Lào Cai: Phát triển chuỗi giá trị cho cây quế
Mở rộng thị trường xuất khẩu
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) Lào Cai, năm 2010 diện tích trồng quế trên địa bàn khoảng 4.000ha, giai đoạn 2015 - 2020, tỉnh đặt mục tiêu đặt ra là 20.000ha quế. Tuy nhiên, đến năm 2020 tỉnh đã thực hiện được 42.000ha, trong đó có 3.500ha quế hữu cơ.
Quế hữu cơ đem lại giá trị kinh tế cao cho người dân Lào Cai |
Để phát triển ngành hàng quế, Lào Cai cũng quan tâm đến việc xây dựng chỉ dẫn địa lý. Theo đó, Sở NN&PTNT phối hợp với Sở Khoa học và Công nghệ đã hoàn thiện hồ sơ trình Bộ Khoa học và Công nghệ phê duyệt chỉ dẫn địa lý đối với thương hiệu quế Lào Cai. Hiện đang trong quá trình thẩm định hồ sơ.
Lào Cai cũng rất quan tâm đến quá trình sản xuất giống và cơ sở chế biến quế. Hiện trên địa bàn toàn tỉnh có 57 cơ sở sản xuất, kinh doanh cung ứng giống cây lâm nghiệp bao gồm cả cây quế, có 11 nhà máy chế biến quế, Công ty TNHH Hương gia vị Sơn Hà đang chuẩn bị xây dựng nhà máy chế biến quế tại xã Phong Niên, huyện Bảo Thắng.
Quế Lào Cai hiện xuất khẩu trực tiếp sang 9 thị trường gồm: Singapore, Ấn Độ, Thái Lan, Malaysia, Bangladesh, Qatar, Lebanon, Israel, Thổ Nhĩ Kỳ. Tuy nhiên, việc xuất khẩu chủ yếu là các sản phẩm quế vỏ nguyên liệu và tinh dầu có giá trị thấp. Mặc dù có 3.500ha quế hữu cơ nhưng xuất khẩu sang thị trường cao cấp như EU, Mỹ không nhiều mà chủ yếu xuất khẩu sang thị trường Ấn Độ.
“Theo báo cáo của Tổ chức Phát triển Hà Lan (SNV) mà chúng tôi được tham khảo và trao đổi cho thấy quế Lào Cai nói riêng và của cả nước nói chung xuất khẩu sang Ấn Độ chiếm khoảng 81% thị phần của Ấn Độ. Đây là việc chúng ta cũng cần quan tâm”, ông Tô Mạnh Tiến - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Lào Cai - cho hay.
Cũng theo ông Tiến, vừa qua hợp tác xã (HTX) Tâm Hợi thông qua Công ty TNHH MTV Sản vật nhiệt đới Việt Nam đã xuất khẩu 10 container với sản lượng trên 100 tấn quế ống sáo và quế chè sang thị trường Singapore, Ấn Độ, Thái Lan… với giá tương đối cao, trên 120.000 đồng/kg.
Đối với mặt hàng tinh dầu được các công ty xuất bán ra thị trường nước ngoài như Trung Quốc, EU, Mỹ, Sri Lanka… với khối lượng 315 tấn tinh dầu. Một phần nhỏ khoảng 60 tấn tinh dầu quế phục vụ nhu cầu trong nước.
Hiện, sản phẩm quế tại địa phương cũng đã được đẩy mạnh quảng bá thông qua các hoạt động xúc tiến thương mại trong và ngoài nước. Đồng thời từng bước gắn kết du lịch với quảng bá, giới thiệu sản phẩm ngành hàng quế từng bước thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm.
Quế - 1 trong 6 ngành hàng chủ lực của địa phương
Trong chiến lược phát triển nông nghiệp tỉnh Lào Cai và Nghị quyết 10 của tỉnh ủy Lào Cai đã xác định quế là một trong các ngành hàng chủ lực của tỉnh giai đoạn 2021 - 2030. Trong đó, mục tiêu phát triển ngành hàng quế có quy mô khoảng 60.000ha; có khoảng 30.000 - 35.000 ha quế được cấp chứng nhận hữu cơ; thu hút các doanh nghiệp vào đầu tư chế biến các sản phẩm quế; thành lập các tổ hợp tác, HTX phát triển vùng nguyên liệu và sơ chế, thu mua các sản phẩm quế; tổ chức liên kết sản xuất và hình thành các tổ chức xã hội nghề nghiệp để thúc đẩy ngành hàng quế. Về chính sách, Lào Cai đã ban hành chính sách hỗ trợ xây dựng chứng chỉ quế hữu cơ trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021 - 2025; tạo điều kiện về giải phóng mặt bằng cho các doanh nghiệp khi đầu tư vào chế biến các sản phẩm quế.
