Người tiêu dùng chọn mua sản phẩm sữa tại siêu thị Hapro Gia Lâm (Hà Nội).
CôngThương - Quản lý từ gốc
Công văn số 1380 ban hành ngày 22/3/1012, của Tổng cục Hải quan nêu rõ: Cục hải quan các tỉnh, thành phố phải kiểm tra ngay từ khâu thông quan đối với mặt hàng sữa bột và thực hiện tham vấn, xác định trị giá tính thuế, thu đủ thuế đối với trường hợp giá khai báo của các công ty nhập khẩu thấp hơn cơ sở dữ liệu giá. Trong trường hợp trị giá khai báo có biến động tăng cao hơn 15% so với mức giá tại cơ sở dữ liệu giá của hải quan, sẽ chuyển sang khâu kiểm tra sau thông quan để xác minh.
Việc ban hành văn bản này là do lâu nay, sữa nằm ngoài danh mục quản lý rủi ro của hải quan, vì nằm trong số những mặt hàng tiêu dùng thiết yếu. Việc thông quan do nhà nhập khẩu khai báo tự nguyện, cơ quan chức năng sẽ hậu kiểm. Ngoài ra, thuế xuất nhập khẩu đổi với mặt hàng này không cao. Đây là một trong những nguyên nhân khiến hải quan rất khó phát hiện gian lận của các công ty nhập khẩu sữa, bởi rất khó tìm ra những dấu hiệu gian lận sau một thời gian dài. Trong khi đó, doanh nghiệp (DN) rất dễ kê khống giá nhập để tăng giá bán sữa trên thị trường.
Theo cơ quan hải quan, đây được coi là biện pháp hữu hiệu để phát hiện kịp thời những hành vi gian lận trong khai báo giá sữa nhập khẩu, góp phần bình ổn thị trường sữa trong nước, tạo môi trường kinh doanh bình đẳng.
Tăng cường kiểm tra chống độc quyền
Kết quả khảo sát 100 loại sữa thuộc 10 hãng sữa nước ngoài trên thị trường cho thấy, giá sữa bột nguyên hộp nhập khẩu ở Việt Nam cao hơn từ 20 - 60% so với Thái Lan, Malaysia, Indonesia, cá biệt có sản phẩm cao hơn 100 - 150%.
Bên cạnh việc lấy cớ giá nguyên liệu tăng, các DN còn vin vào lý do chi phí bán hàng để định giá cao. Nhiều DN đã chi các khoản chi phí bán hàng vượt quá quy định 10%. Một số hãng sữa lại độc quyền trong nhập khẩu, phân phối và lợi dụng tâm lý thích hàng ngoại để tăng giá bất hợp lý, trong khi sữa ngoại hiện chiếm tới 72% thị phần.
Theo TS Vũ Đình Ánh, để quản lý giá sữa và lành mạnh hóa thị trường, các lực lượng chức năng cần chú trọng kiểm tra, kiểm soát các yếu tố hình thành. Hoạt động này không chỉ liên quan bình ổn giá mà còn tăng các khoản thu cho ngân sách. Đồng thời, cần tăng cường việc sản xuất trong nước, đáp ứng đủ cung cầu với giá cả hợp lý. Khi ngành sản xuất và chế biến sữa trong nước chưa trở thành đối trọng với các nhãn hiệu sữa ngoại, thì những giải pháp bình ổn giá sữa e rằng rất tích cực song khó trở thành hiện thực trong một sớm một chiều.
Bên cạnh đó, Bộ Công Thương cần khắc phục tình trạng độc quyền trong nhập khẩu và phân phối sữa; bổ sung các chế tài xử lý đủ mạnh đối với các hành vi cạnh tranh không lành mạnh và lừa dối người tiêu dùng.