Bắc Bộ. Đặc biệt, Cảng Hàng không Sa Pa quy mô cấp 4C, tổng vốn đầu tư trên 7.000 tỷ đồng (đã được Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt chủ trương đầu tư chuẩn bị khởi công năm 2025) sẽ đưa Lào Cai trở thành địa phương duy nhất trong vùng Trung du và miền núi phía Bắc có đủ 04loại hình giao thông kết nối trực tiếp với thị trường Trung Quốc; mở ra thời kỳ mới, cơ hội mới để Lào Cai và các tỉnh trong vùng phát triển toàn diện.

Tỉnh Lào Cai với vị trí và vai trò hiện tại là cầu nối giữa Việt Nam và vùng Tây Nam Trung Quốc, khu vực có hơn 400 triệu dân và là một trung tâm kinh tế lớn. Thông qua Lào Cai, hàng hóa từ Việt Nam và các nước ASEAN có thể dễ dàng tiếp cận thị trường rộng lớn này. Khu Kinh tế cửa khẩu Lào Cai với các khu công nghiệp và khu logistics hiện đại đang trở thành điểm thu hút đầu tư lớn, góp phần tăng cường xuất - nhập khẩu và thúc đẩy giao thương quốc tế. Những lợi thế đặc biệt nêu trên đã thúc đẩy kinh tế cửa khẩu và thương mại qua biên giới phát triển mạnh. Tổng giá trị xuất nhập khẩu hàng hoá qua Lào Cai giai đoạn 2004-2025 đạt trên 35 tỷ USD, tốc độ tăng trưởng bình quân trên 15%/năm. Hàng hoá xuất khẩuqua Lào Cai chủ yếu là nông sản từ các vùng, miền của cả nước (gạo, đường, Thanh long, Vải tươi, Dưa hấu, Chuối); hàng nhập khẩu chủ yếu là nguyên liệu, vật tư phục vụ sản xuất trong nước (phân bón, than cốc, máy móc, thiết bị, hóa chất...). Qua đó, thấy được vai trò chiến lược của kinh tế cửa khẩu Lào Cai đối với hoạt động kinh tế của cả nước.

Lào Cai có vai trò, vị trí là trung tâm, cực tăng trưởng du lịch lớn của vùng và cả nước. Khu du lịch Quốc gia Sa Pa đạt tiêu chuẩn “Thành phố Du lịch sạch Asean” với tuyến cáp treo lên đỉnh Phan Si Păng hùng vĩ đạt 02 kỷ lục Thế giới cùng với khu du lịch Y Tý đang được đơn vị hàng đầu thế giới tư vấn lập quy hoạch đã từng bước trở thành hạt nhân trong phát triển du lịch của vùng. Hệ thống cơ sở hạ tầng du lịch phát triển mạnh mẽ và từng bước được đầu tư đồng bộ. Lào Cai đã làm việc với Ngân hàng phát triển chấu Á (ADB)để thống nhất kế hoạch đầu tư nâng cấp, mở rộng các tuyếngiao thông phục vụ du lịch nội tỉnh và liên tỉnh. Năm 2004,lượng du khách mới chỉ đạt 400.000 lượt nhưng sau 20 nămđã đạt trên 8 triệu lượt khách và hướng đến năm 2025 sẽ vượt con số 10 triệu lượt khách. Lượng khách du lịch đến Lào Cai giai đoạn 2010-2024 dẫn đầu khu vực Trung du và miền núi phía Bắc và trong nằm trong tốp đầu của cả nước ; kinh tế du lịch đã đóng góp 15% tổng GRDP của cả tỉnh.

Với mục tiêu đến năm 2030 sẽ đón 15 triệu du khách(trong tổng số dự kiến 30 triệu du khách đến vùng) và nguồn thu từ du lịch chiếm 25% - 30% GRDP, Lào Cai sẽ tiếp tục đóng góp đáng kể vào kinh tế du lịch của vùng.

Lào Cai có vai trò, vị trí là trung tâm luyện kim, hóa chất của vùng TDMNPB và cả nước. Là tỉnh giàu tài nguyên khoáng sản với trên 35 loại khoáng sản, 150 điểm mỏ có giá trị cao, trữ lượng lớn cùng với chiến lược khai thác hợp ký kết hợp chế biến sâu nên giá trị sản xuất công nghiệp năm 2024 của Lào Cai đã đạt trên 45.000 tỷ đồng, tốc độ tăng bình quân trên 20%/năm, trong đó:

Quặng Apatit có trữ lượng thăm dò trên 2,5 tỷ tấn, đủ khả năng cung cấp dài hạn nguyên liệu cho các cơ sở sản xuất phân bón chứa lân, góp phần vào chiến lược phát triển công nghiệp của cả nước được ổn định.