Với vùng nguyên liệu tương đối phát triển, sự hỗ trợ từ chính quyền địa phương, vùng nguyên liệu gần các nhà máy, cơ sở sản sản xuất đang là những yếu tố thuận lợi giúp phát triển ngành hàng quế Lào Cai. Tuy nhiên, bên cạnh những điểm cộng, việc chuỗi cung ứng chưa được tổ chức chặt chẽ, năng lực tiếp thị và hiểu biết thị trường yếu. Việc tiếp cận thị trường xuất khẩu quốc tế vẫn còn nhiều khó khăn. Thị phần thị trường giá trị cao còn hạn chế. Diện tích quế hữu cơ bắt đầu phát triển nhưng còn rất ít, dưới 7% tổng diện tích, sản phẩm chưa đa dạng. Chuỗi cung ứng chưa được tổ chức triển khai thực hiện hiệu quả, đặc biệt là việc hình thành các tổ hợp tác, HTX để kết nối với các doanh nghiệp.
Việc gia tăng sản lượng nhanh chóng, trong khi đó thị phần thị trường truyền thống đang tiến tới điểm ngưỡng đang là những yếu tố cản trở sự phát triển cây quế tại Lào Cai. “Với diện tích quế tăng quá nhanh sẽ tạo áp lực tiêu thụ lên thị trường truyền thống. Do đó, cần tính toán đến các thị trường cao cấp, tìm đầu ra cũng như nâng cao giá trị cho sản phẩm quế”, ông Tô Mạnh Tiến nhận định.
Mặt khác, đối với quế và sản phẩm quế hiện nay chúng ta chưa có khái niệm hữu cơ. Chế biến sâu mới dừng ở tinh dầu. Ngoài ra, các khâu liên quan đến logistics, quảng bá sản phẩm còn nhiều khó khăn tác động đến sự phát triển của ngành hàng.
Để ngành hàng quế phát triển bền vững, nhiều ý kiến cho rằng cần xác định thị trường sản phẩm, sản xuất ra các sản phẩm theo yêu cầu của thị trường. Có cơ chế chính sách phù hợp và làm tốt công tác truyền thông để thay đổi nhận thức của người dân. Có sự tham gia của doanh nghiệp, đây sẽ là cầu nối giữa HTX và thị trường xuất khẩu. Đẩy mạnh hình thành các tổ hợp tác, hợp tác xã để thúc đẩy liên kết giữa các hộ nông dân tạo vùng nguyên liệu và tạo sự liên kết với doanh nghiệp trong tiêu thụ. Có cơ chế, chính sách phù hợp khuyến khích doanh nghiệp vào đầu tư.
Phát triển chuỗi giá trị cho cây quế Lào Cai nói riêng và Việt Nam nói chung, phía tỉnh Lào Cai cũng kiến nghị Bộ NN&PTNT tham mưu trình Thủ tướng Chính phủ bổ sung Quyết định 885/QĐ-TTg ngày 23/6/2020 về Phê duyệt đề án phát triển nông nghiệp hữu cơ giai đoạn 2020 - 2030, đưa các sản phẩm lâm nghiệp làm gia vị như quế, hồi, sa nhân… vào danh mục được hưởng chính sách. Kiến nghị Quốc hội, chính phủ sớm sửa đổi luật đất đai, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp chế biến nông lâm sản thuộc đối tượng Nhà nước giải phóng mặt bằng xây dựng nhà máy. Bộ NN&PTNT xem xét sửa đổi Thông tư 13/2018/TT-BNN&PTNT về trồng rừng thay thế khi chuyển mục đích sử dụng rừng: hỗ trợ rừng sản xuất bằng các cây đa tác dụng, cho sản phẩm phụ có chuỗi giá trị liên kết như: quế, hồi, chè Shan cổ thụ để nâng cao sinh kế và tăng tỷ lệ che phủ rừng, góp phần bảo vệ rừng và đa dạng sinh học.
Hiện cả nước có tổng diện tích trồng quế khoảng 110.000 ha, trong đó, Yên Bái chiếm 68%, Lào Cai chiếm 24%, Bắc Kạn 3%, Quảng Nam 3%. |