Anh Bùi Thanh Phú, một hộ làm nước mắm tại làng cho biết, nghề làm nước mắm đã có từ cách đây hàng trăm năm, trải qua nhiều thăng trầm, có những lúc nghề làm nước mắm nơi đây tưởng chừng như đã biến mất. Dù vậy, qua những nỗ lực giữ nghề và phát triển nghề, hiện nay Hội nước mắm làng nghề có khoảng hơn 50 hội viên chính thức, ngoài ra, hầu hết các hộ trong làng Nam Ô (cũ) đều biết làm nước mắm truyền thống nhưng ngày thường họ mưu sinh bằng công việc khác. Chỉ đến dịp Tết cổ truyền, tất cả các hộ mới quay về với nghề làm nước mắm để phục vụ Tết.
Lọc ngững mẻ mắm cuối cùng để phục vụ Tết Nguyên đán |
Anh Phú vui vẻ chia sẻ: “Năm nay số lượng khách đặt hàng tăng hơn năm trước chừng 20%. Hiện mình đang chuẩn bị đi giao hàng cho khách lẻ, còn khách bỏ sỉ (bán buôn) thì đã giao hết trong tuần trước. Nói khách lẻ chứ họ đặt cũng cả thùng (20 chai, 0,5 lít/chai) với nửa thùng để làm quà biếu”. Anh Phú cho biết thêm, nước mắm Nam Ô rất được khách ngoài miền Bắc ưa chuộng đặt về quê làm quà. Năm nay, anh Phú nhận được nhiều đơn hàng từ các tỉnh khu vực phía Bắc, nhiều nhất là TP. Hà Nội. Bên cạnh đó, còn có đơn hàng đi TP. Hồ Chí Minh, Quảng Nam….
Khi được hỏi vì sao khách hàng biết đến nước mắm Nam Ô, anh Phú cho biết, những khách quen năm trước đã mua dùng sản phẩm làm quà biếu thì năm sau họ cũng sẽ tìm đến để mua. “Tiếng lành đồn xa”, khách cũ giới thiệu cho khách mới. Thậm chí, nhiều khách hàng ở xa khi nghe giới thiệu đã thông qua điện thoại, mạng xã hội đặt hàng trăm lít nước mắm để gửi xe vận chuyển về. Ngoài ra, vì là lớp trẻ, anh Phú cũng tận dụng mạng xã hội để tranh thủ quảng bá nước mắm Hương làng cổ - Nam Ô.
Nước mắm Nam Ô còn được các quận, huyện, các phường, các trường học trên địa bàn TP. Đà Nẵng lựa chọn là quà biếu Tết công đoàn cho cán bộ, nhân viên; được nhiều doanh nghiệp trên địa bàn lựa chọn là một trong những sản phẩm trong giỏ quà Tết cho cán bộ, công nhân, người lao động và làm quà biếu cho đối tác, khách hàng…
“Do chỉ làm thời vụ, năm nay giá cá muối làm mắm có tăng nên một số bà có cũng có nâng giá nước mắm thành phẩm. Còn chỗ mình (nước mắm Hồng Hương) do làm ăn cả năm, nên đến Tết mình vẫn giữ giá như ngày thường, chấp nhận lãi ít”, anh Phú nói.
Nước mắm Nam Ô đã chú trọng đến bao bì sản phẩm, tất cả các sản phẩm nước mắm Nam Ô của các hộ sản xuất đều có gắn thương hiệu chung "Nước mắm Nam Ô" |
Đang theo dõi công đoạn chiết lọc nước mắm từ cá cơm đã muối, chú Nguyễn Được - hội viên HTX nước mắm Nam Ô cho biết, nghề làm nước mắm truyền thống nhiều vất vả, lắm gian truân, nhưng đã gắn với bao nhiêu thế hệ của làng Nam Ô, nên ai cũng có ý thức giữ nghề. Để có một mẻ mắm ngon tùy vào nhiều yếu tố nhưng quan trọng nhất là cá nguyên liệu và thời tiết. Cá để làm nước mắm Nam Ô là cá cơm than tươi. Cá sau khi ủ muối phải mất ít nhất 6 tháng mới có thể lọc ra để phơi hơi, sau đó mới chiết lọc vào chai. Sản phẩm chỉ làm bằng 2 nguyên liệu chính là cá và muối, được ủ bằng lu sành, sứ nên giữ trọn vẹn được mùi thơm từ cá, có vị mặn đặc trưng của muối nhưng không chát do giữ được vị ngọt thanh của cá cơm.
Đến dịp Tết, 5, 6 hộ dân xung quanh nhà chú Được lại tụ họp lại để lọc và chiết nước mắm thành phẩm để phục vụ Tết. Chỉ tay vào các lu sành xếp hàng dãy ở khoảng sân, chú Được nói: “Làm nước mắm rất cần có diện tích rộng do thời gian ủ cá dài, trong khi, quá trình đô thị hóa quá nhanh, diện tích dành cho sản xuất nước mắm ngày càng bị thu hẹp, nên các hộ nhờ khoảng sân nhà chú để ủ cá. Để phục vụ Tết năm nay, tổ hợp của chú đã muối 20 tấn cá cơm từ hồi đầu tháng 3 (âm lịch), gấp đôi so với năm trước. Đến thời điểm hiện tại, lượng nước mắm làm ra đều được khách hàng cả cũ và mới đặt”.
Cảnh ra vào tấp nập khuấy động làng Nam Ô vốn yên bình, vẫn có những giọt mồ hôi giữa tiết trời lập xuân se lạnh, nhưng trên môi ai cũng nở nụ cười. Đằng sau những giọt mồ hôi đó, người dân làng Nam Ô sẽ được đón một tại Tết ấm.