Quặng Đồng có trữ lượng trên 100 triệu tấn, hàng đầu Đông Nam Á. Tổ hợp các nhà máy tuyển, luyện đồng công suất 30.000 tấn/năm đã đáp ứng 25% nhu cầu trong nước, giúp ngành sản xuất công nghiệp trong nước giảm gần 300 triệu đô-la ngoại tệ nhập khẩu nguyên liệu. Ngoài ra, Nhà máy sản xuất cáp điện cao thế với công nghệ cán kéo đồng hiện đại nhất Đông Nam Á công suất 60.000 tấn sản phẩm/năm, đủ tiêu chuẩn xuất khẩu sang thị trường Châu Âu sẽ khởi công trong tháng 3/2022.

Quặng Sắt trữ lượng trên 120 triệu tấn với mỏ sắt Quý Sa lớn thứ 2 Việt Nam là nguồn nguyên liệu cho Nhà máy Gang thép Lào Cai công suất 500.000 tấn/năm cung cấp phôi thép cho thị trường trong nước và xuất khẩu.

Đặc biệt, Lào Cai cùng với Lai Châu có trữ lượng đất hiếm lớn nhất cả nước, là loại khoáng sản giữ vai trò chiến lược đối với sự phát triển của các ngành kỹ thuật công nghệ cao của Thế giới.

Với tiềm năng nêu trên, có thể khẳng định, công nghiệp của Lào Cai tiếp tục giữ vị trí quan trọng trong chuỗi sản xuất công nghiệp của cả nước.

Lào Cai có điều kiện để thực hiện vai trò đầu mối thúc đẩy quan hệ kinh tế giữa các tỉnh trong vùng và tỉnh Vân Nam - Trung Quốc: Trên cơ sở mối quan hệ hợp tác hữu nghị, tốt đẹp được xây dựng trong giai đoạn vừa qua, Lào Cai đã tổ chức nhiều hoạt động Hội đàm, ký hợp tác toàn diện giữa Bí thư hai tỉnh Lào Cai và Vân Nam - Trung Quốc; Hội nghị trao đổi giữa Bí thư các tỉnh biên giới với Bí thư tỉnh Vân Nam... Đây chính là lợi thế lâu dài để Lào Cai trở thành cửa ngõ tin cậy và là điểm trung chuyển hàng hoá quan trọng trên tuyến hành làng kinh tế Côn Minh - Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh.

Cùng với những thành quả trong hoạt động đối ngoại, Lào Cai có nhiều cơ hội để được lựa chọn xây dựng Khu hợp tác qua biên giới với các chính sách ưu đãi, đảm bảo đầu tư và cơ chế giám sát tối ưu để tạo điều kiện mở rộng thị trường xuất khẩu cho hàng hoá của vùng và cả nước.

Thế và lực của tỉnh Lào Cai về kinh tế - xã hội sau hơn 30 năm tái lập: Tỉnh Lào Cai được tái lập 10/1991, khi đó là một trong sáu tỉnh nghèo nhất cả nước (Sản lượng lương thực bình quân đầu người 184kg/năm, GRDP bình quân đầu người 680.000 đồng, thu ngân sách đạt 19 tỷ đồng; 54 xã chưa có đường ô tô tới trung tâm xã, 9/10 huyện chưa có điện lưới quốc gia, hệ thống trường học chủ yếu là nhà tạm, 60 % trẻ em trong độ tuổi không được đến trường; 30 % cán bộ xã không biết chữ; 35 xã chưa có trạm y tế xã, 15 xã trắng về y tế; tỷ lệ hộ đói nghèo chiếm 55%, trong đó trên 30% dân số thiếu đói thường xuyên,…). Sau hơn 30 năm tái lập, Lào Cai đã vươn lên trở thành tỉnh đứng tốp đầu trong các tỉnh Trung du và miền núi phía Bắc (về tổng thể, kinh tế Lào Cai đứng thứ 3, xếp sau Bắc Giang và Thái Nguyên). Tốc độ tăng trưởng kinh tế cao, liên tục, bình quân giai đoạn 1991- 2024 đạt gần 10%/năm; tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn năm 2024 đạt trên 13.000 tỷ đồng (gấp 361 lần so với năm 1991, đứng 3 trong vùng sau Bắc Giang, Thái Nguyên), GRDP bình quân đầu người đạt trên 97 triệu đồng (gấp 142 lần so với năm 1991), cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng. Văn hóa – xã hội phát triển toàn diện và có bước đi vững chắc. Giáo dục, y tế đều có bước phát triển vượt bậc, số hộ nghèo giảm từ 54,8% (1991) xuống còn 10,94% (2024 theo tiêu chí mới), khách du lịch đến Lào Cai đạt trên 8 triệu lượt người (2024), đời sống mọi mặt của nhân dân ngày càng được nâng lên, bộ mặt nông thôn ngày càng đổi mới. Tuyến biên giới giữa tỉnh Lào Cai và tỉnh Vân Nam đã được đánh giá “Thực sự là biên giới điển hình, có thể nhân rộng trên toàn tuyến biên giới Việt – Trung” vừa thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh, vừa khẳng định được vai trò “phên dậu” của Tổ quốc.

