Nhiều khó khăn, thách thức
Theo báo cáo tại hội nghị thường kỳ UBND tỉnh Bắc Giang tháng 10 diễn ra sáng nay (5/11), tình hình kinh tế - xã hội của tỉnh Bắc Giang đã cơ bản phục hồi sau thiên tai, tính chung 10 tháng tiếp tục đạt nhiều kết quả tích cực. Giá trị sản xuất công nghiệp tháng 10 ước đạt gần 81 nghìn tỷ đồng, lũy kế 10 tháng đạt hơn 562 nghìn tỷ đồng, tăng 28,1% so với cùng kỳ.
Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ 10 tháng đạt hơn 55 nghìn tỷ đồng, tăng 16,1% so với cùng kỳ, đạt 86,2% kế hoạch. Tổng thu ngân sách nội địa 10 tháng ước đạt hơn 14,2 nghìn tỷ đồng, bằng 99,5% dự toán, tăng 24,9% so với cùng kỳ năm 2023. Có 12/16 khoản thu và 3/10 đơn vị cấp huyện đã vượt dự toán năm.
Đến nay đã thu hút vốn đầu tư vào các khu công nghiệp đạt hơn 1,4 tỷ USD, dự kiến cả năm 2024 sẽ đạt khoảng 1,5 tỷ USD.
Sản xuất nông nghiệp ổn định. Toàn tỉnh đã thu hoạch được 37.685 ha lúa vụ mùa; trồng hơn 15 nghìn ha cây vụ đông, đạt 70,4% kế hoạch; bằng 116,8% so với cùng kỳ năm trước. Việc thu hoạch và tiêu thụ sản phẩm cây ăn quả tương đối thuận lợi. Các lĩnh vực văn hóa, xã hội được quan tâm, đời sống nhân dân ổn định; an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội bảo đảm...
Giá trị sản xuất công nghiệp tháng 10 của tỉnh Bắc Giang ước đạt gần 81 nghìn tỷ đồng. Ảnh: Minh Đăng |
Tuy nhiên, tình hình phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Bắc Giang vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức, nhất là trước những biến động rất phức tạp, khó lường từ bên ngoài. Trong khi đó, các động lực tăng trưởng từ trong tỉnh chưa được thúc đẩy hiệu quả. Điển hình như việc sản xuất của một số doanh nghiệp tiếp tục gặp khó khăn, đặc biệt là doanh nghiệp sản xuất tấm pin năng lượng mặt trời.
Công tác thu hút đầu tư tiếp tục giảm so với cùng kỳ. Tình hình tai nạn giao thông phức tạp; giải ngân vốn đầu tư công, chương trình mục tiêu quốc gia đạt thấp...
Khắc phục ngay tình trạng né tránh, đùn đẩy trách nhiệm trong thực thi công vụ
Tại hội nghị, ông Mai Sơn, quyền Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang nhấn mạnh, kinh tế - xã hội của tỉnh Bắc Giang 10 tháng đạt nhiều kết quả tích cực về sản xuất công nghiệp, nông nghiệp, thu ngân sách, xóa nhà tạm, nhà dột nát... Đây là những động lực cho tăng trưởng của tỉnh. Tuy nhiên, bên cạnh kết quả đạt được còn một số khó khăn như: Thu hút đầu tư giảm so với cùng kỳ, giải ngân vốn đầu tư công chậm; một bộ phận cán bộ, công chức né tránh, đùn đẩy trách nhiệm trong thực thi công vụ, làm ảnh hưởng đến hình ảnh của tỉnh Bắc Giang.
Ông Mai Sơn, quyền Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang chủ trì hội nghị thường kỳ UBND tỉnh tháng 10. Ảnh: Trường Sơn |
Vì vậy, quyền Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang Mai Sơn yêu cầu, thời gian tới cần rà soát, thực hiện hiệu quả nhiệm vụ để hoàn thành các mục tiêu đề ra năm 2024, xây dựng nhiệm vụ năm 2025; giải quyết ý kiến, kiến nghị cử tri. Tập trung cao triển khai các nhiệm vụ thực hiện Nghị quyết số 1191/NQ-UBTVQH15 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã tỉnh Bắc Giang giai đoạn 2023-2025 để ổn định tổ chức.
Chuẩn bị chu đáo các điều kiện để tổ chức Lễ công bố và ra mắt tổ chức bộ máy cấp huyện, cấp xã mới của tỉnh Bắc Giang; chuẩn bị cơ sở vật chất cho huyện Lục Ngạn mới. Triển khai đồng bộ, toàn diện các nhiệm vụ, giải pháp cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh; khắc phục triệt để tình trạng nợ đọng, chậm ban hành văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành luật nhằm tạo môi trường thuận lợi, thông thoáng, thu hút các dự án đầu tư. Đôn đốc, đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng diện tích còn lại của các khu công nghiệp: Yên Lư, Hòa Phú mở rộng và các khu công nghiệp mới Phúc Sơn, Châu Minh - Bắc Lý - Hương Lâm.
Đồng thời, các cơ quan chuyên môn cần tham mưu giải quyết dự án chậm tiến độ, tránh lãng phí. Khắc phục ngay tình trạng né tránh, đùn đẩy trách nhiệm trong thực thi công vụ của một bộ phận cán bộ, công chức; quan tâm lắng nghe, giải quyết kiến nghị của người dân, doanh nghiệp; tập trung tuyên truyền để người dân đồng thuận chính sách Luật Đất đai; tháo gỡ khó khăn trong giải ngân vốn đầu tư công, chương trình mục tiêu quốc gia.
Tăng cường kiểm tra, kiểm soát thị trường, thực hiện đợt cao điểm đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả. Thực hiện các giải pháp bảo đảm bình ổn giá trong các tháng còn lại của năm 2024. Đồng thời, làm tốt công tác chăm sóc người có công, giảm nghèo, bảo đảm an sinh xã hội. Bảo đảm an ninh trật tự, ngăn chặn lừa đảo qua mạng...