Tại Nghị quyết số 11-NQ/TW ngày 10/02/2022 của Bộ Chính trị về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh vùng trung du và miền núi Bắc Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; Nghị quyết số 96/NQ-CP ngày 01/8/2022 của Chính phủ: Ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 11-NQ/TW ngày 10/02/2022 của Bộ Chính trị và các Quy hoạch Quốc gia, Quy hoạch Vùng, Quy hoạch tỉnh Lào Cai thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2025 đã được Trung ương chỉ rõ định hướng về phát triển tỉnh Lào Cai: “Xây dựng Lào Cai trở thành một trong những cực tăng trưởng, hạt nhân quan trọng trong phát triển kinh tế vùng. Đồng thời, đưa Lào Cai trở thành Trung tâm kết nối giao thương kinh tế giữa Việt Nam và các nước ASEAN với vùng Tây Nam Trung Quốc”. Để cụ thể hóa các định hướng trên, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1620/QĐ-TTg ngày 20 tháng 12 năm 2024 vềKế hoạch triển khai xây dựng Lào Cai trở thành Trung tâm kết nối giao thương kinh tế giữa Việt Nam và các nước ASEAN với vùng Tây Nam - Trung Quốc.

Hoàng Nhưỡng
Bài viết cùng chủ đề: Sáp nhập tỉnh

Tin cùng chuyên mục

Loạt giải pháp để Đồng Nai thành ‘nam châm’ hút vốn FDI

Bến Tre: Nhanh chóng đưa các cụm công nghiệp vào hoạt động

Ninh Thuận quyết tâm đẩy nhanh tiến độ dự án điện hạt nhân

Gia Lai mở lại cà phê doanh nhân: Hi vọng kết nối không đứt gẫy

Đắk Nông thúc đẩy xuất khẩu sản phẩm thế mạnh

Bắc Giang: Thấy gì từ 'hồ sơ báo cáo' đoàn công tác Chính phủ?

Đồng Nai tiếp tục kiến nghị làm khu thương mại tự do

Loạt dự án tỷ USD biến Cần Giờ thành 'ngôi sao sáng'

Ngành Công Thương Gia Lai lên phương án thúc đẩy các cụm công nghiệp

Xây dựng thành phố Huế trở thành xứ sở hạnh phúc

Sản xuất công nghiệp Đắk Nông khởi sắc trong hai tháng đầu năm 2025

Thành phố Huế: Khởi công 2 dự án hơn 4.000 tỷ đồng

Để tăng trưởng du lịch, Lạng Sơn thực hiện giải pháp gì?

Lạng Sơn: Phát triển cụm công nghiệp 2025-2030 có gì mới?

Bà Rịa - Vũng Tàu: Mưa trái mùa, diêm dân thất thu vụ muối

Quảng Nam: Gắn biển công trình cho bến cảng 5 vạn tấn

Vingroup đề xuất đầu tư tuyến đường sắt đô thị 4 tỷ USD tại TP. Hồ Chí Minh

Thành phố Huế: Sắp khởi công trung tâm logistics Chân Mây

Quy mô kinh tế GRDP các địa phương phía Nam trước sáp nhập tỉnh ra sao?

''Chạy nước rút'' trên cao tốc Bắc - Nam qua Hà Tĩnh